Đi đến cùng trong gỡ khó cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án
Chiều 1/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn Công tác Chính phủ với TP. Đà Nẵng về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn; kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
- 02-08-2024Tồn kho bất động sản ngày càng phình to: “Của để dành” hay “cục máu đông” của doanh nghiệp?
- 02-08-2024Vì sao siết phân lô bán nền từ 1/8 không thể khiến phân khúc này tăng giá ngay, phải chờ đến quý 2/2025 mới có thể sôi động?
- 02-08-2024Chuyên gia: Luật mới chính thức có hiệu lực từ 1/8, "đón sóng, lướt sóng ảo" sẽ không thể xảy ra, doanh nghiệp hết thời "tay không bắt giặc"
Cùng dự cuộc làm việc có Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 5% so với cùng kỳ 2023, trong đó quý II tăng 8,35% so với cùng kỳ. Quy mô GRDP 6 tháng đầu năm 2024 đứng ở vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố.
Khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.
Tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ 7 tháng đầu năm ước đạt 6,6 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.102,7 triệu USD, tăng 3,7%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 768,4 triệu USD, tăng 25%.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố đã và đang lấy lại đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 3,75% so với cùng kỳ 2023, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng; tăng trưởng tín dụng đạt thấp; cước vận tải tăng cao...
Tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Công tác lựa chọn nhà đầu tư và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm so với tiến độ đề ra, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu về quỹ đất và mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp.
Thành phố gặp nhiều khó khăn trong rà soát, tháo gỡ một số dự án vướng mắc đất đai theo các kết luận thanh tra, bản án, hoặc không nằm trong các kết luận thanh tra nhưng phải rà soát, xử lý tương tự các dự án bị thanh tra.
Một số dự án đô thị, nhà ở có tranh chấp dân sự đã tạo thêm áp lực cho chính quyền thành phố trong việc giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện của người dân đối với nhà đầu tư, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Bên cạnh các vấn đề đã được giải quyết, lãnh đạo các Bộ KH&ĐT, TN&MT, KN&CN, Tài chính đã trao đổi trực tiếp vào những kiến nghị của TP. Đà Nẵng chưa được giải quyết về: Trình tự, thủ tục, chính sách đặc thù, bố trí vốn đầu tư công cho một số dự án trọng điểm về đô thị, cảng biển, hạ tầng giao thông, tài chính quốc tế, công nghệ thông tin, công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo....
TP. Đà Nẵng cũng có một số đề xuất mới liên quan đến quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thuộc thiết chế văn hóa, thiết chế thể thao, du lịch, trung tâm hội chợ triển lãm; phân cấp thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp;…
Các đại biểu cũng đã xem xét kết quả thực hiện Quyết định số 153/QĐ-TTg về thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố; triển khai Kết luận số 77-Kl/TW về Đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố".
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị từng bộ, ngành phối hợp, làm việc với thành phố về từng nội dung, dự án gặp vướng mắc, khó khăn, xác định rõ phương án xử lý, trách nhiệm, thẩm quyền giái quyết.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị cần có các nhóm làm việc rà soát, đề xuất xử lý từng dự án, nhóm dự án có khó khăn, vướng mắc tương tự để báo cáo cấp thẩm quyền xử lý chuyển tiếp.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh nguyên tắc xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai là nắm chắc tình hình thực tế, chỉ rõ điều, khoản, văn bản pháp luật liên quan, thẩm quyền giải quyết thuộc cấp nào, phương án xử lý, tháo gỡ để bảo đảm hải hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân nhưng không hợp thức hoá sai phạm. "Quá trình xử lý, giải quyết phải đi đến cùng, trên tinh thần vì sự nghiệp chung".
Để triển khai kết luận số 77-Kl/TW, Phó Thủ tướng yêu cầu phân loại, lập danh mục nhóm vướng mắc sẽ được giải quyết sau khi những văn bản, quy định mới về pháp luật đất đai có hiệu lực; nhóm vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương; nhóm vướng mắc thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; nhóm vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để trình Quốc hội ban hành những nghị quyết xử lý những dự án cụ thể theo thẩm quyền.
"Đà Nẵng và các địa phương phải hết sức chủ động, cùng với các bộ, ngành để chỉ đúng vấn đề, địa chỉ giải quyết", Phó Thủ tướng nói.
Chinhphu.vn