MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chàng trai 22 tuổi mắc suy thận, tiểu đường cùng lúc: BS nói nguy cơ đến từ 3 thói quen xấu

27-06-2024 - 09:22 AM | Sống

Chàng trai 22 tuổi, ở Đài Loan (Trung Quốc) đến viện khám do sụt cân, mệt mỏi. Kết quả khám cho thấy bệnh nhân mắc suy thận và tiểu đường cùng lúc.

Chàng trai 22 tuổi mắc suy thận, tiểu đường cùng lúc

Chàng trai có tên Ngô Vãn, 22 tuổi, ở Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) cao 1m8, nặng 120kg. Ngô Vãn cho biết trong vòng 4 tháng trở lại đây, anh đã giảm 20kg dù không thực hiện chế độ ăn kiêng hay tập luyện.

Gần đây, Ngô Vãn xuất hiện thêm các triệu chứng như mệt mỏi không rõ nguyên nhân, nước tiểu có nhiều bọt. Lo lắng cho tình trạng sức khỏe của bản thân nên Ngô Vãn đã đến Khoa Thận của Bệnh viện Song Hòa trực thuộc của Đại học Y Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) để thăm khám.

Kết quả xét nghiệm cho thấy lượng đường huyết lúc đói của bệnh nhân là 250mg/dL, xét nghiệm HbA1c trên 9%. Các chỉ số này cao hơn mức bình thường rất nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2. Kết quả kiểm tra thận cũng cho thấy bệnh nhân bị suy thận độ 3, chức năng thận chỉ còn 30 đến 40% so với người bình thường.

Bác sĩ Ngô Mỹ Ý, Phó giám đốc Bệnh viện Song Hòa cho biết, sau khi thăm khám, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu. Bệnh nhân cũng được điều trị tích cực để bảo tồn chức năng thận. Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng của bệnh viện cũng tư vấn cho bệnh nhân cách cải thiện thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống để kiểm soát bệnh.

Chàng trai 22 tuổi mắc suy thận, tiểu đường cùng lúc: BS nói nguy cơ đến từ 3 thói quen xấu- Ảnh 1.

Chàng trai đi khám được chẩn đoán mắc suy thận và tiểu đường cùng lúc. (Ảnh minh họa)

3 thói quen xấu làm tăng nguy cơ

Bác sĩ Ngô Mỹ Ý cho biết khi khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc một số thói quen xấu.

Bệnh nhân chia sẻ bản thân đang làm việc trong một cửa hàng thức ăn nhanh. Bệnh nhân có thói quen sử dụng các loại đồ uống có đường trong giờ làm. Mỗi ngày bệnh nhân uống từ 1-2 cốc đồ uống chứa đường. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng thường xuyên sử dụng các món ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, ít rau xanh của cửa hàng. Bệnh nhân cũng có lối sống lười vận động.

Chuyên gia nói: "3 thói quen xấu bao gồm lạm dụng đồ uống chứa đường, chế độ ăn kém lành mạnh (ăn các món ăn nhiều dầu mỡ, ăn ít rau) và lười vận động đã khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng béo phì, từ đó làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường và suy thận".

Bác sĩ Ngô Mỹ Ý cho biết đồ uống có đường, đồ ăn nhanh thường được nhiều người ưa thích và sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo rằng thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống này có thể gây viêm nhiễm cho cơ thể và dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì. Đây là các yếu tố nguy cơ gây ra các vấn đề về rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.

Bên cạnh đó, thường xuyên sử dụng các loại đồ uống chứa nhiều đường cũng có thể góp phần làm tăng lượng đường trong máu, khiến đường huyết tăng vọt, từ đó dẫn tới bệnh tiểu đường loại 2.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các rối loạn chuyển hóa và bệnh tiểu đường loại 2 có thể gây tổn thương mạch máu trong cơ thể, bao gồm cả các mạch máu trong thận, từ đó gây suy giảm chức năng thận.

Chàng trai 22 tuổi mắc suy thận, tiểu đường cùng lúc: BS nói nguy cơ đến từ 3 thói quen xấu- Ảnh 2.

Lạm dụng đồ uống chứa đường có thể tăng nguy cơ mắc tiểu đường. (Ảnh minh họa)

Lời khuyên của chuyên gia

Bác sĩ Ngô Mỹ Ý khuyến cáo để phòng ngừa bệnh tiểu đường và suy thận, mọi người nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh như tăng cường ăn các loại rau củ quả tươi thường giàu chất xơ, chất chống oxy hóa, các loại vitamin A, B, C, E, K cũng như các khoáng chất canxi, magie, kali và sắt,...; hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường, muối và dầu mỡ.

Bên cạnh đó, mọi người cần duy trì thói quen tập thể dục điều độ. Điều này giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, giúp mọi người duy trì cân nặng hợp lý, phòng ngừa béo phì, ổn định huyết áp và giảm mỡ máu. Đây là những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường và bảo vệ thận.

Theo Mộc Miên

Đời sống và pháp luật

Trở lên trên