DIC Corp (DIG) muốn điều chỉnh phương án chào bán 100 triệu cổ phiếu
DIC Corp cho biết nội dung chính dự kiến trình cổ đông là điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được thông qua ở ĐHĐCĐ thường niên 2022 và một số vấn đề khác trong thẩm quyền nhưng chưa được công bố.
Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) vừa thông qua kế hoạch triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022. Theo đó, Đại hội dự kiến tổ trong tháng 9/2022 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự là 11/8, ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 10/8. DIC Corp cho biết nội dung chính dự kiến trình cổ đông là điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được thông qua ở ĐHĐCĐ thường niên 2022 và một số vấn đề khác trong thẩm quyền nhưng chưa được công bố.
Trước đó, DIC Corp thông qua kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ chào bán là 1:0,164 với giá chào bán là 30.000 đồng/cổ phiếu, thời gian dự kiến thực hiện từ quý 3 đến quý 4/2022. Với tổng số tiền dự kiến huy động là 3.000 tỷ đồng, DIC Corp dự kiến sử dụng để đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Long Tân.
Thông tin của DIC Corp được công bố trong bối cảnh trên thị trường, hàng loạt doanh nghiệp sau khi chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh đã hủy hoặc hoãn kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay,DIC Corp dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 180 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, DIC Group đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành được 9% chỉ tiêu sau 6 tháng kinh doanh. Theo DIC Group, tỷ lệ đạt được này so với kế hoạch cả năm còn thấp, song, kết quả này là tình hình chung của các doanh nghiệp bất động sản do lợi nhuận thường được ghi nhận vào các quý cuối năm.
Trên thị trường, thị giá cổ phiếu DIG liên tục lao dốc. Hiện, DIG dừng ở mức giá 35.700 đồng/cp, giảm 1,92% so với phiên hôm trước. Tuy nhiên, nếu so với mức đỉnh cao hồi đầu năm, mã này đã mất gần 68% giá trị.
Nhịp sống kinh tế