MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất chỉ được rút 8% BHXH một lần: Đã không tăng lại còn cắt giảm?

Đề xuất chỉ được rút 8% BHXH một lần: Đã không tăng lại còn cắt giảm?

Theo nhiều bạn đọc, nếu đề xuất trên được áp dụng là hàng loạt người rời khỏi mạng lưới BHXH.

Trong Dự thảo đề cương sửa Luật BHXH lần này, cơ quan soạn thảo đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào Quỹ BHXH là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay. Còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ. Phương án này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Lý giải cho đề xuất chỉ cho NLĐ rút 8% BHXH một lần, một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết đây là thông lệ quốc tế vì bảo hiểm các nước không cho phép rút BHXH một lần nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân khi hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, phần chủ sử dụng lao động đóng vào quỹ được kết cấu vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Do vậy, khi được xã hội tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đó nghĩa là xã hội đóng phần này và chủ sử dụng lao động chỉ là người đóng thay. Như vậy, phần chủ sử dụng đóng thay sẽ tạm giữ lại đến khi người lao động hết tuổi lao động thì sẽ được hưởng.

Đề xuất chỉ được rút 8% BHXH một lần: Đã không tăng lại còn cắt giảm? - Ảnh 1.

Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có vệt bài "Đề xuất chỉ được rút 8% BHXH một lần: Vô lý" và nhận được phản hồi tích cực từ độc giả. Bạn đọc Lý Thành Tây bày tỏ: "Đề xuất giữ lại 14% của người lao động thì người hưởng lợi đầu tiên là người giữ lại tiền của người lao động. 14% không phải tiền của doanh nghiệp đóng đâu mà là chính tiền lương của người lao động, bởi trước khi tuyển vào các công ty ty đã tính hết thuế phí rồi. Cơ quan nhà nước chỉ việc giám sát để các công ty thực thi đúng như luật nhà nước qui định bảo đảm quyền lợi cho người lao động". Cùng góc nhìn, bạn đọc tên Sang đặt câu hỏi: "Chỉ được rút 1 lần với 8% còn 14% chờ đến tuổi hưu. Vậy thì đến tuổi hưu sẽ được tính lương hưu thế nào đây? Liệu lương hưu lúc đó là bao nhiêu có đủ nuôi sống cho bản thân mình không?

Một bạn đọc giấu tên góp ý: "Công sức bỏ ra mới có chế độ BHXH, nay ra cái qui định chỉ rút 8%. GDP đầu người của Việt Nam ta có bằng singapore, Indo, Malay, Thái chưa? Sao không lấy cái đó mà nâng cao mức sống thu nhập cho người dân để bằng các nước trong khu vực.??. Tương tự, bạn đọc Thân Thành Thái chất vấn: "Sao không tăng từ 22% lên 36%, còn cắt giảm đi! Dân ai cũng muốn có lương khi về hưu nhưng mức lương đó phải duy trì cho người ta tồn tại! Nếu lương hưu cao thì không ai mà đi rút hết ra để có vốn làm ăn!". Một bạn đọc tên Danh bức xúc: "Làm như đề xuất là hàng loạt người rời khỏi mạng lưới BHXH, trốn đóng BHXH hoặc đóng ở mức tối thiểu".

Theo bạn đọc Phan Đình Minh, trong thỏa ước giữa người sử dụng lao động và người lao động có đưa ra phương án lượng thưởng và mức BHXH hai bên thống nhất rồi ký hợp đồng. Vậy thì cớ gì BHXH lại đề xuất giữ lại số tiền của người lao động. Đồng quan điểm, bạn đọc tên Thảo phân tích thêm: "Công ty tính lương của người lao động là có tính luôn phần công ty phải đóng bảo hiểm đó ạ, vậy tiền bảo hiểm là của người lao động. Ai cũng muốn giữ lại để phòng tuổi già hết, không còn con đường nào thì người ta mới rút BHXH một lần.

Cần sòng phẳng với người lao động

Bạn đọc Nguyễn Văn Trực chua chát: "Nói thật, nếu luật quay lại nam đóng 30 năm, nghỉ hưu 60 tuổi; nữ đóng 25 năm, nghỉ hưu 55 tuổi được hưởng mức tối đa 75% như luật trước đây quy định thì sẽ có rất ít NLĐ rút BHXH một lần! Theo bạn đọc Sỹ Phú, nếu đóng sòng phẳng thì phải chi trả sòng phẳng theo ý muốn của người lao động.

Theo An Chi

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên