MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ VPBank: Kiên định với tín dụng tiêu dùng, mục tiêu lãi 9.500 tỷ và không chia cổ tức

26-04-2019 - 15:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Kế hoạch năm 2019 của ngân hàng hợp nhất tăng trưởng nhẹ 3% nhưng của ngân hàng mẹ tăng hơn 20%. Ngân hàng cũng quyết nâng vốn điều lệ thêm gần 3.000 tỷ lên trên 28.000 tỷ thông qua phát hành riêng lẻ và ESOP.

Chiều ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2019.

Năm 2018 dẫn đầu khối cổ phần tư nhân về doanh thu

Báo cáo về kết quả hoạt động năm 2018, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, kết thúc năm 2018 ngân hàng đạt tổng tài sản hơn 323 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2017. Dư nợ cấp tín dụng bao gồm cả cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp tăng 17,3%. 

Bốn trụ cột của ngân hàng năm qua đó là tín dụng tiêu dùng (Fe credit), khách hàng cá nhân, tín dụng tiểu thương (Comm credit), khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các phân khúc này tiếp tục tăng ổn định, đóng góp 68% vào tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng.

Huy động vốn năm qua đạt mức tăng trưởng 17,33% trong đó tiền gửi của khách hàng và giấy tờ có giá tăng 10%, chiếm 61% tổng nguồn vốn.

Vốn chủ sở hữu tăng 17% lên hơn 34.750 tỷ đồng. Hệ số an toàn vốn CAR là 12,3% và nếu tính theo chuẩn Basel II thì đạt 11,2% - cao hơn rất nhiều so với lần lượt 9% và 8% quy định tối thiểu.

Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, lợi nhuận năm 2018 đạt gần 9.200 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017. Dù còn thấp hơn chút ít so với kế hoạch song lợi nhuận của VPBank vẫn đứng thứ 4 trong hệ thống ngân hàng, tương đương vị trí của năm 2017.

Tổng doanh thu của ngân hàng đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017 và dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, đồng thời là mức cao kỷ lục của nhà băng này từ trước tới nay. Trong số đó, 80% tổng thu nhập được đóng góp bởi phân khúc chiến lược. Fe Credit vẫn gặt hái được thành công vượt bậc cả về quy mô và hiệu quả hoạt động, và đóng góp 52% vào tổng thu nhập của ngân hàng hợp nhất.

Kế hoạch tăng doanh thu thêm 20%, lợi nhuận 9.500 tỷ trong năm 2019

Kế hoạch năm 2019, CEO của VPBank nói rằng ngân hàng sẽ tiếp tục chương trình chuyển đổi và cải cách, tập trung nâng cao hiệu quả đội ngũ quản lý vốn, quản lý tài sản. Doanh thu sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 20%, tín dụng tăng trưởng tín dụng trên dưới 15% theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (VPBank hi vọng sẽ có nhiều room tăng trưởng hơn so với mức 12% phê duyệt ban đầu).

Về mục tiêu lợi nhuận trước thuế, năm nay ngân hàng đặt kế hoạch 9.500 tỷ, tăng hơn 300 tỷ so với năm 2018. Theo ông Vinh, mức tăng trưởng này nhìn thì thấp (tăng 3%) nhưng thực ra trừ đi khoản thu nhập bất thường của 2018 đến từ bảo hiểm AIA (hơn 800 tỷ) thì vẫn đạt mức tăng 14%. Riêng ngân hàng mẹ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận là hơn 20%, từ mức hơn 4.000 tỷ lên 5.100 tỷ.

ĐHCĐ VPBank: Kiên định với tín dụng tiêu dùng, mục tiêu lãi 9.500 tỷ và không chia cổ tức - Ảnh 1.

Nói riêng về công ty con Fe Credit, ông Đức Vinh cho biết, năm nay giữa VPBank và Fe Credit có những sự điều chỉnh, nhưng mô hình cho vay tiêu dùng vẫn tiếp tục là thế mạnh của ngân hàng, VPBank sẽ tiếp tục các biện pháp để củng cố, bảo vệ vị trí của Fe Credit trên thị trường (đang chiếm 55% thị phần, thay vì mức 53% của năm 2017). Sự chậm lại của Fe Credit là sự chậm lại chung của thị trường nhưng VPBank vẫn tạo được sự tăng trưởng cao hơn so với các đối thủ. Với gần 4.200 tỷ lợi nhuận thì tỷ trọng đóng góp của Fe Credit cho ngân hàng hợp nhất khoảng 44%, sẽ tiếp tục là mô hình kinh doanh hiệu quả của VPBank năm nay và các năm tiếp theo.

Trong năm nay, ngân hàng cũng sẽ quản lý chặt hơn chi phí hoạt động, chẳng hạn có thể không tăng nhân sự nhưng hiệu quả lao động sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các quy định của NHNN sẽ được VPBank đặc biệt ưu tiên trong, ngân hàng sẽ giải quyết sạch nợ tại VAMC (hơn 3.100 tỷ)...

CEO VPBank cũng nhấn mạnh, năm 2019 là năm thứ 2 của giai đoạn triển khai chiến lược 5 năm tiếp theo 2018 - 2022 với mục tiêu tham vọng đề ra là năm 2020 trở thành ngân hàng thân thiện nhất với người tiêu dùng nhờ ứng dụng công nghệ và trở thành 1 trong 3 ngân hàng giá trị nhất Việt Nam. Năm 2019, VPBank theo đuổi mục tiêu khẳng định vị thế trên thị trường đó là nằm trong top 5 ngân hàng tư nhân về số dư huy động và cho vay khách hàng, top 3 về ngân hàng tư nhân bán lẻ hàng đầu về số dư huy động và cho vay khách hàng cùng số lượng khách hàng cá nhân.

Báo cáo của Hội đồng quản trị VPBank trình bày tại đại hội cũng cho biết, năm 2018 mặc dù so với kế hoạch cổ đông giao cho thì còn một số chỉ tiêu không đạt được nhưng đó là do một số yếu tố khách quan từ thị trường, dẫn đến các kế hoạch dự báo, điều hành hoạt động khá bị động, nhu cầu vay vốn phát triển thị trường, các hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp bị chững lại trong 9 tháng đầu năm; các hoạt động của Fe Credit cũng khó khăn...nên đã ảnh hưởng tới lợi nhuận. Dẫu vậy, xét kết quả chung trên thị trường thì kinh doanh của VPBank vẫn tốt, nằm trong top đầu về các hệ số kinh doanh là ROA, ROE và đứng đầu về doanh thu.

Không chia cổ tức

Tờ trình phân phối lợi nhuận 2018 do ông Bùi Hải Quân, phó chủ tịch VPBank trình bày tại đại hội cho biết năm nay ngân hàng trình cổ đông không chia cổ tức, tức là không chia tiền mặt cũng không chia cổ phiếu mà để lại lợi nhuận để phát triển ngân hàng. Số tiền chưa phân phối năm 2018 để lại sau khi trích các quỹ là hơn 3.400 tỷ.

Phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên

Song VPBank trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc phát hành cổ phiếu ưu đãi (ESOP) cho cán bộ nhân viên để giữ chân nhân tài. Tổng lượng cổ phiếu phát hành dự kiến là 31 triệu cổ phần và hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm, giải toả dần theo từng năm với tỷ lệ 30% sau năm đầu; 35% sau năm thứ 2 và 35% sau năm thứ 3 kể từ ngày kết thúc đợt bán. Việc phát hành ESOP sẽ tiến hành trong quý 2/2019.

Tăng vốn điều lệ thêm gần 3.000 tỷ

Tại đại hội, HĐQT VPBank cũng trình kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 25.299 tỷ lên 28.209 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên 31 triệu cổ phần; đồng thời phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư tối đa 260 triệu cổ phần, tương đương khoảng 2.600 tỷ. 

Về phát hành riêng lẻ, số lượng phát hành cụ thể sẽ được tính toán chi tiết tại thời điểm phát hành để tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài/vốn điều lệ VPBank lên mức tối đa 30% (hiện tại đang khóa ở mức 22,532%). Phương thức thực hiện là chào bán cổ phần riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán trong nước và/hoặc nước ngoài. Đối tượng chào bán là dưới 100 nhà đầu tư chứng khoán trong nước và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài. Giá chào bán được xác định bằng hình thức dựng sổ hoặc các hình thức khác phù hợp với mục tiêu cuối cùng là hiệu quả cho ngân hàng và số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Thảo luận cổ đông

Cổ đông hỏi: Trích lập dự phòng nợ xấu mỗi ngân hàng là khác nhau, có những ngân hàng dự phòng đến 170%, vậy ở VPBank tỷ lệ dự phòng là bao nhiêu? Công ty Fe Credit đóng góp lợi nhuận rất lớn cho ngân hàng, là trụ cột chính nhưng năm nay bị siết chặt hoạt động đối với các công ty tài chính thì ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng không?

Ông Nguyễn Đức Vinh trả lời: Liên quan công ty tài chính, NHNN mục đích ban đầu là muốn có hệ thống kiểm soát dể không bị quá rủi ro. Tâm lý của cơ quan quản lý là vừa làm vừa nhìn và cá nhân tôi chia sẻ với điều đó. 

Vừa qua NHNN đã có các biện pháp đẩy mạnh phát triển các dịch vụ tài chính, cụ thể là tín dụng tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen và tôi cho rằng mục đích này quan trọng hơn là kiểm soát rủi ro công ty tài chính. Trong quá trình soạn thảo dự thảo Thông tư 43, có thể do có nhiều việc quá nên các nội dung soạn thảo còn chưa đồng bộ. Song qua ý kiến của cộng đồng, chuyên gia, các công ty thì chúng tôi hi vọng NHNN sẽ lắng nghe và có những điều chỉnh phù hợp.

Về tỷ lệ dự phòng rủi ro thì có nhiều yếu tố, đầu tiên và quan trọng là con số tuyệt đối. Hơn nữa, mức dự phòng càng cao thì rủi ro càng cao. Trong dự phòng rủi ro cần phân tích rõ nội bảng và ngoại bảng. Như VPBank 100% dư nợ của Fe Credit hơn 53.000 tỷ là cho vay tín chấp, còn ngân hàng mẹ hơn 83.000 tỷ thì có 14.000 tỷ là cho vay tín chấp (retail), commcredit là 5.000 tỷ còn của SME là hơn chục nghìn tỷ, tức tổng cộng là 30.000 tỷ cho vay tín chấp. Mô hình cho vay tín chấp có mô hình dự phòng khác với dự phòng khác. Nói rằng VPBank dự phòng thấp hơn các ngân hàng khác thì tôi đồng ý, nhưng không phải chỉ nhìn nội bảng cho vay thế chấp (44%) mà phải nhìn cả ngoại bảng nữa thì lên hơn 70%.

"Vấn đề quan trọng là phát hiện sớm rủi ro và để tránh các rủi ro đó. Chúng tôi không để VPBank cho vay hoàn toàn là tín chấp, nhưng với mỗi mô hình có hình thức quản lý rủi ro khác nhau".

Ông Ngô Chí Dũng bổ sung: Nếu đánh giá các ngân hàng như nhau thì đó là khập khiễng. Trong xã hội có sự phân công rõ ràng, có những ngân hàng làm khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân, nhưng như Fe Credit phục vụ khách hàng tới hàng triệu người, đó là những người không có khả năng tiếp cận ngân hàng. Chúng ta đang phục vụ bộ phận đông đảo trong xã hội, kèm theo đó thì có tỷ lệ nợ xấu cao hơn và trích lập dự phòng cao hơn, song ngân hàng vẫn tuân thủ trích lập sớm hơn, đầy đủ hơn. 

"Cần đánh giá khách quan, công bằng, VPBank có nợ xấu cao hơn vì cho vay tiêu dùng. Nếu cho vay thế chấp thì nợ xấu của VPBank còn dưới 1%. Chúng ta đang phục vụ nhu cầu thực, đang góp phần mạnh vào công cuộc đẩy lùi tín dụng đen, mô hình kinh doanh đặc thù như vậy nên mong cổ đông hiểu và đánh giá toàn diện hơn về ngân hàng. Mong cơ quan quản lý đánh giá công bằng hơn với VPBank trong việc dự phòng nợ xấu, trích lập nợ xấu" - ông Dũng nói.

Cổ đông hỏi: Cổ tức không chia cho cổ đông thì có để lại tăng vốn điều lệ không, ai là người quyết định sử dụng nguồn vốn đó?

Ông Bùi Hải Quân trả lời: Năm 2018 lãi sau thuế hơn 7.000 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ thì còn lại hơn 3.400 tỷ đồng, tiền đó không chia cổ tức thì vẫn nằm trong ngân hàng, được dùng để phát triển ngân hàng chứ không được sử dụng vào mục đích khác. 

Năm nay VPBank tạm thời chưa chia cổ tức, cũng không có chủ trương chia tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính, nhất là hiện nay phải đảm bảo lượng vốn chủ sở hữu để đảm bảo hệ số CAR theo chuẩn Basel II.

Tiền chưa chia cổ tức thì tiền vẫn là sở hữu của cổ đông. Sau khi xin cổ đông cho trích lập của các quỹ sẽ thuộc quyền quản lý của HĐQT, sau này có chia hay sử dụng thế nào cũng phải xin ý kiến của đại hội đồng cổ đông.

---------

Kết quả biểu quyết và bỏ phiếu

Đại hội cổ đông VPBank đã nhất trí thông qua các tờ trình về kết quả kinh doanh, kế hoạch lợi nhuận, tăng vốn, phân phối lợi nhuận 2018, phát hành cổ phiếu ESOP đồng thời bầu bổ sung 2 thành viên vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015 - 2020 đó là bà Kim Ly Huyền và ông Vũ Hồng Cao./.




Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên