Diêm dân “đắng lòng” vì hạt muối
Diêm dân làm ra hạt muối bị tiểu thương ép giá, làm muối thu nhập không bằng công đi làm thuê nên nhiều hộ bỏ ruộng không làm.
- 01-11-2019Đấu giá hạn ngạch nhập khẩu 98.000 tấn đường năm 2019
- 31-10-2019Giả xuất xứ Việt Nam: Không thể lơ là!
- 31-10-2019Sốc với giá tôm hùm nhập khẩu và trong nước đua nhau giảm
Thôn Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch là địa phương duy nhất ở tỉnh Quảng Bình còn duy trì được nghề làm muối truyền thống. Không chỉ vất vả để làm ra hạt muối, diêm dân nơi đây còn bộn bề lo toan với việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Lâu nay, diêm dân Quảng Bình “đắng lòng” vì hạt muối quê mình.
Làng muối Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có 73 ha diện tích đất sản xuất muối cho sản lượng hơn 6.000 tấn muối mỗi năm. Nghề làm muối giúp hơn 700 lao động nơi đây có thu nhập ổn định. Ông Võ Ngọc Kế, 68 tuổi, ở thôn Phú Lộc 3 cùng với gia đình có hơn 30 năm sống với nghề làm muối. Gia đình ông Kế mỗi năm làm hơn 50 tấn muối, thu nhập từ 45- 50 triệu đồng. Theo ông Võ Ngọc Kế, muối làm ra nhiều nhưng việc bán muối phụ thuộc vào các thương lái.
Diêm dân Quảng Bình chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm muối.
"Trước đây có tiểu thương ở Đồng Hới, Ba Đồn ra thu gom, bây giờ cũng chỉ thu mua qua các đầu nậu ở đây. Thu nhập cao hay thấp là do giá cả thu mua không ổn định. Sản xuất ra muối nhiều nhưng giá thấp, bị ép giá thì thu nhập thấp" - ông Kế nói.
Diêm dân Lê Văn Thường, ở thôn Phú Lộc 1 canh tác gần 2 ha ruộng muối, mỗi năm làm ra hơn 150 tấn muối, thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Thấy người làm ra hạt muối bị tiểu thương ép giá, ông Thường đã đứng ra mua muối cho bà con. Tuy nhiên, gia đình ông không đủ điều kiện để bảo quản hạt muối nên lượng muối mua cho bà con cũng không đáng kể.
Theo ông Lê Văn Thường, giá muối đầu vụ tăng cao nhưng đến cuối vụ thì giảm còn một nửa. Hộ diện tích lớn thì còn làm được những hộ diện tích ít thì làm ra không bù được công lao động, làm muối thu nhập không bằng công đi làm thuê nên họ không làm. Dần dần những hộ làm muối nhỏ lẻ thì bỏ ruộng không làm nữa.
Muối làm ra nhiều nhưng lại bị các tiểu thương ép giá. |
Ông Nguyễn Phi Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, mới đây, Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam đã đầu tư khoảng 59 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng tại cánh đồng muối Quảng Phú nhằm phục vụ sản xuất muối bền vững. Tuy nhiên, các hộ sản xuất muối ở đây quy mô nhỏ lẻ, tự tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Nguyễn Phi Khanh, cần tập trung sản xuất muối trên cánh đồng lớn và tìm các đối tác tiêu thụ sản phẩm muối ổn định hơn.
“Khắc phục tình trạng bỏ hoang đất sản xuất, quy hoạch lại hệ thống giao thông thuận lợi. Cần phải có 1 hợp tác xã để quản lý các cơ sở hạ tầng, tìm đầu ra cho sản phẩm và làm thế nào đó để gắn được thương hiệu cho sản phẩm” - ông Khanh nói.
Ông Lê Kim Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, nghề muối của địa phương mang lại thu nhập cao hơn so với làm lúa nhưng thiếu sự ổn định bền vững. Tỉnh Quảng Bình đang xây dựng đề án “Phát triển sản xuất, chế biến muối đến năm 2020 và năm 2030”.
Đề án này nhằm phát triển sản xuất muối hiệu quả, bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh và tiến tới áp dụng kỹ thuật sản xuất muối sạch theo phương pháp trải bạt. Theo ông Lê Kim Hoàng, sắp tới tỉnh sẽ thành lập các hợp tác xã sản xuất muối sạch, có sự hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
“Phải làm việc theo tổ hợp tác có sự liên kết gắn kết giữa các diêm dân. Bây giờ có thể hỗ trợ để xây dựng các cơ sở, các kho lưu giữ muối trong các điều kiện thời tiết thất thường hoặc nguồn cung dư thừa, không để các thương nhân ép giá. Chắc chắn phải áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi đó mới ổn định thị trường” - ông Hoàng cho biết.
VOV