MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm nóng giao dịch kim loại toàn cầu dịch chuyển từ Đông sang Tây

18-07-2021 - 21:15 PM | Thị trường

Giá kim loại hồi phục ngoạn mục trong một năm qua chủ yếu được thúc đẩy bởi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đã đến lúc hoạt động giao dịch kim loại dịch chuyển từ Trung Quốc sang những thị trường khác trên thế giới.

Trong khi nhu cầu của Trung Quốc có vai trò lớn trong việc định giá kim loại công nghiệp ở thời điểm hiện tại thì giá trong thời gian tới, nhất là những mặt hàng như đồng, sẽ được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng xanh.

Chu kỳ tăng giá hiện tại xảy đến chủ yếu do lượng giao dịch ở Trung Quốc tăng mạnh.

Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã chứng kiến khối lượng giao dịch kim loại bùng nổ kể từ khi Trung Quốc thoát khỏi tình trạng phong tỏa chống Covid-19 – hồi tháng 12/2020.

Ngược lại, khối lượng giao dịch trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) - nơi chủ chốt thiết lập giá kim loại cho thế giới bên ngoài Trung Quốc - đã giảm 7% trong năm ngoái, và khối lượng trung bình hàng ngày trong 6 tháng đầu năm nay giảm thêm 13%.

Sự khác biệt giữa thị trường Trung Quốc và thị trường quốc tế phản ánh bản chất khó khăn của quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch cho đến thời điểm hiện tại.

Nhưng mọi thứ có vẻ đang thay đổi. Trong khi các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang cố gắng giảm bớt sức nóng từ ngọn lửa kích thích kinh tế thì ở các nơi khác trên thế giới, sự hồi phục mới chỉ bắt đầu.

Có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu vật chất đang dịch chuyển về phía Tây, và hoạt động giao dịch cũng vậy. Khối lượng giao dịch hàng hóa trên Sàn LME tháng 5 vừa qua đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm 2020, và tiếp tục tăng trong tháng 6/2021.

Sàn giao dịch LME càng thêm hy vọng rằng gió sẽ đổi chiều khi chuẩn bị tung ra 6 hợp đồng mới vào tuần tới. Theo đó, kể từ 19/7, LME sẽ công bố mức cộng giá các mặt hàng: nhôm Châu Âu, phế liệu nhôm Mỹ, hydroxit lithium, thép cán nóng của châu Âu, thép phế liệu Ấn Độ và thép phế liệu Đài Loan (Trung Quốc). LME là Sàn giao dịch lâu đời nhất và lớn nhất thế giới về kim loại công nghiệp.

Sự xoay trục từ Thượng Hải sang phương Tây

Sàn giao dịch Thượng Hải (ShFE) – nơi giao dịch kim loại cho thị trường nội địa Trung Quốc – đã chứng kiến khối lượng giao dịch tăng 2 con số đối với tất cả các hợp đồng chủ chốt trong nửa đầu năm nay.

Điểm nóng giao dịch kim loại toàn cầu dịch chuyển từ Đông sang Tây - Ảnh 1.

Khối lượng giao dịch trên sàn Thượng Hải 6 tháng đầu năm 2021

Tuy nhiên, rõ ràng đã có sự dịch chuyển khỏi các kim loại "nóng" trước đây như đồng và nickel để chuyển sang lĩnh vực kim loại màu và các thị trường vốn thường kém hấp dẫn hơn như chì, nhôm và thiếc.

Hoạt động giao dịch các hợp đồng kỳ hạn tương lai trên sàn ShFE đã chậm lại đáng kể trong quý II/2021, với khối lượng giao dịch trong tháng 6 ở mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, trong khi dòng tiền chảy vào các hợp đồng kỳ hạn tương lai ở thời điểm cuối tháng 6/2021 đã giảm 18% so với tháng 6/2020.

Giao dịch các hợp đồng thép cuộn cán nóng (HRC) và thép không gỉ mới trên sàn SHFE trong nửa đầu năm 2021 đã ghi nhận mức tăng trưởng về khối lượng mạnh chưa từng có, một phần phản ánh của xu hướng đầu cơ vào thị trường thép ở các địa phương do Chính phủ nỗ lực hạn chế tăng trưởng sản xuất.

Câu chuyện đối với thị trường nhôm Thượng Hải cũng tương tự, với khối lượng giao dịch trong tháng 5/2021 đạt mức cao nhất trong vòng 13 năm do các giao dịch bùng nổ. Khối lượng hợp đồng nhôm giao dịch trên sàn Thượng Hải trong nửa đầu năm nay đã tăng 152% so với cùng kỳ năm ngoái – khi thị trường nhôm gần như bị lãng quên.

Thiếc, một kim loại cũng từng bị lãng quên khác trong năm qua, cũng đã chứng kiến ​​sự gia tăng tương đương trong hoạt động đầu cơ khi giá thiếc trên sàn Thượng Hải tăng lên mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, tình trạng dư thừa chứ không phải không thiếu hụt giải thích cho việc giao dịch các hợp đồng chì trên sàn Thượng Hải tăng gần gấp 3 lần.

Trong khi phương pháp giao dịch theo hành động giá (phân tích biểu đồ) năm nay áp đảo thì các kho lưu chứa chì của sàn SHFE đã tăng 87.000 tấn lên 132.842 tấn. Điều đó cho thấy cả khối lượng giao dịch và dòng tiền chảy vào chì đều tăng theo cấp số nhân. Cuối tháng 6/2021, tổng khối lượng giao dịch là 125.292 lô, cao hơn 119% so với 57.141 lô cùng kỳ năm ngoái.

Giao dịch ở phương Tây tăng trưởng trở lại

Điểm nóng giao dịch kim loại toàn cầu dịch chuyển từ Đông sang Tây - Ảnh 2.

Khối lượng giao dịch ở LME tăng lên do kinh tế hồi phục sau Covid-19

Đối với những kim loại có giá tăng mạnh, trong suốt nhiều tháng, khối lượng giao dịch ở Thượng Hải tăng rất mạnh, nhưng ở những nơi khác không như thế.

Khối lượng giao dịch trên sàn LME liên tiếp giảm trong 8 tháng cuối của năm 2020 và quý I/2021, bất chấp giá kim loại tăng mạnh.

Tháng 5 và 6/2021 chứng kiến lần đầu tiên giao dịch ở sàn LME tăng trưởng trở lại sau hơn một năm trì trệ. Tuy nhiên, chỉ tăng ở 2 tháng 5 và 6 không đủ để bù lại cho những tháng trước đó, do vậy tổng giao dịch trên sàn LME 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục giảm.

Trên sàn CME (Sàn giao dịch hàng hóa Chicago), tình trạng vắng vẻ cũng diễn ra tương tự như giao dịch đồng ở LME, khi khối lượng giao dịch gần như không thay đổi trong suốt cả năm ngoái và quý I năm nay, bất chấp việc giá đồng tăng gấp hơn 2 lần.

Việc không có bất kỳ dấu hiệu giao dịch tăng rõ ràng nào mặc dù giá tăng mạnh trên các sàn CME và LME cho thấy các nhà đầu tư phương Tây đã không mua kim loại vào, trái ngược với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Tuy nhiên, khối lượng đồng giao dịch trên sàn CME đã tăng vọt trong quý II năm nay, trùng thời điểm với những gì xảy ra trên sàn LME.

Cạnh tranh giữa các sàn phương Tây

Động lực giao dịch kim loại đồng dường như đang dịch chuyển từ Đông sang Tây từ mấy tháng gần đây, và cả LME cũng như CME đều hy vọng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn và lan rộng sang các kim loại khác, khi các sàn này tung ra những sản phẩm giao dịch mới.

Điểm nóng giao dịch kim loại toàn cầu dịch chuyển từ Đông sang Tây - Ảnh 3.

Mức tăng/giảm khối lượng giao dịch đồng trên 3 sàn (CME, LME và SHFE)

Cả sàn LME và sàn CME đều đang cạnh tranh để giành thị phần của họ trên thị trường thép, nhôm và kim loại sản xuất pin khi chênh lệch giá các hợp đồng tương lai mở rộng ở cả 3 loại hàng này.

Ba hợp đồng thép mới của LME sẽ bao gồm thị trường phế liệu Ấn Độ và Đài Loan cũng như thị trường thép HRC châu Âu, đưa nhóm sắt thép của sàn giao dịch LME lên tổng cộng 7 hợp đồng.

Sàn CME hiện cung cấp 6 hợp đồng sản phẩm sắt, bao gồm cả quặng sắt, và vẫn đang xem xét phản ứng của thị trường để công bố những sản phẩm hợp tác đôi bên cùng có lợi dưới hình thức mức chênh lệch giá.

Chắc chắn, sàn CME có nhiều lợi thế dẫn đầu trong cuộc đua về giao dịch hợp đồng nhôm cao cấp, trong khi sàn LME đang tung ra hợp đồng thứ ba cho nhôm chịu thuế của châu Âu.

Giao dịch nhôm Trung Tây nước Mỹ trên sàn LME (dưới hình thức mức giá chênh lệch) trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt khối lượng 871 hợp đồng - 21.775 tấn, thấp hơn so với 960.000 tấn so với khối lượng giao dịch trên sàn CME.

Việc đưa hợp đồng nhôm mới lên chào sàn LME cũng khó cạnh tranh với giao dịch ở sàn CME – thực hiện từ năm 2016, nhưng hợp đồng mới đối với nhôm đã qua sử dụng trên sàn LME sẽ mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới cho chuỗi cung ứng kim loại định giá bằng hợp đồng tương lai.

Cuộc cạnh tranh lớn tiếp theo cũng sẽ diễn ra với kim loại sản xuất pin – đang bùng nổ do chính sách môi trường.

Hợp đồng cobalt mới của CME, được đưa lên sàn vào năm ngoái, tháng 6 vừa qua đã ghi nhận tháng hoạt động tốt nhất kể từ khi chào sàn, với doanh thu 1.344 hợp đồng. Ngược lại, hợp đồng cobalt hàng thực mà LME đang giao dịch đã bị tạm dừng do khối lượng liên tiếp giảm suốt 3 năm qua, trong khi hợp đồng giao ngay vẫn chưa được giao dịch.

Không nản lòng, sàn LME đã tung ra hợp đồng giao dịch lithium mới để cạnh tranh với sản phẩm mới của CME, sản phẩm này chỉ giao dịch một lot token 5 vào tháng 5, còn cả tháng 6 không có lot nào được giao dịch.

Ngoài ra, cả hai sàn giao dịch phương Tây sẽ xem xét đưa lên sàn hợp đồng lithium mới của Trung Quốc, sau khi Sàn giao dịch thép không gỉ Vô Tích (Wuxi) đưa ra vào tuần trước.

Thế giới giao dịch kim loại ngày càng trở nên đa cực, phản ánh sự trỗi dậy của thị trường giao sau của Trung Quốc trong thập kỷ qua. Nhưng như vậy không có nghĩa các sàn phương Tây sẽ lu mờ. Hiện tại, giao dịch kim loại có dấu hiệu dịch chuyển từ Trung Quốc sang những nơi khác trên thế giới.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên