MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết năm 2025

07-04-2023 - 13:28 PM | Bất động sản

Qua tiếp thu ý kiến nhân dân đối với dự án Luật Đất đai sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025, để các địa phương có đủ thời gian xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của Luật.

Xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có báo cáo và tờ trình về việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân và việc tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Theo Bộ TN&MT bố cục của Dự thảo Luật Đất đai cơ bản được giữ nguyên như dự thảo đã được lấy ý kiến Nhân dân gồm 16 chương. Tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, số lượng các mục tại một số chương và số lượng các điều đã có sự thay đổi, Dự thảo hoàn thiện sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân có 16 chương, 246 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 22 điều, bỏ 12 điều.

Về sở hữu đất đai, Dự thảo sau khi đã tiếp thu ý kiến nhân dân quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ.”

Đề xuất sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết năm 2025 - Ảnh 1.

Cơ quan soạn thảo dự án Luật Đất đai sửa đổi tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025.

Thảo luận tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội và qua lấy ý kiến nhân dân, giá đất là vấn đề còn nhiều băn khoăn. Tính riêng lấy ý kiến nhân dân, với tài chính đất đai, giá đất có 979.736 ý kiến.

"Liên quan đến nội dung này, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp", báo cáo nêu rõ.

Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong việc xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất.

Căn cứ xác định giá đất bao gồm: mục đích sử dụng đất; thời hạn sử dụng đất; thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp; các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất.

Thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp phải đảm bảo: giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực; giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát, thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường.

Dự thảo giao Chính phủ quy định việc xác định giá đất, phương pháp định giá đất, xây dựng và áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; tư vấn định giá đất.

Đề xuất tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành

Cũng theo báo cáo, liên quan đến bảng giá đất, có ý kiến đề nghị ban hành bảng giá hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng quy định bảng giá đất ban hành hàng năm là khó thực hiện, đề nghị ban hành 2 năm 1 lần hoặc 5 năm 2 lần.

Tiếp thu các ý kiến, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, cho thấy việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần, điều chỉnh khi có biến động 20% rất ít địa phương thực hiện được, làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.

Theo cơ quan soạn thảo, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Do đó, để bảo đảm quy định này có tính khả thi, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025, các địa phương có thời gian từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2025, đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của Luật.

Đồng thời, việc ban hành bảng giá đất hàng năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường.

Gần 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật

Tính đến hết ngày 2/4/2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào Dự thảo Luật được tập hợp gửi về Bộ TN&MT. Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm vấn đề sau: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 1.159.990 ý kiến, chiếm 9.93%; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 1.004.674 ý kiến; Tài chính đất đai, giá đất: 979.736 ý kiến; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: 951.748 ý kiến; Chế độ sử dụng đất: 915.486 ý kiến; Thu hồi đất, trưng dụng đất: 888.018 ý kiến; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận: 881.021 ý kiến; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất: 871.653 ý kiến.


Theo Ninh Phan

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên