Đi khám phù chân, người đàn ông bị đẩy vào phòng chạy thận, cấp cứu vì mê 2 loại nước
Khi biết mình bị bị suy thận, Arjun (Trung Quốc) bất ngờ vô cùng. Bởi anh cho biết mình rất chăm uống nước mỗi ngày.
- 04-07-2024Đi khám vì đau đầu, người đàn ông sốc khi phát hiện suy thận giai đoạn cuối, nhắn nhủ 3 điều đắt giá
- 02-07-2024Bé trai 14 tuổi suy thận, BS nói thẳng nguyên nhân xuất phát từ việc mẹ cho con ăn đều 3 món này.
- 29-06-2024Bé gái 7 tuổi suy thận mạn giai đoạn cuối, bà nội làm một việc khiến cả nhà xúc động
- 27-06-2024Chàng trai 22 tuổi mắc suy thận, tiểu đường cùng lúc: BS nói nguy cơ đến từ 3 thói quen xấu
Arjun năm nay 38 tuổi, không có thói quen xấu là hút thuốc hay uống rượu, thậm chí cũng không bao giờ thức khuya. Khoảng hơn 1 tháng trước, anh bắt đầu hiện bàn chân mình sưng phù. Arjun cho rằng do mình uống quá nhiều nước nên cơ thể bị tích nước. Sau nửa tháng điều chỉnh lượng nước và đi bộ nhiều hơn, tình hình vẫn không thay đổi nên anh quyết định tới Bệnh viện Từ Tế Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) thăm khám.
Theo Arjun kể lại, anh tìm đến Khoa Da liễu của bệnh viện nhưng lại được chuyển tới Khoa Thận. Khi được bác sĩ chuyên khoa thận Wang Yichun kết luận suy thận cấp và cần chạy thận cấp cứu ngay, Arjun bất ngờ vô cùng. Anh liên tục giải thích rằng mình rất chăm uống nước, uống ít nhất 3 lít nước một ngày. Thế nhưng, bác sĩ Wang chỉ hỏi duy nhất một câu: “Có phải nước anh uống thường có vị ngọt không?” đã khiến anh hiểu ra tất cả.
“Không hiếm người giống như nam bệnh nhân này, cho rằng chỉ lười uống nước và hay nhịn tiểu mới gây bệnh về thận. Trên thực tế, bệnh nhân uống nhiều nước nhưng lại uống sai loại. Anh ta rất mê 2 loại nước là: nước ngọt có ga và trà sữa, mùa hè còn dùng thay nước lọc vì thấy hiệu quả giải khát cao hơn. Đó là nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, sau đó không điều trị kịp thời mà dẫn tới suy thận.
Bản thân việc ăn uống nhiều đường thời gian dài đã có thể gây bệnh về thận cũng như thúc đẩy suy thận mạn tiến triển nhanh hơn. Còn suy thận cũng là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát đường huyết tốt. Tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có khoảng 20 - 40% bệnh nhân đái tháo đường dẫn tới suy thận” - bác sĩ Wang nói.
Ông cũng giải thích 3 cách bệnh tiểu đường gây ra biến chứng suy thận:
- Do tổn thương động mạch thận: Tiểu đường lâu ngày gây xơ vữa các mạch máu lớn, trong đó có động mạch thận, làm hẹp tắc mạch máu, hậu quả là gây tăng huyết áp và suy thận.
- Do tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận: Tiểu đường hoặc huyết áp cao kéo dài tạo ra các chất oxy hóa, lâu ngày làm tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận. Đồng thời lượng đường trong máu cao, thận phải làm việc quá tải, nhiều ngày các lỗ lọc to ra gây rò rỉ albumin vi niệu ra ngoài nước tiểu, sau thời gian dài albumin niệu nhiều hơn và xuất hiện cả protein niệu.
- Do tổn thương hệ thần kinh: Với người bệnh tiểu đường, việc truyền tín hiệu thần kinh từ não đến các cơ quan có trục trặc, bàng quang bị giảm kích thích, không có cảm giác khi bàng quang đầy nước tiểu, ứ đọng lâu ngày gây nhiễm trùng đường tiết niệu, vi khuẩn đi ngược lên thận làm tổn thương thận và dẫn tới suy thận.
Với trường hợp của Arjun, ngoài phù chân anh còn bị khó thở, hay mệt mỏi, giảm lượng nước tiểu - đây đều là những triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân suy thận cấp. Tuy nhiên, anh lại cho rằng mình phù chân do uống quá nhiều nước, còn khó thở và hay mệt là do cố gắng vận động để giảm phù nề.
Theo bác sĩ Wang, phù nề bàn chân là triệu chứng thường gặp ở cả bệnh tiểu đường và bệnh suy thận. Ông nói: “Bệnh tiểu đường gây phù nề ở chân và một số nơi trên cơ thể do nó làm tổn thương mạch máu, vấn đề tim mạch và dẫn tới suy giảm lưu lượng máu. Nó cũng dẫn tới thoái hóa các dây thần kinh hoặc gây suy thận. Tất cả những điều này đều có thể làm sưng phù chi dưới.
Khi bị suy thận mạn, dù là do tiểu đường hay bệnh lý nguyên phát, mức độ lọc cầu thận cũng sẽ giảm dần theo từng giai đoạn. Lúc này, chất độc và nước dư thừa không thể đào thải ra ngoài cơ thể. Bởi vậy, nước sẽ ứ đọng và tích tụ lại trong các khoang bào, gây ra hiện tượng phù nề”.
Bởi vì sở thích uống nước không lành mạnh, chủ quan với sức khỏe mà Arjun cả đời phải chung sống với bệnh tiểu đường và chạy thận. Thông qua trường hợp của anh, bác sĩ Wang nhắc nhở chúng ta hãy uống nước đúng cách và thường xuyên vận động để bảo vệ thận nói riêng cũng như cơ thể nói chung. Uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày, giảm hết mức các loại đồ uống có đường, uống từng ngụm nhỏ và rải rác trong ngày chứ không đợi thấy khát rồi mới uống.
Nguồn và ảnh: TTVC, Family Doctor
Phụ nữ mới