ĐHCĐ Vietcombank: Năm 2021 trả cổ tức tỷ lệ 8%, vốn điều lệ tăng lên trên 50 nghìn tỷ đồng
Việc chia cổ tức của năm 2019 tỷ lệ 8% đã được các cấp thẩm quyền thông qua, ngân hàng đang hoàn tất các thủ tục và sẽ sớm thực hiện chi trả.
- 23-04-2021Sáng nay 23/4 có 5 ngân hàng cùng tổ chức đại hội cổ đông
- 05-04-2021Vietcombank ước lãi 7.000 tỷ trong quý 1, tín dụng tăng trưởng 3,7%
- 04-04-2021Vietcombank còn rất nhiều "gạo", sẽ khó thoát cảnh "cô đơn trên đỉnh lợi nhuận" thêm thời gian dài nữa
Sáng ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán VCB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021 tại Ecopark (Hưng Yên).
Báo cáo tại đại hội, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, trong năm vừa qua, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên nền kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên với nỗ lực và quyết tâm cao, ngân hàng vẫn thực hiện thành công các mục tiêu phòng chống dịch, chia sẻ khó khăn với khách hàng, phát triển kinh doanh bền vững.
Đến cuối năm 2020, ngân hàng đạt tổng tài sản hơn 1,32 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2019; dư nợ tín dụng hơn 845 nghìn tỷ đồng, tăng 14%: huy động vốn đạt hơn 1,05 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,62%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 380% - cao nhất toàn ngành.
Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, tương đương năm 2019 và đạt 116,3% kế hoạch cổ đông giao. Quy mô vốn hoá đến cuối năm 2020 đạt 15,7 tỷ USD và đến ngày 22/4 đạt hơn 16,4 tỷ USD - dẫn đầu toàn ngành.
Năm 2021, Vietcombank lên kế hoạch tăng tổng tài sản 5%; dư nợ tín dụng tăng 10,5% và có điều chỉnh theo chỉ đạo của NHNN: huy động vốn phù hợp nhu cầu sử dụng vốn, dự kiến là 7%; lợi nhuận trước thuế ngân hàng hợp nhất tăng 11% trong đó riêng lợi nhuận ngân hàng riêng lẻ là 25.000 tỷ đồng - có điều chỉnh theo chỉ đạo của NHNN và ý kiến của Bộ Tài chính. Tỷ lệ nợ xấu năm nay vẫn sẽ duy trì mức thấp dưới 1%; tỷ lệ chi trả cổ tức là 8%.
Đặc biệt năm nay ngân hàng lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên trên 50.000 tỷ đồng.
Trong đó, cấu phần thứ nhất là tăng thêm hơn 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại của năm 2019 để chi trả cổ tức tỷ lệ 8%, nâng tổng vốn lên hơn 47.325 tỷ đồng. Cấu phần thứ 2 là phát hành riêng lẻ quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ để tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên hơn 50.400 tỷ.
Tại đại hội, cổ đông Vietcombank cũng sẽ bầu bổ sung nhân sự vào hội đồng quản trị. Ứng viên bầu là ông Sojiro Mizoguchi đến từ cổ đông chiến lược Mizuho. Đồng thời thông qua việc từ nhiệm của thành viên Ban kiểm soát là bà Trương Lệ Hiền do bà Hiền đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 11/2020.
Thảo luận cổ đông
-Kế hoạch lợi nhuận vì sao đặt thấp?
Ông Phạm Quang Dũng: Con số 11% là kế hoạch, được xây dựng trên cơ sở tổng thể, có tham vấn ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính. Với nền tảng hiện tại, kết quả kinh doanh của Vietcombank sẽ rất khả quan.
-Làm phòng truyền thống cho nhà đầu tư, định kỳ tiếp xúc nhà đầu tư?
Ông Phạm Quang Dũng: Địa điểm có thể hạn chế, việc tiếp xúc sẽ bài bản hơn, hiện tại việc tiếp xúc nhà đầu tư chưa rộng rãi nên các nhà đầu tư nhỏ chưa tiếp xúc với ngân hàng.
-Phân phối bảo hiểm qua nhân thọ đạt kết quả thế nào?
Ông Phạm Quang Dũng: Năm ngoái đứng thứ 13 trên thị trường về phân phối bảo hiểm nhân thọ, quý 1 vươn lên vị trí thứ 8. Năm nay ngoài phí upfront đã ký với FWD, sẽ còn thêm 800 tỷ từ phí, như vậy tổng cộng ghi nhận năm nay là hơn 2.800 tỷ đồng.
-Tiền gửi không kỳ hạn CASA của ngân hàng hiện nay?
Ông Phạm Quang Dũng: Tiền gửi không kỳ hạn của Vietcombank là hơn 32,1%, tỷ lệ không cao nhất nhưng con số tuyệt đối là cao nhất trong hệ thống hiện nay.
-Dự phòng rủi ro cao, ngân hàng có định nới lỏng khẩu vị rủi ro không?
Ông Phạm Quang Dũng: Ngân hàng kiên định quan điểm, thậm chí còn nâng cao khẩu vị rủi ro bằng việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế để phát triển bền vững.
-Định hướng mảng bán lẻ thế nào?
Ông Phạm Quang Dũng: Bán lẻ hiện chiếm 54% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,2%, toàn bộ dư nợ đều có tài sản đảm bảo, thậm chí hơn 100%. Thời gian tới sẽ thúc đẩy hơn nữa mảng bán lẻ.
-Dư nợ bất động sản của Vietcombank hiện nay?
Ông Phạm Quang Dũng: Dư nợ cho vay BĐS luôn kiểm soát chặt chẽ, hàng năm đều có định hướng tín dụng, định kỳ nhiều lần trong 1 năm đều rà soát danh mục dư nợ. Năm 2020 dư nợ cho vay BĐS chỉ 33 nghìn tỷ đồng, nếu tính cả cho vay cá nhân mua nhà để ở là hơn 230 nghìn tỷ đồng. Danh mục cho vay cá nhân mua nhà rất an toàn.
- Tiền gửi kho bạc bị rút ra mạnh có ảnh hưởng không?
Ông Phạm Quang Dũng: Việc giảm tiền gửi kho bạc nhà nước tại Vietcombank là định hướng của ngân hàng. Ngân hàng đã chủ động kiểm soát qua việc nâng cao Casa từ khách hàng khác và không có quan ngại gì.
-Thời gian chia cổ tức?
Ông Phạm Quang Dũng: Về nguyên tắc việc chia cổ tức đã được thông qua ở tất cả các cấp, ngân hàng đang triển khai các thủ tục để triển khai sớm nhất có thể.
-Định hướng chuyển đổi số?
Ông Phạm Quang Dũng: Ngân hàng đang chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, con người, văn hoá...
-Kinh doanh ngoại hối thời gian tới?
Ông Phạm Quang Dũng: Sẽ tăng trưởng không dưới 10% mỗi năm.
Ông Nghiêm Xuân Thành bổ sung, làm rõ thêm các vấn đề cổ đông hỏi:
Với hệ số sử dụng vốn của Vietcombank đang ở mức thấp, với tín dụng 10,5%, huy động vốn 7% thì mục tiêu 11% lợi nhuận trong bối cảnh đó là hoàn toàn phù hợp.
Năm 2020 quy mô tín dụng tăng 14% cao nhất ngành ngân hàng vì sao lợi nhuận không tăng? Vì năm qua hệ thống Vietcombank thực hiện chỉ đạo của Nhà nước để hỗ trợ khách hàng với 5 đợt giảm lãi suất tổng cộng 3.700 tỷ. Ngân hàng nhận định tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn, có thể khó khăn thêm vài năm nữa, nên đặt nặng vấn đề trích lập dự phòng. Năm qua trích lập dự phòng 9.900 tỷ, tăng hơn 50% so với năm trước, đưa tỷ lệ dự phòng lên 380%, là mức cao hiếm có trên thế giới. Lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng vẫn tăng 11%.
Hết quý 1 lợi nhuận của Vietcombank đạt hơn 8.000 tỷ, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020, tính cả phí upfront bảo hiểm. Với kế hoạch tăng trưởng 11%, năm nay Vietcombank hoàn toàn đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.
Nhịp sống kinh tế