ĐHĐCĐ PVS: Kế hoạch lãi ròng giảm phần ba về 560 tỷ, cổ phiếu lập tức giảm gần 7% ngay phiên sáng
Cũng chính phải triển khai nhiều vấn đề liên quan dự án Cá Rồng Đỏ nên chi phí quản lý tăng mạnh. Bổ sung, PVS cho biết cũng tăng tập trung vào chi phí trích dự phòng tại một số đơn vị đang lỗ, còn chi phí quản lý hành chính thì tiết giảm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra sáng ngày 25/5/2018, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đặt mục tiêu năm 2018 với doanh thu hợp nhất 13,000 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 700 tỷ đồng và 560 tỷ đồng. So với năm 2017, doanh thu của PVS dự kiến giảm 42%, còn lợi nhuận sau thuế giảm hơn 28% so năm 2017. Cổ tức bằng tiền mặt 7%.
Kế hoạch kinh doanh giảm mạnh, vì đâu?
Lý giải tại sao kế hoạch giảm mạnh, ban lãnh đạo cho biết năm 2018 mặc dù giá dầu thô đã tăng và duy trì quanh mức 65-70 USD/thùng, nhưng các dự báo về triển vọng hoạt động dầu khí trong nước và khu vực vẫn không có nhiều thuận lợi, không hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt cả trong và ngoài nước cũng như những diễn biến khó lường về chính sách kinh tế - chính trị toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của PVS. Tổng Công ty cũng gặp phải một số vấn đề nội tại trong mô hình và cách tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ không còn phù hợp với tình hình mới sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi ở những lĩnh vực từng được xem là truyền thống, giữ vai trò chủ đạo như tàu dịch vụ, căn cứ cảng dịch vụ, dịch vụ khảo sát... khiến Công ty đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Ngay phiên sáng Đại hội, cổ phiếu PVS trên sàn giảm mạnh gần 7%, lui về mức giá 18.000 đồng/cp, mặc cho những phiên trước đó có hồi phục nhẹ.
Biến động cổ phiếu PVS 3 tháng trở lại đây.
Điểm lại kết quả doanh thu hợp nhất thực hiện cả năm 2017, Tổng Công ty đạt 22,368 tỷ đồng, vượt 72% kế hoạch năm; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1,005 tỷ đồng, vượt 43% kế hoạch năm. Dù năm qua giá dầu bình quân quay lại mức 54 USD/thùng, tuy nhiên theo PVS bối cảnh thị trường dịch vụ dầu khí năm 2017 vẫn chưa có sự tiến triển, cả về khối lượng công việc lẫn giá dịch vụ.
Mặt khác, theo Tổng Giám đốc PVS trong năm qua, hầu hết các dự án phát triển mỏ dầu khí biển trong và ngoài nước tiếp tục bị giãn, dừng triển khai dẫn đến khối lượng công việc giảm sút. Dịch vụ dầu khí biển (là khu vực dịch vụ chính của Tổng Công ty) bị cạnh tranh khốc liệt, giảm nghiêm trọng theo cấp số nhân, về cả khối lượng công việc và giá trị dịch vụ. Với thực trạng có hoạt động thì lỗ ít, không hoạt động thì lỗ nhiều hoặc phá sản, nhiều công ty cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài nước sẵn sàng chào phá giá, chấp nhận thực hiện dịch vụ với giá rất thấp hoặc hoạt động, vận hành sản xuất kinh doanh trong điều kiện thiếu an toàn bất chấp các quy định hiện hành, để cắt giảm tối đa các chi phí, làm cho thị trường dịch vụ trong khu vực ngày càng hỗn loạn.
Cụ thể, giá dịch vụ của PVS chỉ thực hiện 30% so với thời điểm giá dầu 100 USD/thùng. Giá FSO cũng giảm từ 45-60%...
Trước khó khăn trên, Tổng Công ty dự kiến đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới. Cụ thể, Tổng Công ty đang thực hiện Dự án Tàu phục vụ gần bờ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hợp đồng bao gồm trách nhiệm đi kèm là cung cấp dịch vụ ứng cứu sự cố tràn dầu tại Cảng (Harbor) và Phao rót dầu không bến (SPM) theo yêu cầu của Khách hàng. Đồng thời, PVS sẽ mở rộng ngành nghề kinh doanh sang cung cấp dịch vụ ứng cứu sự cố tràn dầu, hoạt động du lịch, điều hành tour…
Chính thức thông tin về dự án Cá Rồng Đỏ
Thời gian qua, lình xình xoay quanh việc dừng dự án Cá Rồng Đỏ có lẽ là câu chuyện được quan tâm nhất tại PVS, cũng chính vì đó mà cổ phiếu Tổng Công ty liên tục đi xuống. Và tại Đại hội hôm nay, người đứng đầu PVS mới chính thức đưa ra nguyên nhân chính xác dừng dự án Cá Rồng Đỏ. Trong đó, PVS là bên ký hợp đồng cung cấp FPSO cho khách hàng tại dự án này và theo khách hàng báo cho PVS biết thì dự án Cá Rồng Đỏ đã áp dụng tình trạng bất khả kháng. Theo đó, PVS đang thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cũng như hợp đồng đã ký.
Cũng chính phải triển khai nhiều vấn đề liên quan dự án Cá Rồng Đỏ nên chi phí quản lý tăng mạnh. Bổ sung, PVS cho biết cũng tăng tập trung vào chi phí trích dự phòng tại một số đơn vị đang lỗ, còn chi phí quản lý hành chính thì tiết giảm.
Hơn nữa, việc phát hành gần 112 triệu cổ phiếu sắp đến đây cũng phải căn cứ tùy thuộc vào tình hình thực tế triển khai dự án Cá Rồng Đỏ. Được biết, phương án tăng vốn điều lệ từ 4,467 tỷ đồng lên 5,896 tỷ đồng của PVS trong năm 2017 chưa thực hiện được nên sẽ chuyển sang năm 2018.
Theo đó, năm nay PVS dự kiến phát hành gần 112 triệu cổ phiếu, tương ứng 25% vốn cho cổ đông hiện hữu và hơn 31 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 7%. Mục đích của việc phát hành là huy động vốn để đầu tư dự án FPSO Cá Rồng Đỏ dưới hình thức đầu tư góp vốn liên doanh để thực hiện dự án và bổ sung vốn phục vụ đầu tư, sản xuất kinh doanh.
2018 có kế hoạch chuyển niêm yết?
Một thông tin đáng quan tâm khác, năm qua PVS cũng đã triển khai các thủ tục chuyển sàn niêm yết sang HOSE. Tuy nhiên đến thời điểm này chưa hoàn tất do một số vấn đề trong việc xử lý công nợ đối với các bên liên quan.
Trả lời thắc mắc cổ đông về lý do chưa chuyển sàn, ban lãnh đạo phân trần tại thời điểm PVS làm hồ sơ thì có một số công nợ quá hạn theo hợp đồng, nhưng do liên quan tới thỏa thuận lên sàn nên Tổng Công ty sẽ xử lý khi đủ điều kiện. Dự kiến, công tác thu hồi nợ sẽ được xử lý xong ngay trong quý 2, chậm nhất là quý 3 năm nay, chia sẻ của một người nội bộ cho hay. Được biết, công nợ phải thu 379 tỷ đồng tập trung tại dịch vụ khai thác thăm dò, về mặt tuổi nợ là nợ quá hạn nhưng theo PVS đánh giá thì không phải là không có khả năng thu nợ.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị liên quan, về chủ trương xử lý lỗ của các đơn vị như chi nhánh Đà Nẵng thì PVS đang chủ trương tăng nạo vét luồng lạch để tăng hàng hóa qua cảng và hy vọng có tiến triển. Còn liên doanh PTSC-CGGV thì sẽ xin chủ trương Tập đoàn giải thể vì về lâu dài không thể quay lại giá dầu như ngày xưa.
Phối cảnh dự án Nhà máy Nhiệt điệt Long Phú 1
Nguồn: Website PVS.
Còn tại Phú Long 1, do Nga bị cấm vận nên Power Machine bị ảnh hưởng tương đối nặng trong dự án vì cung cấp vật tư, gói thiết bị… Hiện các hợp đồng mua sắm hàng hóa đó đang tìm giải pháp xử lý, còn PVS thực hiện toàn bộ phần xây dựng dự án này, trong đó đã làm nền móng, cọc, nồi hơi… và vẫn đang tiếp tục phần việc của mình, được trả tiền theo từng mốc. Phía PVN cũng đã tạm ứng và vẫn đang tiếp tục triển khai. Thông tin thêm, PVS cho biết chính phủ cũng như PVN và các bên tính toán một số phương án như chuyển hình thức đầu tư, kế thừa...
"Các bên đã chi vào dự án này khá nhiều và đánh giá dự án sẽ tiếp tục chạy nhưng vẫn có những khó khăn như hiện nay và phải xử lý. PVS đã xây dựng các kịch bản và xây dựng rủi ro để không bị ảnh hưởng về tài chính", người cầm cương PVS nhấn mạnh.
Cuối cùng, chia sẻ về kế hoạch đối với khoản lợi nhuận chưa phân phối gần 120,3 triệu USD từ liên doanh FSO, FPSO, PVS cho biết sẽ sử dụng theo quy định thỏa thuận của cổ đông với các đối tác khác. Dự kiến năm 2018, PVS sẽ có kế hoạch phù hợp với thỏa thuận đã ký với cổ đông nước ngoài, đồng thời đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh. Khả năng sẽ phân chia lợi nhuận còn lại dưới hình thức chia cổ tức hoặc giảm vốn khoảng 68,5 triệu USD.
Trí Thức Trẻ