Đề xuất bỏ thanh tra cấp huyện, hợp nhất thanh tra với kiểm toán
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, nên bỏ thanh tra cấp huyện và hướng tới hợp nhất cơ quan thanh tra với kiểm toán.
Ngày 8/5, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức hội thảo sửa đổi bổ sung Luật KTNN năm 2015. Phát biểu tại hội thảo này, dưới góc độ cá nhân, ông Nguyễn Văn Thanh đã thẳng thắn chỉ ra 5 vấn đề đáng lưu ý.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đồng tình với việc sửa đổi luật để có thể đặt vị trí và hoạt động của KTNN cao hơn nữa. Thậm chí so sánh về địa vị pháp lý, ông Thanh cho rằng, Tổng KTNN và hoạt động kiểm toán có giá trị cao hơn Thanh tra Chính phủ. “Đó là quan điểm cá nhân tôi. Cho nên cái gì KTNN có ý định làm thì thanh tra không làm”, ông Thanh nói.
Cũng theo Phó Tổng Thanhh tra Chính phủ, mỗi kết luận thanh tra khi được công bố phải gây rúng động với đơn vị được kiểm toán. Thậm chí nếu kết luận nặng, Tổng KTNN ý kiến gay gắt thì người đứng đầu đơn vị được kiểm toán đó phải từ chức. “Cần phải xây dựng một văn hóa như vậy, dù với văn hóa ở ta, điều đó cũng còn phải dài dài”, ông Thanh bày tỏ.
Mặc dù đã có sự phối hợp, song ông Thanh cũng cho rằng, hiện nay giữa Luật Thanh tra và Luật Kiểm toán đều để ngỏ điều này. “Sự phối hợp theo vụ việc lại phụ thuộc vào may rủi, thiện chí của những người thực thi công vụ cụ thể ở bối cảnh đó. Như vậy là không tốt”, ông Thanh đánh giá, đồng thời ủng hộ sửa đổi cả Luật Kiểm toán và Luật Thanh tra.
Từ mô hình tổ chức theo cụm của ngành kiểm toán, ông Thanh mong muốn cơ quan thanh tra cũng được tổ chức theo khu vực như kiểm toán, để không bị lệ thuộc vào thiết chế hành chính địa phương. Thậm chí, ông Thanh còn kiến nghị bỏ thanh tra cấp huyện, vì gần chục người ở đó không làm được việc gì đáng kể. Qua đó, chỉ còn lại hai cấp là thanh tra trung ương và thanh tra cấp tỉnh. Mà thanh tra tỉnh chỉ làm ở cấp dưới, còn từ trung ương đến cấp tỉnh thì thanh tra cấp trung ương làm.
“Tôi rất đồng tình với quan điểm khi sửa luật là Thanh tra Chính phủ chỉ thanh tra khi có khiếu nại tố cáo và thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng, chứ không tự mình thanh tra. Còn lại là KTNN phải làm hết. Bởi định nghĩa thanh tra là công cụ quản lý, nên cơ quan thanh tra tràn lan khắp nơi. Điều đó cũng làm mất thiêng công cụ của Chính phủ”, ông Thanh nêu.
Từ mô hình thanh tra với kiểm toán là một như ở Hàn Quốc, theo ông Thanh, đến một ngày nào đó chúng ta cũng phải sáp nhập theo hướng như vậy. “Chúng tôi chủ yếu là giải quyết khiếu nại đông người, có biểu hiện bất an trên diện rộng, còn kiểm toán tập trung vào việc sử dụng ngân sách, tài chính và tài sản công”, ông Thanh nói.
Tiền phong