Đĩa thanh long và bài học "người mẹ hi sinh không phải lúc nào cũng tạo ra những đứa con biết ơn"
Đôi khi, sự hy sinh của người mẹ được trẻ cho rằng đó là điều bình thường, lẽ dĩ nhiên. Từ đó, con không học được cách phải biết ơn cha mẹ.
- 06-11-2023Khẳng định nhà có điều kiện, hotgirl 9X có phát ngôn lạ: “Người ta làm tiktok kiếm tiền, còn tôi bỏ tiền làm tiktok”
- 26-10-2023Giữa cuộc ‘săn đầu người’ khốc liệt, CEO Việt kiều Pháp tiết lộ một yếu tố để lọt vào ‘mắt xanh’ của những nhà tuyển dụng ở Cốc Cốc
- 17-10-2023“Bạn chọn tự xây ước mơ hay đi xây ước mơ của người khác?”: Câu trả lời của sếp Hiếu đã tiết lộ cách từ nhân viên thăng tiến lên Phó tổng Giám đốc công ty lớn
Cha mẹ nào cũng luôn yêu thương, chấp nhận thiệt thòi để cho con những điều tốt đẹp nhất. Thế nhưng, đôi khi phương pháp dạy dỗ không đúng cách dễ tạo ra những đứa trẻ không có lòng biết ơn. Mới đây, chị Kiều Trang (32 tuổi, sống tại Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện có tên "Đĩa thanh long chan đầy nước mắt" khiến nhiều người phải suy ngẫm.
"Chuyện là cứ chiều đi học về, mẹ sẽ làm 1 đĩa trái cây cho cả mẹ và Sóc cùng ăn.Nay cũng vậy, mình cắt 1 đĩa thanh long đỏ và gọi con ra ăn. Sóc lúc ấy đang mải chơi nên chưa ra ăn cùng mẹ. Thế là mình ăn trước 1/2 đĩa thanh long và đứng dậy đi nấu cơm.
Sóc chơi được 1 lát thì cũng đến bàn ăn và bắt đầu oà khóc:
Sóc: Tại sao tại sao lại còn ít thế này?
Mẹ: Mẹ vừa ăn 1 nửa đĩa rồi, đó là phần của con.
Sóc: Sao mẹ lại ăn của con? (vừa nói vừa gào khóc).
Mẹ: Mẹ không ăn của con mà đó là đĩa thanh long 2 mẹ con mình ăn chung.
Sóc: Mẹ là người lớn, mẹ phải nhường con chứ. Mẹ phải chờ con ăn xong còn thừa mẹ mới được ăn chứ. Mẹ phải bổ thêm thanh long cho đầy đĩa đi.
Mẹ: Sóc nghe mẹ này, đây là đĩa thanh long mẹ và con ăn chung. Lúc mẹ gọi con ra ăn, con đã mải chơi không chịu ra, nên mẹ ăn trước để mẹ còn đi nấu cơm cho kịp giờ. Nếu con không thích ăn nữa thì mẹ sẽ cất đi. Mẹ sẽ không bổ thêm thanh long nữa (mình vừa nói tay chạm vào cái đĩa ra vẻ sẽ mang đi).
Sóc: Con ăn (vừa cầm đĩa vừa khóc).
Mẹ: Và con cần nhớ là đồ ăn thì cả nhà sẽ chia sẻ với nhau, mẹ và con. Không được đòi ăn 1 mình và không cho người khác ăn. Như thế là ích kỉ đó.
Sóc: Vâng, con nhớ rồi (vẫn còn nước mắt, nhưng đã ăn ngon lành)".
Câu chuyện mà chị Kiều Trang chia sẻ có lẽ đã trở nên quen thuộc ở nhiều gia đình, nơi bố mẹ yêu thương và coi con cái là quan trọng nhất. Những đứa trẻ được chiều chuộng, nâng niu và gần như ỷ lại vào bố mẹ. Con coi sự hy sinh của ba mẹ là lẽ dĩ nhiên. Không thể phủ nhận rằng cha mẹ lúc nào cũng muốn dành điều tốt nhất cho con, tuy nhiên đôi khi phải dạy con bài học về sự biết ơn trước khi quá muộn.
"Vậy đó, làm 1 bà mẹ luôn hi sinh không phải luôn tạo ra những đứa con biết ơn. Mình đã giật mình vì suy nghĩ của con. Không biết các em bé khác như thế nào, nhưng Sóc có 1 suy nghĩ là người lớn thì phải nhường trẻ con, mẹ thì phải luôn chờ con ăn xong và ăn phần thừa, đi chơi thì mẹ phải ngồi trông đồ cho con chơi, mẹ phải chờ con ngủ xong mới đi tắm.
Hoá ra không phải tự nhiên mà Sóc có suy nghĩ này. Lỗi cũng là ở mình. Mình hay nói với con là: "Con ăn xong chưa, con không ăn nữa à, mẹ ăn nốt nhé", "Con ăn đi, ăn được đến đâu thì ăn, mẹ sẽ ăn hộ phần còn lại", "Con chơi đi, mẹ ngồi đây trông đồ cho con", "Con ngủ đi để mẹ còn đi tắm gội tẩy trang"...
Đúng là con còn nhỏ, con sẽ được ưu tiên hơn. Nhưng điều này không có nghĩa là mẹ sẽ luôn là người ăn phần thừa, là người trông đồ, là người phải ngủ muộn nhất, là người dọn dẹp mọi thứ bừa bãi trong nhà.
Rõ ràng, đến giờ ăn, và đó là phần ăn chung thì ai không ra ăn thì sẽ ăn đúng giờ thì sẽ ăn phần còn lại thôi. Sóc vừa khóc vừa đòi hỏi thật vô lí. Mình có thể lấy thêm cho con 1,2 miếng thanh long nữa để "vỗ về"con nhưng mình sẽ không làm vậy", chị Trang tâm sự.
7 cách dạy con lòng biết ơn cha mẹ nên áp dụng
1. Cha mẹ làm gương cho con
Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên và quan trọng nhất ảnh hưởng đến tương lai của con cái. Trẻ sẽ có xu hướng bắt chước lại những hành vi của cha mẹ và dần hình thành nhân cách của chúng. Vì vậy phụ huynh nên làm gương cho trẻ về lòng biết ơn để con noi theo.
2. Khuyến khích con làm việc nhà
Khi trẻ cùng cha mẹ làm việc nhà, chúng sẽ nhận ra rằng mình cũng cần nỗ lực và không nên coi mọi thứ là điều hiển nhiên. Con sẽ sớm tự lập và biết ơn việc bố mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng mình là 1 điều thiêng liêng. Và con cần đền đáp công ơn nuôi dưỡng, giáo dục đó của cha mẹ.
3. Dạy trẻ giúp đỡ người khác
Một cách khác để dạy trẻ về lòng biết ơn đó là cha mẹ hãy cùng trẻ giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Những hành động nhỏ như hỏi thăm, ủng hộ người nghèo,... sẽ tập cho trẻ thói quen hỗ trợ hoàn cảnh khốn khó, yếu thế trong cuộc sống.
4. Tâm sự với bé về những vất vả của cha mẹ
Nhiều phụ huynh thương con nên thường giấu sự vất vả của mình, chỉ để con cái thấy được những lúc mình an nhàn, không vất vả. Điều đó là hoàn toàn sai lầm. Con sẽ cảm thấy cha mẹ làm việc quá dễ dàng, kiếm tiền không mất nhiều công sức như chúng nghĩ... Từ đó con không coi trọng công sức của cha mẹ.
5. Đừng đáp ứng mọi đòi hỏi của con quá dễ dàng
Nhiều cha mẹ dễ dàng "đầu hàng" khi con mè nheo muốn đòi hỏi 1 thứ gì đó. Thái độ này của phụ huynh sẽ làm ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng lòng biết ơn ở con bạn. Cảm giác thỏa mãn dễ dàng sẽ khiến bé mất đi lòng biết ơn với những người đã làm ra thứ mình thích, những người đã đáp ứng mình.
6. Cha mẹ hãy dạy con nói lời cảm ơn
Cảm ơn, xin lỗi, vui lòng là câu nói mà cha mẹ cần phải dạy trẻ khi còn nhỏ. Dạy trẻ luôn phải cảm ơn người khác khi họ mang lại cho ta một điều tốt đẹp. Dạy trẻ nói lời xin lỗi khi làm phiền hoặc có lỗi với người khác.
7. Cha mẹ hãy kiên nhẫn
Trẻ không thể đột nhiên thấm nhuần những lời răn dạy của bố mẹ và chúng cần thời gian trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm sống. Vì vậy cha mẹ hãy bình tĩnh và giúp trẻ hình thành thói quen về sự cảm kích, lòng biết ơn với những thứ mình nhận được.
Trí Thức Trẻ