Đi làm nhiều năm nhưng lương 10 triệu đồng/tháng: Thà ở thành phố chứ nhất định không về quê
Tại sao những người trẻ này lại quyết tâm "bám trụ" ở thành phố lớn dù chi phí sinh hoạt đắt đỏ?
- 16-05-2024Lương hưu 3 triệu, không xu tiết kiệm, U60 bị bạn bè cười chê nhưng cái kết thật bất ngờ: Có 3 thứ này thì về già không thể khổ
- 16-05-2024Sau tuổi 35, hãy nhớ 10 quy tắc tiết kiệm tiền tối giản này!
- 16-05-2024Bà lão 90 tuổi nhờ con trai giữ hộ 550 triệu đồng tiết kiệm, 1 tháng sau phải viết đơn kiện con ra toà
Lương 10 triệu đồng/tháng nhưng vẫn nhất định bám trụ ở thành phố lớn
Trước xu hướng "bỏ phố về quê" ngày càng lan rộng, nhiều người trẻ có mức lương khiêm tốn vẫn nhận định muốn ở lại thành phố lớn. Dẫu cho khi chuyển về quê thì chi phí sinh hoạt thấp và giảm bớt áp lực thành thị, họ vẫn có những lý do riêng để "bám trụ" lại ở Hà Nội và TP.HCM.
Phương Anh (26 tuổi, quê gốc ngoại thành Hà Nội) có mức lương 10 triệu đồng/tháng. Cô cho rằng, đây là mức thu nhập ít ỏi khi sống tại thành phố lớn và chỉ đủ nuôi bản thân. Nếu chuyển về quê sinh sống, cùng lương 10 triệu đồng, Phương Anh có thể để dành được vài ba triệu, thậm chí cả tháng lương. Bởi ở đó, cô không mất tiền thuê nhà, trong khi chi phí sinh hoạt lại rẻ gấp rưỡi so với thủ đô.
Tuy nhiên, xét trên khía cạnh cuộc sống tinh thần và khả năng phát triển sự nghiệp thì ở quê lại quá ít ỏi so với thành phố.
"Mình gọi khoảng cách giữa chi phí sinh hoạt ở quê và thành phố là 'chi phí đánh đổi' cho sự thoải mái, không gò bó và cơ hội kiếm tiền ở thành phố lớn.
Mình vẫn còn ở những năm đầu đi làm, tiền lương hầu hết dành cho chi phí sinh hoạt và nâng cấp bản thân. Dù giờ chỉ kiếm được 10 triệu đồng/tháng nhưng mình tin cơ hội để nhân hai, nhân ba thu nhập vẫn có, nếu mình tìm thấy hướng đi đúng đắn", Phương Anh cho hay.
Ảnh minh hoạ
Một trường hợp khác, Thảo Linh (27 tuổi, Hà Nội), hiện đang là nhân viên văn phòng với mức lương dưới 15 triệu đồng/tháng. Cô chia sẻ, bản thân phải tằn tiện chi tiêu lắm thì cuối tháng mới để được vài triệu đồng tiết kiệm.
Lương không quá cao trong khi chi phí sinh hoạt gia tăng, dẫu thế Thảo Linh vẫn muốn sống lâu dài ở thành phố, không muốn về quê. Bởi cô cho rằng ở Hà Nội đem lại sự "tự do" như thoả thích ăn mặc, đi chơi, tận hưởng các thú vui,... Bên cạnh đó, không phải ai về quê cũng thuận lợi kiếm được công việc ổn định, và Thảo Linh là một trong số đó.
Cô nàng tâm sự: "Quê mình ở một tỉnh miền Trung, không dễ kiếm việc. Giờ về quê, làm đúng chuyên môn thì mình chỉ kiếm được công việc lương 6-8 triệu đồng/tháng, nên khi đem so sánh với mức lương khi sống tại thành phố lớn thì tương đương nhau. Trong khi đó, ở Hà Nội thì cơ sở vật chất và sự tự do bản thân có lại nhiều hơn".
Giá nhà quá cao, không đặt nặng có bất động sản ở thành phố lớn
Thảo Linh nhận định, trước kia quan điểm của thế hệ ông bà bố mẹ là cần "an cư lạc nghiệp", tức phải có 1 căn nhà mới ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, quan điểm này đã không còn phù hợp với những người trẻ hiện nay, khi việc sở hữu bất động sản ngày càng xa tầm với, giá nhà tăng phi mã qua từng năm.
Thảo Linh bày tỏ, thay vì hướng đến có một cuốn sổ đỏ, cô đặt ra những mục tiêu thú vị và thiết thực hơn, đó là trong bao nhiêu năm nữa tăng lương hoặc với số tiền hiện có, cô có thể học được đầu tư từ những kênh nào,...
Với mức lương hiện tại, Thảo Linh chấp nhận ở thuê cả đời, hoặc đợi sau khi kết hôn cùng chồng trả góp mua căn nhà. Còn nếu không, cô nhận định một mình bản thân sẽ khó tự mua được căn hộ cho riêng mình.
Ảnh minh hoạ
Còn về phía Phương Anh, cô cho rằng "muốn sống ở thành phố lớn" và "muốn mua nhà ở thành phố lớn" là hai câu chuyện khác nhau. Sau thời gian dài tìm hiểu về thị trường bất động sản, dẫu có muốn sống ở Hà Nội thì cô nàng lại hy vọng mua được đất đai hay nhà cửa ở vùng ven, bởi khu vực này có giá mềm hơn.
"Để mua được 1 căn nhà hay đất đai ở Hà Nội là con số quá lớn so với thu nhập bình quân của nhiều người. Hiện tại, mình rất thích sống ở Hà Nội, nhưng liệu 20-30 năm nữa, mình còn thích ở đây hay không là câu chuyện khác. Mình không muốn mua một căn nhà, sau đó dành cả tuổi trẻ để trả nợ mua chúng.
Thay vào đó, nếu có tiền mình nghĩ bất động sản vùng ven là lựa chọn hợp lý. Bởi lẽ chúng không chỉ có mức giá mềm hơn, mà còn có tiềm năng sinh lời cao, đặc biệt là khi khu vực nội thành ngày càng 'đất chật người đông' thì nhiều người càng muốn bỏ phố về vùng ven", cô nàng bày tỏ.
Nhịp sống thị trường