MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Điểm nghẽn' logistics vùng ĐBSCL: Giảm sức cạnh tranh hàng hóa

Theo ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hệ thống logistics khu vực ĐBSCL thiếu tính liên kết đồng bộ, hạ tầng không đáp ứng nhu cầu thực tế. Phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao.

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 với chủ đề “Logistics và Chuyển đổi số vùng ĐBSCL ” vừa được tổ chức tại Cần Thơ. Chia sẻ tại đây, ông Lê Quang Trung cho rằng, vùng ĐBSCL thiếu hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu; thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh; thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn...

Phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao. Tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL, có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,4% cả nước, trong đó, doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp rất hạn chế.

“Hạ tầng giao thông kết nối vùng trồng còn hạn chế, thiếu trung tâm đầu mối nông sản. Bài toán giảm ách tắc, quá tải cho tuyến Quốc lộ 1A vẫn chưa được giải quyết, trong khi giao thông đường thủy thì giới hạn tĩnh không, trọng tải sà lan chỉ ở mức từ 1.500-3.500 tấn. Tình trạng xe nông sản mắc kẹt ở biên giới có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng” - Phó Chủ tịch VLA nhận định.

'Điểm nghẽn' logistics vùng ĐBSCL: Giảm sức cạnh tranh hàng hóa - Ảnh 1.

Tàu cập cảng

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, hoạt động phát triển logistics tại Cần Thơ và vùng ĐBSCL vẫn còn những tồn tại, hạn chế. “Việc kết nối các phương thức vận tải chưa hiệu quả; các trung tâm logistics đóng vai trò kết nối Cần Thơ với vùng và quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng… dẫn đến chi phí logistics còn cao, chi phí vận tải chiếm 30-40% giá thành sản phẩm. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung” - ông Trường cho hay.

“Nghiên cứu mở thêm tuyến giao thông đường thủy kết nối ĐBSCL với Campuchia và khu vực Cái Mép - Thị Vải sẽ tạo thuận lợi lớn cho việc xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực như thuỷ hải sản, nông sản đến thẳng châu Âu và Hoa Kỳ. Nâng cao chất lượng quy hoạch, tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng, hoàn thiện thể chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư trong hoạt động logistics, hạ tầng giao thông, vận tải vùng ĐBSCL” – Phó Chủ tịch VLA Lê Quang Trung kiến nghị.


PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Logistics Việt Nam cho biết, theo Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021-2020, tầm nhìn đến 2050, toàn vùng có 7 trung tâm đầu mối sản xuất chính.

Trong đó, Cần Thơ giữ vị trí rất quan trọng với vai trò là trung tâm logistics thúc đẩy kết nối hoạt động logistics của ĐBSCL, không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh thương mại của Cần Thơ mà còn thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các tỉnh thành khác sử dụng dịch vụ logistics, tăng chuỗi giá trị gia tăng hàng hóa.

“Chúng ta hy vọng rằng với sự phát triển, kết nối của các hãng tàu, container có thể đến nhận hàng tại Cần Thơ, giúp cho các hoạt động xuất khẩu được trực tiếp từ ĐBSCL, qua đó giảm thời gian vận chuyển cũng như giảm chi phí logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ĐBSCL” - bà Hòa nói.

Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Tại diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam thuộc top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, được đánh giá có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á… Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8%-17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung 10,6% của thế giới. Hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các cảng đầu mối, các trung tâm logistics lớn quy mô khu vực và quốc tế...

Sự liên kết giữa các phương thức vận tải, năng lực vận tải thủy còn thấp làm cho chi phí logistics cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng chuyên đề đánh giá sâu về thực trạng, định hướng phát triển các hoạt động logistics hiệu quả, bền vững để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét.

Trên cơ sở đó, sẽ có lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực logistics nói chung và logistics vùng ĐBSCL nói riêng, gắn với nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế chuỗi giá trị nông sản của vùng.

Theo Cảnh Kỳ

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên