ĐHCĐ Ngân hàng ACB: Trả cổ tức 30%, người của nhóm "bầu Kiên" và Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn không có tên trong danh sách bầu HĐQT
Theo ông Đỗ Minh Toàn, tổng giám đốc ACB, những năm vừa qua ACB đã hoạt động tốt lên và nhờ đó có thể trích lập được tốt các phần dự phòng rủi ro, đặc biệt là nợ liên quan nhóm G6 của ông Nguyễn Đức Kiên.
Sáng ngày 19/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2018.
Theo dự kiến ban đầu, đại hội sẽ tiến hành từ 8h30, tuy nhiên do phát sinh vấn đề liên quan đến nhân sự đề cử, ứng cử vào nhiệm kỳ mới nên đến tận hơn 10h mới có thể tiến hành các nội dung chính thức của đại hội.
Cụ thể, trước khi đại hội bắt đầu, đại diện ngân hàng ACB đọc văn bản của NHNN về việc chấp thuận cho ACB bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 – 2023 với 8 ứng viên là: Ông Trần Hùng Huy; Ông Nguyễn Thành Long; Ông Dominic Scriven; Bà Đinh Thị Hoa; Bà Đặng Thu Thuỷ; Ông Đàm Văn Tuấn; Ông Hiệp Văn Võ (thành viên HĐQT độc lập) và Ông Huang Yuan Chiang (thành viên HĐQT độc lập).
Đại diện ACB cũng đề nghị cổ đông bầu 8 ứng viên này.
Như vậy so với danh sách ứng viên đề cử và ứng cử công bố trước đây gồm 11 người (trong đó ACB đề cử 10 người và có một ứng viên được nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% vốn đề cử), thì không có tên 3 ứng viên là ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Tổng giám đốc ACB; ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB và ông Nguyễn Duy Hưng - ứng viên do nhóm cổ đông mới đề cử.
Được biết với trường hợp của ông Toàn và ông Hòa, NHNN sẽ có ý kiến sau.
Nhóm cổ đông đề cử ông Nguyễn Duy Hưng đã lên tiếng phản đối kịch liệt và yêu cầu bầu tất cả 11 ứng viên vào nhiệm kỳ mới. Thậm chí nhóm này còn nghi ngờ ACB đã không gửi đủ danh sách 11 người cho NHNN và không có tên của ông Nguyễn Duy Hưng.
Phía ngân hàng ACB trong khi đó khẳng định đã gửi đầy đủ danh sách lên NHNN.
Theo chủ toạ đoàn, công văn ACB trình lên NHNN có đầy đủ 11 ứng viên, trong đó 10 ứng viên do HĐQT đề cử và 1 ứng viên do nhóm cổ đông đề cử và đầy đủ 11 hồ sơ tài liệu liên quan của mỗi cá nhân.
HĐQT cam kết 10 ứng viên đề cử đảm bảo đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của điều lệ ACB và không cam kết với ứng viên do nhóm cổ đông đề cử, đồng thời xin ý kiến NHNN.
Hơn 10h, đại hội bắt đầu đọc các tờ trình bao gồm báo cáo của HĐQT, Ban điều hành, Ban kiểm soát, phân phối lợi nhuận, thù lao của HĐQT và BKS, tăng vốn điều lệ bằng cổ phần phổ thông;
11h20, đại hội bước sang phần thảo luận. Trước khi thảo luận, đại diện cơ quan thanh tra giám sát NHNN là ông Võ Văn Thuần - Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM có ý kiến.
Ông Thuần nhận xét, ACB là ngân hàng trải qua thời gian khó khăn, có liên quan nhiều vấn đề về cả con người lẫn hoạt động gây ảnh hưởng đến uy tín và niềm tin, song thời gian gần đây đã được củng cố và điều này đạt được là có sự đồng lòng của cán bộ nhân viên.
Cũng theo vị đại diện cơ quan thanh tra giám sát, có nhiều tổ chức tín dụng tại TP.HCM hoạt động yếu kém nhưng tính khắc phục chưa tốt, chưa đồng bộ, nhưng ACB đã làm được. Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, ông đề nghị ngân hàng tiếp tục hoạt động đúng quy định và ngày càng phát triển.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề hoạt động và cổ tức năm nay thế nào, ông Đỗ Minh Toàn – Tổng giám đốc trả lời: Thời gian vừa qua ACB hoạt động tốt vì thế có đủ lực để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm "G6" – tức nợ liên quan 6 công ty của ông Nguyễn Đức Kiên. Năm nay, ngân hàng dự kiến trả cổ tức 30% để bù đắp những thiệt thòi cho cổ đông các năm qua so với các ngân hàng khác.
Về câu hỏi cổ tức năm 2016 vì sao trả chậm, ông Trần Hùng Huy chủ tịch HĐQT cho biết có vấn đề liên quan đến cổ phiếu quỹ cho nên chưa thể chi trả được, dự kiến năm nay sẽ trả sớm hơn.
Cổ đông hỏi thu nhập ngoài lãi của ACB chủ yếu đến từ đâu, ông Toàn cho biết đến từ 3 nguồn trong đó có 2 nguồn là hoạt động lõi của ngân hàng, đó là phí dịch vụ và khối tài chính mà cụ thể là trái phiếu; ngoài ra còn nhờ nguồn thứ 3 là xử lý nợ (được hoàn nhập dự phòng các khoản nợ, bán nợ...).
Vợ ông Nguyễn Đức Kiên
Bà Đặng Ngọc Lan, vợ ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) xin phát biểu ý kiến. Theo bà Lan, bà chỉ là một trong số các cổ đông đề cử ông Nguyễn Duy Hưng tham gia Hội đồng quản trị ACB và không rõ lý do cụ thể vì sao mà NHNN lại không chấp thuận. Về sự việc liên quan đến nhóm công ty có quan hệ tín dụng với ACB mà ngân hàng gọi là G6 thì không phải là vấn đề mong muốn và thời gian qua bà cùng các công ty vẫn đang nỗ lực để cùng ngân hàng xử lý hết.
Riêng về danh sách bầu vào nhiệm kỳ mới, bà đề nghị ông Trần Hùng Huy có ý kiến và tiếp tục làm việc với NHNN để không chỉ ông Nguyễn Duy Hưng mà cả 3 người trong đó có ông Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn - mà theo ACB cho biết là NHNN không chấp thuận - đề có tên trong danh sách bầu nhiệm kỳ mới, và bà đề nghị đại diện NHNN ghi nhận ý kiến này. Bà Lan nói mong muốn được đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Một vị đại diện cho cổ đông sở hữu 3,26% vốn của ngân hàng ACB cũng có ý kiến về 8 tờ trình của ngân hàng. Ngoài ra, vị này còn có ý kiến về việc chủ tọa đoàn thuê luật sư là một điều rất không nên, vì như thế sẽ làm ảnh hưởng đến cổ đông, đến đại hội vì người khác lại nghĩ rằng có sự đối đầu giữa chủ tọa đoàn với cổ đông. Vị này đồng thời đề nghị công bố văn bản về việc không chấp thuận ông Nguyễn Duy Hưng vào danh sách HĐQT.
Tuy nhiên trả lời câu hỏi của vị đại diện, ông Trần Hùng Huy chủ tịch ACB nói cổ đông nên tự đi tìm hiểu từ phía cơ quan quản lý.
Ngoài ra một số cổ đông cũng hỏi về hoạt động của ngân hàng ACB cũng như các kế hoạch về xử lý nợ xấu, phát triển dịch vụ, đầu tư xây dựng...
12h30, đại hội tiến hành biểu quyết 8 tờ trình và công bố kết quả bầu HĐQT, Ban kiểm soát.
Theo đó, các tờ trình được cổ đông thông qua với tỷ lệ đồng thuận là trên dưới 86%, có hơn 13% cổ đông không đồng ý.
Kết quả bầu cử Hội đồng quản trị và BKS như sau:
Trí Thức Trẻ