MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện thoại 140 triệu thành "cục gạch" sau 1 tháng sử dụng: Người dùng hàng xách tay cần biết điều này

05-07-2024 - 07:23 AM | Kinh tế số

Đã có nhiều trường hợp người sử dụng điện thoại xách tay không chính hãng không dùng được SIM, sóng Việt Nam, mất toàn bộ cài đặt, phần mềm, dữ liệu và cả ngôn ngữ tiếng Việt.

Điện thoại 140 triệu đồng biến thành 'cục gạch' sau 1 tháng sử dụng

Mới đây, theo thông tin đăng tải từ Vietnamnet, một khách hàng tại TP.HCM được tặng điện thoại Meta Vertu 2 trị giá khoảng 140 triệu đồng nhưng sau khoảng 1 tháng sử dụng, chiếc điện thoại đã trở thành 'cục gạch'.

Nguyên nhân của tình trạng điện thoại bị khóa sim, khóa sóng và không thể khôi phục trở lại là do đây là hàng nội địa của nước khác được đưa về Việt Nam theo đường xách tay mà không phải là hàng chính hãng phân phối tại Việt Nam. Phía Vertu Việt Nam cho biết với trường hợp này, họ không thể hỗ trợ và cũng từ chối bảo hành, hay mở khóa cho khách hàng.

Điện thoại 140 triệu thành

Meta Vertu 2

Đa số những chiếc điện thoại này không phải phiên bản quốc tế và chỉ được người bán mở khóa tạm thời vào thời điểm bán cho khách. Sau thời gian ngắn sử dụng, máy sẽ bị khóa, vô hiệu hóa ngay khi người dùng cập nhật lên phiên bản mới nhất từ hãng hoặc máy sẽ bị trả về hiện trạng gốc. Thậm chí rất có thể chiếc điện thoại sẽ trở nên vô dụng khi không dùng được SIM, sóng Việt Nam, mất toàn bộ cài đặt, phần mềm, dữ liệu và cả ngôn ngữ tiếng Việt...báo Vietnamnet thông tin thêm.

Hàng loạt smartphone Trung Quốc bị khóa mạng tại Việt Nam

Trường hợp vừa nêu bên trên không phải là vụ việc hy hữu vì đã có rất nhiều lần, khách hàng phàn nàn về việc điện thoại xách tay bị 'vô hiệu hóa' nhiều tính năng khi sử dụng ở Việt Nam.

Vào năm 2023, nhiều người dùng tại Việt Nam cho biết một vài mẫu máy xách tay của realme và OnePlus gặp phải tình trạng khóa mạng khi lắp SIM nhà mạng trong nước.

Điện thoại 140 triệu thành

Một chiếc realme 10 Pro+ bị tình trạng khoá mạng khi sử dụng thẻ SIM của nhà mạng Việt Nam - Ảnh: Người dùng Facebook

Với việc hạn chế đó đã khiến điện thoại xách tay trở nên vô dụng khi về Việt Nam khi không thể gọi điện, nhắn tin, kết nối dữ liệu mạng, không hỗ trợ tiếng Việt đầy đủ, không có sẵn Google Play, nhiều ứng dụng rác và lỗi nhận thông báo chậm. Bên cạnh đó, đối với các điện thoại xách tay không có hóa đơn, không được bảo hành hoặc hỗ trợ sửa chữa từ hãng.

Việc điện thoại xách tay bị khoá mạng khi sử dụng SIM nhà mạng Việt Nam đã tạo nên một rào cản lớn đối với người dùng Việt. Mặc dù vẫn có cách "lách luật", tuy nhiên đối với những người không am hiểu nhiều về công nghệ cần lưu ý rằng các mặt hàng điện thoại này không phải là một sự lựa chọn phù hợp.

Giải mã, cách duy nhất để hợp pháp hóa điện thoại xách tay

Sự khác biệt về tần số hoạt động khiến rất nhiều mẫu điện thoại được xách tay từ nước ngoài trở nên “vô dụng” khi về Việt Nam. Theo các nhà kinh doanh điện thoại di động ở Hà Nội, giải mã là cách duy nhất để những chiếc điện thoại xách tay có thể hoạt động trong nước, báo VTC News cho biết.

Theo đó, giải mã là cách duy nhất để những chiếc điện thoại xách tay có thể hoạt động trong nước.

Mở khóa bằng mã code

Bạn cần có hóa đơn và bảo hành của máy. Sau đó liên hệ đến bộ phận chăm sóc khách hàng của nước nội địa và cung cấp các giấy tờ đó, khi chứng minh bạn là chủ sở hữu của máy, nhân viên sẽ cung cấp cho bạn một mã code và bạn chỉ cần nhập mã code này vào phần cài đặt thiết bị là có thể mở khóa sim.

Tuy nhiên, đối với các hàng xách tay thường sẽ không có hóa đơn mua hàng tại nước sở tại. Điều này sẽ thật khó đối với người Việt Nam mua hàng xách tay bởi nếu không có hóa đơn hay bất kì giấy tờ chứng minh là chủ sở hữu máy thì sẽ không được cấp mã code.

Cài đặt (Up) ROM quốc tế

Có thể hiểu nôm na, ROM trong điện thoại dùng để chứa đựng hệ điều hành và việc up ROM làm thay đổi một hệ điều hành trong điện thoại của bạn sang một bản khác. Đồng thời, cho phép bạn can thiệp vào hệ thống để xóa đi một số ứng dụng do hãng cài đặt sẵn. Điều này giúp khắc phục lỗi liên quan đến hạn chế quyền sử dụng sim. Tuy nhiên không phải mẫu máy nào cũng hỗ trợ Up ROM và tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật và an toàn thiết bị.

Điện thoại 140 triệu thành

Mở khóa tại các trung tâm tuy tín về di động

Theo chia sẻ của một nhân viên cửa hàng di động, khi có trong tay chiếc máy điện thoại mang về từ nước ngoài, người sử dụng nên đem máy đến các trung tâm uy tín hỏi xem dòng máy đó có giải mã được không. Tránh trường hợp cài đặt lung tung có thể dẫn tới hỏng máy.

Và quan trọng nhất, trước khi mua “hàng xách tay”, người tiêu dùng nên tìm hiểu thông tin trên mạng Internet hoặc tìm mua ở những cửa hàng uy tín, không nên mua hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường. Các cửa hàng điện thoại di động hiện nay khi bán hàng xách tay đều có chế độ bảo hành và giải mã cho các sản phẩm cửa hàng phân phối.

Theo Bích Câu

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên