Điêu đứng vì trồng cây theo phong trào
Phập phù giá cả, đầu ra không ổn định là hậu quả của nhiều loại cây được trồng theo...thương lái, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng.
- 04-10-2019Nông dân Hải Dương thu tiền tỷ từ cây bưởi đào
- 18-09-2019Xanh mặt vì… bưởi da xanh
- 15-09-2019Lão nông Bến Tre "đổi đời" nhờ trồng bưởi da xanh
Xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) từng được xem là "thủ phủ" thu mua trái nhàu của tỉnh Cà Mau. Vậy mà những ngày qua, nhiều hộ trồng nhàu đứng ngồi không yên vì giá tụt dốc không phanh sau thời gian được thương lái lùng mua với giá cao.
Bị thương lái bỏ rơi
Trước tình hình này, ông N.V.D, chủ một cơ sở thu mua trái nhàu ở huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), cho biết: "Gần đây, trái nhàu nguyên liệu bán cho các công ty ở TP HCM để xuất sang Đài Loan, Hàn Quốc… thường bị trả về do không chứng minh được vùng nguyên liệu an toàn lẫn giấy chứng nhận hữu cơ (organic). Để giảm lỗ, tôi cũng như một số cơ sở khác chọn cách đóng cửa, ngưng tiếp nhận hàng của bà con nông dân". Nhiều cơ sở thu mua nhàu ở địa phương này đã vắng bóng người làm, sân phơi cỏ mọc um tùm do không còn sử dụng.
Nông dân Cà Mau lỗ nặng với cây nhàu sau một thời gian bị thương lái kích giá Ảnh: VÂN DU
Trước đó, trái nhàu tươi được thương lái thu mua từ 15.000-17.000 đồng/kg. Đã vậy, nhiều thương lái còn "bí ẩn" tìm đặt mua lượng lớn lá nhàu với giá cao. Thấy lãi cao, nhiều hộ dân ở Cà Mau ồ ạt trồng nhàu với hy vọng sẽ trở thành cây chủ lực ở địa phương. Còn giờ này, cơ sở thu mua đóng cửa hoặc mua cầm chừng 1 lần/tuần với giá 3.000 đồng/kg ngay khi vào vụ thu hoạch.
Ông Hứa Văn Bét, một nông dân ở huyện Thới Bình, bộc bạch: "Tôi trồng hơn 1.000 gốc nhàu với mong muốn kiếm thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Giờ chẳng ai mua hoặc mua với giá rẻ như cho".
Ông Đinh Đức Thiệu, chủ một cơ sở thu mua trái nhàu ở huyện Thới Bình, đã hoạt động khoảng 10 năm. "Gần đây, một số thương lái ngoài tỉnh đến mua số lượng lớn lá nhàu khô, giá 120.000-150.000 đồng/kg nhưng tôi không hợp tác vì thấy dấu hiệu bất thường" - ông Thiệu nói.
Khóc - cười với cây có múi
Vài năm gần đây, nhiều nông dân ở các tỉnh Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang và TP Cần Thơ… ồ ạt chuyển sang trồng mít Thái, như đã từng "lên đồng" với cam sành, cam xoàn, quýt đường…
Ông Nguyễn Văn Tư, nhà vườn trồng mít Thái tại huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp), cho biết: "Vào dịp Tết, mít Thái có lúc tăng giá đến 70.000 đồng/kg. Giá mít cao nên người trồng phấn khởi. Trung bình 5 công đất, người trồng mít có thể thu nhập 150 - 200 triệu đồng/năm. Còn bây giờ, giá mít Thái chỉ trên dưới 10.000/kg khiến người trồng rất lo lắng". Một số chủ vườn ở ĐBSCL nhìn nhận giá mít Thái đang lao dốc là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm, bởi khoảng 90% lượng trái được tiêu thụ qua thị trường này.
Trúng mùa, được giá, lợi nhuận cao nên nhiều nông dân ở ĐBSCL có thời điểm bỏ lúa đổ xô trồng cam sành, cam xoàn bất chấp khuyến cáo về viễn cảnh dội chợ, mất giá của cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Văn Năm (ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) kể: "Trước đây, tôi trồng 8.000 m2 cam, trong đó 3.000 m2 là đất thuê. Với giá cam khoảng 35.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Sau đó, tôi tìm thuê đất ruộng để tiếp tục lên liếp trồng cam".
Phong trào này lan cả sang Vĩnh Long và Cần Thơ, dù nhiều người phải thuê đất từ 5-7 triệu đồng/công/năm. Song, nếu như đầu năm nay, giá cam có lúc lên đến 45.000 - 50.000 đồng/kg thì nay đã giảm hơn 70%. Anh Nguyễn Văn Tâm (ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) chua xót: "Hiện giá cam sành thu mua tại vườn chỉ còn 8.000 - 11.000 đồng/kg, cam xoàn khá hơn một chút nhưng cũng chỉ khoảng 22.000 đồng/kg".
Theo ông Huỳnh Văn Tồn, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), cam, quýt mất giá là do mở rộng diện tích quá nhanh, cung vượt cầu. Để tình trạng được mùa, mất giá không còn diễn ra, địa phương sẽ thực hiện tốt việc quy hoạch vùng nguyên liệu, tránh việc phá vỡ quy hoạch như thời gian gần đây.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng trở ngại lớn nhất của ngành nông nghiệp nói chung là không có đầu ra ổn định và đây là thiệt thòi lớn nhất đối với nông dân. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp rất thụ động, không có sản phẩm độc đáo, không tổ chức vùng nguyên liệu để chế biến sản phẩm đặc trưng mà luôn trong thế ngồi chờ khách hàng tìm đến hoặc chờ có "mối" mới chạy đi thu gom hàng hóa để bán.
Ngăn đổ xô trồng mít Thái
Toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 10.000 ha mít Thái, trong tổng số hơn 26.000 ha của cả nước. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang có kế hoạch phát triển diện tích mít lên 180.000 ha. Trước tình trạng nhà vườn ào ạt trồng mít Thái, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản yêu cầu các địa phương có nhiều diện tích trồng mít Thái cần quan tâm, chấn chỉnh ngay tình trạng này.
Người lao động