Dệt may phản ứng ra sao trước tin ông Trump - người không ủng hộ TPP trúng cử?
Tổng thống trúng cử Hoa Kỳ Donald Trump là người không ủng hộ TPP, tuy nhiên thông tin này liệu có tác động đến các DN dệt may hàng năm xuất khẩu nhiều tỷ USD vào Mỹ?
- 10-11-2016Năm 2017, doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn
- 04-11-2016Dệt may Việt Nam có thể tiết kiệm hơn 1 tỷ USD từ giảm chi phí logistics
- 31-10-2016Điện thoại, dệt may và da giày đứng đầu nhóm hàng xuất siêu
Diễn biến mới này cũng khiến Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tỏ ra thận trọng hơn về triển vọng tương lai. Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex, triển vọng xuất khẩu của ngành dệt may trong năm tới có thể sẽ gặp khó bởi sự kiện nước Anh rời EU và gần đây là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng của ông Donal Trump, người từng tuyên bố không ủng hộ TPP. Những lo ngại có thể được nhìn nhận theo ba khía cạnh gồm: cạnh tranh từ Trung Quốc và Bangladesh gia tăng; sự suy giảm chung của thương mại toàn cầu; và những tác động khác từ Brexit và khả năng chưa dự đoán được của TPP.
Với những lo ngại này, ông Trường cho biết triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của toàn ngành cho năm sau có thể chậm lại, xuống 5%-7% từ mức tăng trưởng 2 chữ số trước đó. Tuy nhiên trong năm ngoái hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) lo lắng về tăng trưởng chậm lại và đã trình Chính phủ một số đề xuất nhằm giữ tốc độ phát triển ngành này.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS từng tự tin khi cho rằng chưa cần đến TPP, khi mới gia nhập WTO dệt may Việt Nam đã có một vị thế đặc biệt và đã có nhiều sự đột phá. “Bằng chứng là kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành dệt may đã tăng trưởng 17%-18%/năm. Dự kiến ngành này sẽ đạt mức tăng trưởng 20%/năm nếu TPP có hiệu lực”, ông Vũ Đức Giang nói.
Trên thực tế, trong 9 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 17,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm tốc mạnh về tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam so với mức tăng 9,5% cùng kỳ năm ngoái, đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua. Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam và chiếm 49% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, xếp thứ hai là Nhật Bản với 12% và tiếp đó là Hàn Quốc với 10% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may.
Trong suốt năm 2015 cổ phiếu ngành dệt may như TCM của CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công, GMC của CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn, TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG, và đến năm 2016 là VGG của CTCP May Việt Tiến và STK của CTCP Sợi Thế Kỷ luôn nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường về mức tăng giá do “hiệu ứng TPP”. Theo quan sát của Infonet, cổ phiếu ngành dệt may cũng chỉ giảm giá nhẹ sau 3 phiên giao dịch gần nhất kể từ sau khi có kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 09/11.
Cụ thể, TCM có hai phiên giảm giá và một phiên tăng giá, đóng cửa phiên 11/11 ở mức giá 16.100 đồng/cổ phiếu, giảm 800 đồng (4,7%) so với phiên giao dịch ngày 08/11 (thời điểm trước khi có kết quả chính thức cuộc bầu cử). Trong khi đó, cổ phiếu GMC sau một phiên tăng giá, một phiên giảm giá và một phiên đứng giá hiện đang đứng ở mức giá 28.400 đồng/cổ phiếu, bằng với mức giá ngày 08/11; TNG sau hai phiên giảm và một phiên đứng giá cũng giảm 400 đồng/cp, còn 14.400 đồng/cp; VGG sau một phiên giảm mạnh và hai phiên tăng nhẹ còn 62.900 đồng/cp, giảm nhẹ 100 đồng/cp; STK sau hai phiên giảm và một phiên đứng giá hiện còn 18.500 đồng/cp, giảm 1.000 đồng/cp sau 3 phiên giao dịch.
Các cổ phiếu này chỉ giảm sốc trong phiên 09/11 khi thị trường chứng khoán Việt Nam và thế giới đồng loạt giảm điểm do hiệu ứng Donald Trump. Trên thực tế, dù TPP có được thông qua hay không, ngành dệt may Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng trong tương lai nhất là với những Hiệp định thương mại như FTA Việt Nam – Hàn Quốc (đã ký kết) và FTA Việt Nam – EU (dự kiến ký vào tháng 12/2016).
Mặc dù vậy, TPP nếu không được thông qua cũng sẽ là một điều đáng tiếc cho các nước tham gia đàm phán bởi ông Donald Trump là người có quan điểm ủng hộ bảo hộ sản xuất trong nước. Theo bà Trần Hải Yến, chuyên viên phân tích vĩ mô thuộc CTCK Bảo Việt, mặc dù trong chương trình tranh cử ông Trump mới chỉ đề xuất đàm phán lại các điều khoản thương mại với hai đối tác là Mexico và Trung Quốc, nhưng quan điểm bảo hộ này có thể sẽ còn tiếp tục chi phối đối với các đối tác mà Hoa Kỳ có thâm hụt thương mại, trong đó có Việt Nam.
9 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ là thị truờng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị 28,3 tỷ USD, trong đó các ngành có xuất khẩu trên 1 tỷ USD bao gồm dệt may, giầy dép, điện thoại, máy vi tính và sản phẩm điện tử, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy móc và thủy sản. Kể từ năm 2006 đến nay, Việt Nam cũng luôn có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ với giá trị ngày càng tăng. Gần đây nhất, năm 2015 Việt Nam xuất siêu 25 tỷ USD sang Hoa Kỳ.
Bà Trần Hải Yến cho rằng quan điểm cứng rắn của ông Trump về bảo hộ sản xuất trong nước có thể sẽ khiến ông áp dụng các chính sách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ tất cả các đối tác thương mại. Nếu điều này xảy ra, các nước xuất khẩu trong đó có Việt Nam khó tránh khỏi việc bị tác động.
Trong số các doanh nghiệp kể trên, TNG hiện sở hữu 10 chi nhánh may, mỗi năm sản xuất khoảng 12 triệu sản phẩm áo khoác và 9 triệu sản phẩm quần Chino, chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Canada và Mexico (chiếm 83% tổng kim ngạch xuất khẩu của TNG). Hoa Kỳ cũng là một trong những thị trường xuất khẩu chính của TCM, chiếm tỷ trọng 30%, Nhật Bản 35% và Hàn Quốc 20%. Trong khi đó, STK lại không phụ thuộc nhiều vào thị trường Hoa Kỳ khi có đến 70% sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan,... còn lại được tiêu thụ trong nước.
Infonet