ĐHCĐ Ngân hàng MB: Đang thương thảo để bán bớt vốn tại MBS, 5 năm tới duy trì cổ tức tối thiểu 12-13%/năm
MB sẽ trả cổ tức 6% bằng tiền mặt và 8% bằng cổ phiếu cho kết quả kinh doanh năm 2018, và tiếp tục duy trì tỷ lệ này trong năm 2019.
- 27-04-2019Phác họa bức tranh ngân hàng quý 1 từ kết quả kinh doanh của 20 nhà băng
- 20-04-2019MBBank báo lãi trước thuế 2.424 tỷ đồng trong quý 1, thu nhập từ dịch vụ tăng đột biến
- 18-04-2019MBBank muốn tăng vốn điều lệ lên hơn 25.800 tỷ, dự kiến bán 47 triệu cổ phiếu quỹ
Sáng nay ngày 27/4, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - MBB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2019 và tổng kết nhiệm kỳ 2014 - 2019, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Doanh thu năm 2018 tăng 41%, lợi nhuận tăng 68%, cổ tức 14%
Báo cáo tại đại hội, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB, năm 2018 ngân hàng đạt hầu hết các chỉ tiêu được cổ đông giao cho, ngoại trừ huy động vốn từ dân cư (mới đạt 97,8% kế hoạch song vẫn tăng 9% so với cuối năm 2017). Đến hết năm 2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 362 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng hơn 214,6 nghìn tỷ; tỷ lệ nợ xấu 1,33%. Vốn điều lệ của ngân hàng được nâng lên 21.605 tỷ đồng, tăng 19%.
Đáng chú ý, doanh thu của ngân hàng năm qua tăng 41% và đạt 19.537 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 7.676 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước. Năng suất lao động của cán bộ nhân viên tăng 23% đạt bình quân 826 triệu đồng/người/năm.
Với kết quả kinh doanh tích cực, MB dự kiến chi trả cổ tức năm 2018 là 14% trong đó 6% bằng tiền mặt và 8% bằng cổ phiếu - chi trả trong năm 2019.
Ngân hàng hợp nhất đặt kế hoạch lãi 9.560 tỷ, ngân hàng riêng lẻ 8.345 tỷ
Với nền tảng đã đạt được, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất cho năm 2019 đạt 9.560 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2018 trong đó ngân hàng mẹ dự kiến đạt 8.345 tỷ - tăng 19%. Tổng tài sản dự kiến đạt 402.606 tỷ đồng, huy động tiền gửi đạt 269.396 tỷ đồng (tăng 12%), cho vay khách hàng đạt 246.036 tỷ đồng (tăng 15%). Nợ xấu mục tiêu kiểm soát dưới 2%. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến duy trì ở mức 14%.
Chiến lược kinh doanh của MB năm 2019 sẽ chú trọng khai thác sâu khách hàng theo từng phân khúc, chú trọng trải nghiệm khách hàng; ưu tiên sản phẩm dịch vụ số, bên cạnh việc hoàn thiện các mô hình kinh doanh bán lẻ, phát triển thẻ, hoạt động ngân hàng đầu tư và khách hàng FDI.
Đã được chấp thuận áp dụng Basel II sớm về an toàn vốn (thông tư 41 - trụ cột thứ nhất của Basel II)
Tại đại hội, lãnh đạo MB cho biết vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chấp thuận cho MB được áp dụng Basel II sớm.
Phát biểu tại đại hội, ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra cơ quan thanh tra giám sát NHNN cho biết, MB là một trong các ngân hàng top đầu nhóm cổ phần thương mại tư nhân, đạt kết quả phát triển toàn diện trong nhiệm kỳ 2014 - 2019, cụ thể tổng tài sản tăng gấp 1,8 lần; cho vay khách hàng tăng 2,1 lần; doanh thu và lợi nhuận tăng 2,4 lần; cho vay khách hàng tăng gấp hơn 2 lần, chất lượng tín dụng kiểm soát tốt...
Nói riêng về Basel II, ông Huyền Anh nói MB thực hiện trước thời hạn là 7 tháng (áp dụng từ 1/5/2019), được NHNN đánh giá cao và xếp hạng A - tức là mức xếp hạng cao nhất.
Sẽ tăng vốn điều lệ thêm 4.236 tỷ lên hơn 25.800 tỷ đồng
Tại đại hội lần này, MB trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 21.604 tỷ đồng lên 25.841 tỷ trong năm nay.
Cụ thể, đợt 1, MB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 1.691 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 8%. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2 – 3/2019.
Sau đó tăng vốn thêm 432 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) 43,2 triệu cổ phần tương ứng với 2% vốn điều lệ. Giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2 – 3/2019.
Đợt 2, MB sẽ tăng vốn thông qua chào bán riêng lẻ 258,4 triệu cổ phần, tương ứng với 10% vốn điều lệ từ việc phát hành riêng lẻ mới 211,35 triệu cổ phần và bán lại 47 triệu cổ phiếu quỹ do MB đang nắm giữ.
Đối tượng chào bán là các NĐT trong và ngoài nước, cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định pháp thuận và thỏa thuận giữa ngân hàng và các nhà đầu tư. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3-4/2019.
Với số vốn điều lệ tăng thêm hơn 4.236 tỷ đồng, ngân hàng sẽ dùng để đầu tư xây dựng trụ sở hoạt động, văn phòng chi nhánh, công nghệ và trang thiết bị khác cần thiết.
Kế hoạch 2019 - 2024
ĐHCĐ của MB cũng đã đề ra mục tiêu kinh doanh cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, với các chỉ tiêu tăng trưởng bình quân hàng năm cụ thể: tổng tài sản tăng 14%, huy động vốn tăng 15%, tín dụng tăng 14% (theo giới hạn của NHNN), lợi nhuận trước thuế tăng 20%, nợ xấu tối đa 2% và tỷ lệ an toàn vốn CAR tuân theo quy định của Basel II.
Bầu nhân sự nhiệm kỳ mới
HĐQT của MB hiện có 10 người bao gồm ông Lê Hữu Đức (chủ tịch), ông Lưu Trung Thái và ông Lê Công là hai phó chủ tịch, các thành viên còn lại gồm ông Hà Tiến Dũng, ông Nguyễn Đăng Nghiêm, ông Nguyễn Văn Hùng, bà Nguyễn Thị Ngọc, bà Nguyễn Thị Thuỷ, ông Nguyễn Văn Huệ và ông Nguyễn Chí Thành.
Trong danh sách ứng cử vào nhiệm kỳ mới chỉ có 4 người nhiệm kỳ cũ là ông Lưu Trung Thái, ông Lê Hữu Đức, bà Nguyễn Thị Thuỷ và bà Nguyễn Thị Ngọc, còn 7 người hoàn toàn mới, cụ thể như sau:
-HĐQT 11 người: ông Lê Hữu Đức, ông Lê Viết Hải, ông Kiều Đặng Hùng, bà Vũ Thái Huyền, bà Nguyễn Thị Ngọc, ông Đỗ Minh Phương, bà Vũ Thị Hải Phượng, ông Lưu Trung Thái, ông Ngô Minh Thuấn, bà Nguyễn Thị Thuỷ và ông Trần Trung Tín (thành viên độc lập).
-BKS 4 người dự kiến là ông Đỗ Văn Hưng, bà Đỗ Thị Tuyết Mai, bà Phạm Thu Ngọc và bà Lê Thị Lợi.
-------------------
Thảo luận cổ đông
Cổ đông hỏi khi nào MB thoái vốn khỏi MBS, mức giá như thế nào, lộ trình thoái vốn ra sao?
Ông Lưu Trung Thái: Chủ trương của MB là không thoái vốn hoàn toàn khỏi MBS mà vẫn nắm quyền chi phối tức là 51% trở lên. Hiện ngân hàng đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ, chứng khoán.
Hiện hai bên đang trong quá trình thương thảo nên chưa thể lộ ra tên và giá bán. MB sẽ làm việc với công ty tư vấn đề có được giá tốt nhất, đảm bảo lợi ích cho cổ đông.
Cổ đông hỏi: MB còn nợ xấu là bao nhiêu? Giải pháp trong các năm tới thế nào?
Ông Lưu Trung Thái: Nợ xấu đến 31/3 là hơn 2.800 tỷ, dự kiến sẽ xử lý, thu hồi trong năm 2019 là hơn 2.850 tỷ.
Cổ đông hỏi: Hoạt động của các công ty con thế nào trong năm qua, vì sao không đưa vào tài liệu cổ đông?
Ông Lưu Trung Thái: Các công ty con hoạt động hầu hết là tốt, có lãi lớn, trong đó công ty tài chính lãi hơn 200 tỷ trong khi năm 2017 chỉ đạt có 2 tỷ. Trong số các công ty con chỉ có 1 công ty thua lỗ.
Cổ đông hỏi: Dự thảo thông tư 43 ảnh hưởng gì công ty tài chính của MB?
Ông Lưu Trung Thái: dự thảo thông tư 43 có thể sửa đổi. Công ty tài chính không lớn nên sẽ không tác động đến ngân hàng hợp nhất.
Cổ đông hỏi: Kế hoạch cổ tức trong nhiệm kỳ tới?
Ông Lưu Trung Thái: Dự chi cổ tức hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh hàng năm. Nhưng trong 5 năm tới chúng tôi dự trù chi trả cổ tức tối thiểu 12-13%
-------
Thông qua các tờ trình và kết quả bầu cử
Đại hội đồng cổ đông của MB đã nhất trí thông qua tất cả các tờ trình tại đại hội và bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát vào nhiệm kỳ mới với tỷ lệ nhất trí cao.
-HĐQT nhiệm kỳ 2019- 2024 gồm 11 người: ông Lê Hữu Đức, ông Lê Viết Hải, ông Kiều Đặng Hùng, bà Vũ Thái Huyền, bà Nguyễn Thị Ngọc, ông Đỗ Minh Phương, bà Vũ Thị Hải Phượng, ông Lưu Trung Thái, ông Ngô Minh Thuấn, bà Nguyễn Thị Thuỷ và ông Trần Trung Tín (thành viên độc lập).
-BKS nhiệm kỳ 2019 - 2024 gồm 4 người là ông Đỗ Văn Hưng, bà Đỗ Thị Tuyết Mai, bà Phạm Thu Ngọc và bà Lê Thị Lợi.
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- ĐHCĐ PVcomBank: Tiếp tục đặt mục tiêu kinh doanh an toàn trong năm 2019
- Vietcombank đang lãi khoảng 2.000 tỷ từ các khoản đầu tư vào Eximbank, MB, Vietnam Airlines
- Người của SCIC, Viettel, Trực thăng Việt Nam và Tân cảng Sài Gòn tham gia HĐQT Ngân hàng Quân đội nhiệm kỳ mới
- ĐHĐCĐ Ngân hàng OCB: Vì sao chưa thể niêm yết?
- NCB tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2019