MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Ngân hàng OCB: Vì sao chưa thể niêm yết?

27-04-2019 - 09:49 AM | Tài chính - ngân hàng

Chủ tịch OCB trả lời cổ đông rằng, về phía OCB thì hoàn toàn không có ý định không muốn niêm yết, HĐQT chỉ chủ trương niêm yết lúc nào, như thế nào để tốt nhất cho ngân hàng cũng như cổ đông.

Sáng ngày 27/4/2019, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) nhằm thông qua hoạt động năm 2018 cũng như lên kế hoạch kinh doanh năm 2019.

Năm 2018 đạt 2.202 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 116% so với cùng kỳ

Phát biểu tại Đại hội, ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB – cho biết năm 2018 là một năm khá thành công của OCB với kết quả lợi nhuận trước thuế ấn tượng đạt 2.202 tỷ đồng, tăng mạnh 116% so với cùng kỳ năm trước, vượt 10% kế hoạch năm.

Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 100.047 tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm 2017. Tổng nguồn vốn huy động đạt 87.914 tỷ đồng, tăng gần 15%, huy động thị trường 1 đạt 71.158 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017. Dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 57.800 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu luôn được kiểm soát ở mức thấp.

Bên cạnh đó, năm 2018 OCB là một trong các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước công nhận hoàn thành chuẩn mực quốc tế Basel II về an toàn vốn.

Chia cổ tức 2018 bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, dành 5 triệu cổ phần chia cho CBNV

Với kết quả đạt được, OCB quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, tổng giá trị hơn 1.299 tỷ đồng.

Song song, HĐQT cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên (ESOP) với số lượng 5 triệu cổ phần, tương đương 50 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trước ĐHĐCĐ thường niên 2020.

Tăng vốn từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu riêng lẻ

Một vấn đề đáng quan tâm khác, năm 2019, OCB cũng sẽ phát hành cổ phiếu mới theo hình thức riêng lẻ cho các nhà đầu tư gần 1.185 tỷ đồng. Đi cùng với công tác tăng từ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu mức vốn điều lệ tăng thêm hơn 1.299 tỷ đồng.

Tính chung, dự kiến mức vốn điều lệ tăng lên hơn 9.083 đồng (tăng 2.484 tỷ đồng so với 2018). 

Mục tiêu lãi trước thuế 2019 tăng 45% lên 3.200 tỷ đồng

Bước sang năm 2019, OCB đặt kỳ vọng tăng trưởng 30% đối với các chỉ tiêu hoạt động (trong điều kiện được cơ quan quản lý chấp thuận giới hạn tăng trưởng tín dụng), tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu thuần ở mức 37%, lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với năm 2018. Tổng tài sản dự đạt 120.047 tỷ đồng, tăng gần 20%; tổng nguồn vốn huy động đạt 105.980 tỷ đồng, tăng 21%. Huy động thị trường 1 đạt 88.380 tỷ đồng, tăng 24%. Dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 75.253 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018.

Chủ tịch OCB: HĐQT không phải không muốn niêm yết mà làm sao để làm tốt nhất

Tại Đại hội, trả lời cổ đông vấn đề "Nếu thị trường vẫn tiếp tục không tốt thì kế hoạch niêm yết của OCB có bị thay đổi?", ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT OCB – cho biết ngân hàng đã đưa ra Nghị quyết niêm yết hai năm rồi, giai đoạn 2017-2018. Năm 2017 lý do tại sao chưa niêm yết đã đưa vào tờ trình Nghị quyết. Về phía OCB thì hoàn toàn không có ý định không muốn niêm yết, HĐQT chỉ chủ trương niêm yết lúc nào, như thế nào để tốt nhất cho ngân hàng cũng như cổ đông.

Hiện, OCB là ngân hàng còn room nước ngoài, do đó, OCB chủ trương tìm nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu hỗ trợ tăng năng lực tín dụng… rồi mới niêm yết.

Năm 2018 khi tháng 4-5 thị trường thay đổi rất lớn, trong bối cảnh một vài ngân hàng bán cho ngân hàng và chính thức niêm yết đã tạo cú sốc cho nhà đầu tư ngoại (lỗ khi thị giá giảm mạnh sau đó), dẫn đến việc OCB thận trọng đi sau thì khá bất lợi. Do đó, OCB năm 2018 đã quyết định lùi niêm yết và tiếp tục tìm kiếm đối tác.

Liệu rằng có đạt được mục tiêu 3.200 tỷ hay không?

Ông Nguyễn Đình Tùng Tổng giám đốc trả lời: thật ra 3 năm nay ngân hàng tăng trưởng rất tốt, và năm 2018 OCB tiếp tục hoàn thành kế hoạch đặt ra. Năm 2019, để trả lời OCB đặt chỉ tiêu tăng 45% làm sao đạt được, vị này nhấn mạnh "Chúng ta vẫn sẽ thúc đẩy tăng quy mô một cách chất lượng, năm 2018 thuộc TOP 3 về hai chỉ số ROE và ROA – đây là lợi thế rất lớn của OCB tính đến hiện tại".

Cùng với đó, OCB có nền tảng ngân hàng bán lẻ, ngân hàng số mà OCB đã chuẩn bị nhiều năm qua, đến lúc gặt kết quả. Đồng thời, việc quản lý rủi ro cũng như mở rộng hệ thống cũng được OCB chú trọng. Đồng thời, với việc thông qua Basel II thì ông Tùng cho rằng kế hoạch năm 2019 là khả thi.

Cố gắng rất cao để niêm yết ngay trong năm 2019

Tiếp tục chất vấn xoay quanh vấn đề niêm yết, cổ đông thắc mắc thời gian nào OCB sẽ đàm phán xong với nhà đầu tư nước ngoài để đạt được thoả thuận, từ đó tiến hành niêm yết?

Chủ tịch OCB trả lời: Việc đàm phán mất nhiều thời gian, chưa kể phải đàm phán với nhiều đối tác khác nhau.

Còn về thời gian, thì như ban lãnh đạo đã nói sẽ cố gắng hoàn tất và cuối quý 3/2019.

"Nói tóm lại, OCB sẽ cố gắng niêm yết trong năm nay, với sự cố gắng rất cao của HĐQT nhiều khả năng sẽ không chậm trễ hơn nữa", Chủ tịch OCB nói thêm.


Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên