MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may quay lại 'sân nhà'

Sản phẩm may mặc của Việt Nam ngày càng thuyết phục khách hàng. Ảnh: Quang Vinh.

Sản phẩm may mặc của Việt Nam ngày càng thuyết phục khách hàng. Ảnh: Quang Vinh.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng đầu năm tiếp tục giảm mạnh tới 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái; với 2,6 tỉ USD. Triển vọng từ thị trường thế giới vẫn chưa có nhiều sáng sủa, buộc các doanh nghiệp (DN) may mặc phải đầu tư phát triển sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiếp thị nhằm gia tăng sự hiện diện tại thị trường trong nước.

Chú trọng khai thác thị trường nội địa

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ và tiêu dùng hấp dẫn ở khu vực và trên thế giới với dân số gần 100 triệu người, trên 50% là dân số trẻ, tổng mức tiêu dùng cuối cùng chiếm khoảng 70% GDP. Thu nhập bình quân cuối năm 2021 đạt 3.800 USD/người/năm, dự báo đến năm 2025 sẽ đạt 4.900USD/người, và đến 2045 khả năng đạt 18.000USD/năm.

Như vậy thị trường tiêu dùng của Việt Nam là rất lý tưởng cho DN trong và ngoài nước. Việt Nam đẩy mạnh thực hiện phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và bản thân nhiều DN Việt đã chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam”. Vì vậy, theo ông Phú, thị trường nội địa luôn là bệ đỡ quan trọng cho DN.

Thời gian qua, nhiều DN đã có những thành công nhất định trong việc đưa hàng hoá đi xuất khẩu. Nhưng bối cảnh nền kinh tế 2023 đang có nhiều biến chuyển với sự sụt giảm rõ rệt về nhu cầu tiêu dùng. Hiệu ứng đầu tiên là đơn hàng xuất khẩu của một số ngành hàng chững lại, chẳng hạn như ngành gỗ, dệt may, cá tra…

Vì thế, ông Phú cho rằng, DN Việt Nam cần tận dụng thế mạnh là am hiểu người tiêu dùng, hàng hóa Việt, sản xuất tại chỗ rất dồi dào, chi phí vận chuyển từ sản xuất đến tiêu thụ ngắn, cộng thêm sức mạnh vốn có của hệ thống phân phối trước đây để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường nội địa.

Quay lại “sân nhà” là lựa chọn đang được nhiều DN triển khai. Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay, DN vẫn đang nỗ lực hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm tốt nhất. Đến nay, sản phẩm của May 10 đã có mặt tại 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý trên toàn quốc. Năm 2023, May 10 tiếp tục duy trì và nâng tỉ trọng hàng hóa tiêu thụ trong nước. Tổng công ty May 10 đã gây dựng được ở thị trường nội địa với hơn 20 nhãn hiệu thời trang thương hiệu May10 Expert, May10 Classic, Eternity GrusZ, Cleopatra...

Từ giữa năm 2022, khi ngành may mặc xuất khẩu khan hiếm đơn hàng quốc tế do ảnh hưởng nặng nề của tình trạng lạm phát tăng, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) đã chuyển hướng kinh doanh vào thị trường nội địa. Theo Tổng giám đốc Phạm Văn Việt, trong lúc các thị trường xuất khẩu bị đình trệ, nguồn thu từ nội địa giúp DN trang trải nhiều chi phí. Công ty đặt mục tiêu nâng thị phần nội địa từ 2%-3% hiện nay lên 5% trong năm 2023 và sẽ đạt 7% trong năm 2024.

Theo nhận định của nhiều DN, khó khăn đối với ngành dệt may sẽ còn kéo dài đến giữa năm 2023. Các yếu tố chính tác động đến thị trường năm 2023 đó là: Lãi suất tăng cao, lạm phát chưa có xu hướng hạ nhiệt, căng thẳng địa chính trị giữa một số quốc gia...

Năm 2023, ngành dệt may đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng xuất khẩu. Kịch bản tích cực, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 47-48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm sau. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may khoảng 45-46 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu năm này, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo các DN tập trung đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, giải quyết phần cung thiếu hụt; xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ tự động hóa, quản trị số, đầu tư đi đôi với bảo vệ môi trường, xanh hóa ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt, ngành dệt may cần giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa.

“Với quy mô dân số gần 100 triệu người, thị trường nội địa rất giàu tiềm năng cho các DN. Tuy nhiên, chưa nhiều DN dệt may trong nước chú trọng xây dựng thương hiệu và khai thác thị trường này” - ông Giang nói.

Tận dụng thời cơ để phát triển

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2022, thị trường may mặc trong nước tăng 40% so với năm 2021. Tuy nhiên, sự sụt giảm của tiêu dùng trong nước cũng đang diễn ra không khác gì so với xuất khẩu. Điều này đòi hỏi DN dệt may muốn phát triển thị trường nội địa thì phải làm căn cơ, đẩy mạnh phát triển thương hiệu cùng với hệ thống phân phối.

Song ông Trường lưu ý, muốn phát triển thị trường nội địa, DN dệt may không thể sao chép cách làm của các thương hiệu lớn bằng việc mở, khai trương ồ ạt trung tâm, cửa hàng mà cần dựa trên nền tảng phân tích nội lực, làm theo kiểu riêng, phù hợp với người tiêu dùng trong nước.

Dẫu biết thị trường nội địa luôn là chỗ dựa vững chắc cho DN nhưng với DN dệt may khi quay lại sân nhà cũng đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu thời trang nổi tiếng nước ngoài. Đặc biệt trong thời gian gần đây nhiều thương hiệu thời trang bình dân như H&M, Uniqlo… ra sức mở rộng. Các thương hiệu thời trang ngoại quốc này có tiềm lực về kinh tế nên đóng đô ở các trung tâm thương mại lớn, mở cửa hàng ở các vị trí đẹp nên rất thu hút sự chú ý của người dân.

Đứng ở góc độ người tiêu dùng, anh Nguyễn Hữu Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) , người vừa được tặng 2 bộ veston của nhãn hàng May 10 chia sẻ, sản phẩm của May 10 đẹp, chất lượng. Tuy nhiên anh Hùng cho rằng, trong bối cảnh thu nhập ngày càng khó, hàng chất lượng là yêu cầu tất yếu song giá cả mềm hơn thì sẽ có nhiều người quan tâm hơn.

Không chỉ hàng dệt may, với các ngành khác khi trở lại sân nhà, ngoài chất lượng, giá cả cũng phải phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt Nam. Giới chuyên gia trong ngành cũng lưu ý các DN kinh doanh cần chủ động kết nối với các DN khác để cho ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn phục vụ tiêu dùng với chi phí thấp nhất, tạo ưu thế cạnh tranh về giá trên thị trường giữa các kênh truyền thống và hiện đại, giữa các DN trong nước và nước ngoài.

DN cần chú ý tạo điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng được tiếp cận với hàng hóa, chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý chấp nhận được trong từng thời kỳ, góp phần kích cầu tiêu dùng xã hội. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các DN kinh doanh nội địa cần có ý thức hợp tác liên kết để vươn lên thành lập các tập đoàn bán lẻ Việt Nam đủ sức dẫn dắt thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển và phục vụ tiêu dùng xã hội.

Bên cạnh đó DN Việt Nam cần tận dụng thế mạnh là am hiểu người tiêu dùng, hàng hóa Việt, sản xuất tại chỗ rất dồi dào, chi phí vận chuyển từ sản xuất đến tiêu thụ ngắn... để nâng sức cạnh tranh.

Ông Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) cho rằng hiện Việt Nam là cường quốc sản xuất hàng dệt may, giá trị xuất khẩu luôn nằm trong top 5 thế giới. Nhiều thị trường rất tín nhiệm hàng dệt may Việt Nam. Điều này chứng tỏ chúng ta đã có kinh nghiệm sản xuất hàng dệt may. Tuy nhiên, trong lúc thị trường thế giới khó khăn thì việc quay trở về thị trường nội địa, chinh phục người tiêu dùng Việt Nam là đều DN cần hướng đến.

Dệt may quay lại sân nhà - Ảnh 1.

3 kịch bản xuất khẩu đối với ngành dệt may năm 2023

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS), nhu cầu tại 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và EU sụt giảm trong khi lượng hàng tồn kho cao, nhiều đơn hàng bị hủy, sức mua khó hồi phục trong vòng 1 năm, đó là thách thức đối với DN may mặc xuất khẩu. Trong chuỗi giá trị ngành may mặc, Việt Nam là nước gia công nên biên lợi nhuận thấp. Chi phí nhân công đang tăng mạnh do cạnh tranh. Ngay từ cuối năm 2022, nhiều đơn hàng của các DN dệt may Việt Nam bị hủy. Cụ thể, số lượng đơn hàng ở châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%; lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20-25%. Trong khi đó, nhiều khách hàng ép giá do hàng tồn kho cao nên các DN buộc phải chấp nhận mức giá thấp; cắt giảm nhân công để giảm chi phí do việc thiếu đơn hàng.

Theo H.Hương - P.Vân

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên