Diễn biến dịch bệnh khó lường: Sự thanh lọc thị trường sẽ diễn ra rất mạnh trong năm 2020 nhưng cũng là “phép thử” cho doanh nghiệp BĐS
Hiện tại, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng kinh tế toàn thế giới, trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” của thị trường. Bất động sản là ngành được đánh giá chịu tác động chậm hơn so với các ngành khác, tuy nhiên, những ảnh hưởng của nó đang hiển hiện rất rõ khi hàng loạt DN đứng trước nguy cơ phá sản, sàn giao dịch đóng cửa ồ ạt...
- 01-04-2020Bất động sản có thể sẽ bước vào giai đoạn giảm giá, tăng chiết khấu
- 31-03-2020Bất động sản vẫn là nơi “trú ẩn” của dòng tiền nhà đầu tư?
- 31-03-2020Nhà đầu tư bất động sản đang đổ tiền vào đâu?
TPHCM là địa phương có sức ảnh hưởng lớn về thị trường BĐS ở Đông Nam Bộ khi có gần 15.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên thời gian qua, thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư (giảm 64 dự án so cùng kỳ năm trước), 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn (giảm 30 dự án).
Trong quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường BĐS tại thành phố có dấu hiệu chững lại. Tình trạng này cũng diễn ra ở các địa phương, như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… Với các doanh nghiệp BĐS, những sự kiện đông người như quảng bá, tiếp thị, bán hàng đều bị hủy bỏ.
Nhiều sàn BĐS phải huỷ bỏ cách tư vấn bán hàng truyền thống với khách hàng
Trong đó, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng và BĐS cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng mặt bằng cho thuê tại các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại và mặt bằng nhà phố cho thuê bị nhiều khách trả lại. Tác động lớn từ dịch Covid-19 tạo nên khó khăn chung khiến các doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, tăng chi phí đầu tư, chi phí lãi vay, có nguy cơ nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động.
Để duy trì hoạt động, các doanh nghiệp BĐS đang đẩy mạnh nhiều kênh phân phối, bán hàng với các ứng dụng giao dịch online để tiếp cận khách hàng. Doanh nghiệp sử dụng phương thức hội nghị trực tuyến (online) để phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, điều chỉnh quy trình sản xuất, kinh doanh, cho phép một bộ phận cán bộ, nhân viên làm việc từ xa, tại nhà, nhất là lĩnh vực môi giới, tiếp thị, công nghệ thông tin…
Hàng loạt sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BĐS Đại Phúc Land cho biết, nhiều doanh nghiệp BĐS phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo diễn biến của dịch bệnh với các kịch bản ứng phó khác nhau. Do đặc thù của việc phát triển BĐS luôn mang tính dài hạn nên doanh nghiệp vẫn phải duy trì các kế hoạch dài hạn cho việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tiện ích và bàn giao nhà cho khách hàng bảo đảm đúng tiến độ cam kết.
"Hy vọng dịch Covid-19 sẽ không lây lan quá rộng và trong vòng kiểm soát được. Giờ chỉ chờ đợi thêm một tháng 4 này nữa sẽ đánh giá được rõ hơn tình hình", bà Hương cho biết thêm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HH BĐS TP.HCM, thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế "khó chồng khó" nên các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, bất động sản vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, nhất là phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững.
Thực tiễn đã chứng minh qua các cuộc khủng hoảng đóng băng của thị trường bất động sản các năm 2008, 2011, để củng cố niềm tin và tìm kiếm các giải pháp ứng phó hiệu quả trước những tác động rất nghiêm trọng của đại dịch CoViD 19.
"Thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay, cũng chính là cơ hội để các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản thực hiện chiến lược "tái cấu trúc doanh nghiệp"
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định, trong giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay, cũng chính là cơ hội để các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản thực hiện chiến lược "tái cấu trúc doanh nghiệp" theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.
Đối với các tập đoàn lớn có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.
Về vấn đề ứng phó với những khủng hoảng kép này, ông Dương Quốc Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ, chia sẻ dịch COVID-19 đang tác động đáng kể tới sản phẩm BĐS trong các phân khúc: văn phòng cho thuê và BĐS nghỉ dưỡng cũng đang phá vỡ nhiều dự định của các chủ đầu tư BĐS lớn trong năm 2020. Hầu hết các kế hoạch tung sản phẩm mới của các chủ đầu tư lớn trong năm nay cũng đang trong tình trạng “hoãn”.
Các khu công nghiệp đang mời gọi nguồn vốn FDI từ các tập đoàn đa quốc gia cũng đang phải vất vả chờ dịch bệnh qua đi. Một số công ty khác không dám mạo hiểm với các sản phẩm cao cấp, chỉ chào bán giai đoạn tiếp theo của dự án cũ hoặc mua đi bán lại. Và trong đó, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ đang đứng trước vực thẳm phá sản khi không thể vượt qua gánh nặng chi phí vận hành, tiền lương và đọng vốn.
Cũng theo ông Thuỷ, với tình hình khó khăn như hiện tại, theo dự báo, sự thanh lọc thị trường sẽ diễn ra rất mạnh trong năm 2020 nhưng cũng là "phép thử" để giữ lại những doanh nghiệp uy tín, vững về tài chính, đồng thời những doanh nghiệp yếu sẽ tự khắc bị đào thải. Yếu ở đây được hiểu là cả về nguồn vốn, kinh nghiệm và chất lượng nhân sự. Doanh nghiệp BĐS muốn tồn tại phải thay đổi cách thức hoạt động: chuyên nghiệp hóa - hiện đại hóa quy trình bán hàng; lựa chọn sản phẩm uy tín, pháp lý tin cậy, phù hợp nhu cầu khách hàng và chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng bán hàng cho môi giới.
"Hiện nay, chúng ta chưa thể dự báo được thời điểm dịch bệnh kết thúc, nên bản thân doanh nghiệp cần có kịch bản riêng cho mình để vượt qua giai đoạn khó khăn này thông qua các chiến lược kinh doanh - tiếp thị linh hoạt, phù hợp với tình hình hiện nay. Đây cũng là thời điểm các đơn vị chủ đầu tư tập trung hoàn thiện các dự án còn dang dở về hạ tầng, củng cố niềm tin cho khách hàng về chất lượng sản phẩm", ông Thuỷ cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Ngô Quang Phúc - Giám đốc Phú Đông Group thì cho rằng bên cạnh những kịch bản cho tình huống khó khăn, các doanh nghiệp BĐS cũng có nhiều cơ sở để tin tưởng vào một kịch bản lạc quan là dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm được ngăn chặn thành công và hiện tại Việt Nam vẫn là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt so với nhiều nước trên thế giới. Khi đó, thị trường BĐS nhìn chung chắc chắn sẽ phục hồi nhanh chóng nhờ đã có những nền tảng tốt đã được gầy dựng: mức giá phù hợp, pháp lý đầy đủ, minh bạch và có sẵn lượng khách hàng tiềm năng xuất phát từ nhu cầu thực.
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19