MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm mặt 30 ông lớn có nhiều tiền nhất sàn chứng khoán, nhưng thời Covid-19 vài nghìn tỷ cũng chỉ như "muối bỏ biển"

10-04-2020 - 09:24 AM | Doanh nghiệp

Từ trường hợp của Vietnam Airlines cho thấy, với từng ngành nghề, lượng tiền mặt vài nghìn tỷ chỉ như "muối bỏ biển" dưới tác động của Covid-19.

Trong kinh doanh, việc cân đối tỷ trọng các loại tài sản của doanh nghiệp sẽ quyết định tỷ suất sinh lợi trên mỗi đồng vốn của công ty. Tùy từng thời kỳ, công ty có thể đẩy mạnh vay vốn để tăng tỷ lệ đòn bẩy, đầu tư tài sản cố định hoặc tích trữ hàng tồn kho khi giá nguyên vật liệu ở mức thấp. 

Có một chỉ số mà nhà đầu tư quan tâm là lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp. Không phải lúc nào lượng tiền mặt cao thì có nghĩa là doanh nghiệp đó hoạt động tốt. Khi doanh nghiệp mở rộng kinh doanh liên tục thì khó duy trì được lượng tiền mặt để không. Tuy nhiên trong giai đoạn khủng hoảng như hiện nay, nếu doanh nghiệp có khoản "tích trữ" để dành sẽ rất có lợi.

Thống kê số liệu của hơn 1.000 doanh nghiệp đang niêm yết và giao dịch trên 3 sàn chứng khoán Việt Nam, chúng tôi lọc ra 30 doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nhất (danh sách này đã loại bỏ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Tài chính như Bảo Việt - nắm giữ hơn 63.000 tỷ tiền gửi ngân hàng và đầu tư vào trái phiếu). 

Điểm mặt 30 ông lớn có nhiều tiền nhất sàn chứng khoán, nhưng thời Covid-19 vài nghìn tỷ cũng chỉ như muối bỏ biển - Ảnh 1.

Đứng đầu danh  sách này là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Tại thời điểm 31/12 ACV đang có hơn 31.272 tỷ đồng, trong đó đa phần là tiền gửi ngân hàng (30.920 tỷ). Lượng tiền của ACV chiếm 52,7% tổng tài sản của Tổng công ty. Mặc dù có nguồn tiền gửi dồi dào nhưng hiện tại ACV cũng đang đi vay gần 15.000 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay ODA bằng ngoại tệ để đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 Sân bay Nội Bài. Lượng tiền mặt lớn cũng là "của để dành" cho ACV làm đối ứng cho các khoản vay lớn để triển khai dự án sân bay Long Thành sau này.

Năm ngoái lợi nhuận của ACV tăng hơn 30% tuy nhiên năm 2020, tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của ACV (21 sân bay) sẽ giảm tới 40% so với năm 2019. Trong đó, riêng khách quốc tế giảm tới 70%. ACV mới đây đã công bố quyết định giảm giá các dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không (bao gồm cả hãng hàng không quốc tế và hãng hàng không nội địa).

Doanh nghiệp có lượng tiềnmặt lớn thứ 2 là Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) với 29.390 tỷ, chiếm hơn 47% tổng tài sản. Trước cú sốc giá dầu do Covid-19, mỗi năm GAS thu về từ 10.000 - 12.000 tỷ đồng lợi nhuận, đó là lí do công ty có nguồn tiền mặt dồi dào và lợi nhuận chưa phân phối rất lớn. 

Vingroup nắm giữ 19.368 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng. Với tổng tài sản hơn 403.700 tỷ đồng, doanh thu mỗi năm hơn 130.000 tỷ, lượng tiền mặt này giúp Vingroup vận hành các mảng kinh doanh của tập đoàn. Mới đây Vingroup bắt tay vào sản xuất máy thở tại hai nhà máy Vinfast và Vinsmart dựa trên thiết kế của MIT.

Các "đại gia" nắm giữ tiền mặt lớn khác có thể kể đến như VEAM, Petrolimex, Sabeco nắm giữ hơn 16.000 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. 

Trong đó lượng tiền VEAM đang nắm giữ chiếm 50,6% tổng tài sản, mỗi năm VEAM nhận cổ tức từ các công ty liên kết như Honda, Toyota, Ford hơn 7.100 tỷ đồng, cao gấp rưỡi doanh thu bán hàng của Tổng công ty. Tuy nhiên với tình hình cách ly xã hội và nhiều nhà máy sản xuất ô tô tạm dừng sản xuất, chắc chắn nguồn thu của VEAM sẽ bị sụt giảm mạnh năm 2020. 

Với Petrolimex, dự kiến doanh thu năm 2020 của PLX sẽ giảm 12.500 tỷ và lợi nhuận giảm hơn 1.000 tỷ so với kế hoạch đặt ra ban đầu do ảnh hưởng bởi Covid-19. Hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn bộ hệ thống Petrolimex bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19 trong tất cả các lĩnh vực: kinh doanh phân phối xăng dầu, nhiên liệu hàng không, vận tải, hóa dầu, gas, và các dịch vụ phụ trợ khác. 

Với Sabeco, công ty hiện chưa công bố kế hoạch kinh doanh 2020. Bị tác động kép từ Nghị định 100 và Covid-19, theo số liệu từ ThaiBev, sản lượng bia của Sabeco bán ra trong quý 1/2020 ước giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Theo giới phân tích, kênh phân phối bia thông qua các nhà hàng, quán nhậu (on - trade channel) hiện chiếm tỷ trọng lớn 70 - 80% doanh số bán bia của Sabeco, vì thế sản lượng bia tiêu thụ trong năm 2020 của Sabeco được dự báo báo giảm 20% và giá bán sẽ được điều tiết từ 5 - 10% theo cung và cầu thị trường khi nhu cầu ngày càng giảm.

Trong số các "đại gia" nắm giữ lượng tiền mặt lớn, có thể kể đến Vietnam Airlines. Tại thời điểm cuối năm 2019, lượng tiền và tương đương tiền của Vietnam Airlines hơn 6.500 tỷ đồng. Tuy nhiên Covid-19 đã đánh bay mọi thànhquả tích lũy của Vietnam Airlines trong 5 năm qua, "kiếm củi 3 năm đốt 1 giờ". Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho biết lượng tiền dự trữ của Vietnam Airlines đến nay đã cạn kiệt, doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Ngay từ tháng 3-2020, Vietnam Airlines buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn. Trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ so với cùng kỳ và lỗ 2.383 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020 nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý 4, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và ước lỗ 19.651 tỷ đồng.

Từ trường hợp của Vietnam Airlines cho thấy, với từng ngành nghề, lượng tiền mặt vài nghìn tỷ chỉ như "muối bỏ biển" dưới tác động của Covid-19.

Chỉ số "sống sót"

Mới đây, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc ( CMA Australia) tại Việt Nam đã tính toán chỉ số Days Cash on Hand, số ngày có khả năng chi trả bằng tiền cho các doanh nghiệp trong rổ Vn30, đã loại trừ các doanh nghiệp ngành tài chính. 

Chỉ số này được tính dựa trên những tài sản bằng tiền hoặc có thể quy đổi ra tiền nhanh chóng mà không bị sụt giảm giá trị chia cho các khoản cần chi (bao gồm chi phí hoạt động và một phần của giá vốn) rồi nhân với 365 ngày. Ông Long gọi chỉ số này là "chỉ số sống sót" trong giai đoạn toàn xã hội đang bị cách ly. Chỉ số này cho biết số này doanh nghiệp có thể sống với số tiền hiện có, đây chỉ là một con số tương đối để các nhà đầu tư tham khảo vì doanh nghiệp có thể tăng số ngày lên bằng cách chi tiêu thật tiết kiệm.

Điểm mặt 30 ông lớn có nhiều tiền nhất sàn chứng khoán, nhưng thời Covid-19 vài nghìn tỷ cũng chỉ như muối bỏ biển - Ảnh 2.

Các chỉ số tính toán của AFA Research

Theo số liệu thống kê, có 3 doanh nghiệp có chỉ số DCOH trên 1.000 ngày là NVL, REE, GAS. Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ như MWG hay PNJ gần đội sổ do các doanh nghiệp này tích luỹ hàng tồn kho và mở rộng hệ thống. Một số ý kiến nhận xét cho rằng trường hợp của PNJ do tồn kho là vàng nên có thể được tính vào dạng tài sản lỏng.

Theo quan điểm của ông Long, nếu chuẩn bị hết DCOH thì công ty có thể buộc phải vay thêm, huy động vốn mới hoặc thậm chí giảm giá bán để tăng thu tiền về khiến profit margin sẽ giảm.

Điểm mặt 30 ông lớn có nhiều tiền nhất sàn chứng khoán, nhưng thời Covid-19 vài nghìn tỷ cũng chỉ như muối bỏ biển - Ảnh 3.

Châu Cao

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên