MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì khiến chứng khoán Việt Nam “lạc điệu” với các thị trường mới nổi?

SSI Research cho rằng nếu như tiếp tục có những sự kiện như hạ triển vọng tín nhiệm, hay M&A lớn như đã xảy ra trong tháng 12/2019 thì dù đang có inflow, tâm lý thị trường sẽ vẫn yếu và TTCK Việt nam có thể sẽ tiếp tục lạc điệu với TTCK thế giới.

SSI Research vừa công bố báo cáo dòng lưu chuyển vốn toàn cầu với điểm sáng tại các thị trường mới nổi.

Theo SSI Research, dòng vốn bắt đầu quay trở lại cổ phiếu sau khi FED hạ lãi suất lần thứ 3 vào tháng 10/2019 và xu hướng này vẫn tiếp diễn cho đến thời điểm hiện tại. Cụ thể, đã có thêm 14,8 tỷ USD inflow vào các quỹ đầu tư cổ phiếu của các thị trường mới nổi, đưa tổng inflow lũy kế từ đầu tháng 11 lên 24 tỷ USD. Tính ròng từ đầu tháng 11 đến nay, các quỹ cổ phiếu EM chưa có tuần nào bị outflow.

Điều gì khiến chứng khoán Việt Nam “lạc điệu” với các thị trường mới nổi? - Ảnh 1.

Cũng trong hơn 2 tháng đảo chiều, 23,6 tỷ USD đã đổ vào cổ phiếu các thị trường phát triển nhưng xen kẽ vẫn có những tuần outflow. Mức tăng 20-30% của các chỉ số chứng khoán Mỹ trong năm 2019 đã khiến thị trường này trở nên rất nhạy cảm, lũy kế chỉ có 2,1 tỷ USD vào cổ phiếu Mỹ kể từ đầu tháng 11.

Trong cơ cấu dòng vốn ở EM, inflow chủ yếu đi vào nhóm GEM (Global Emerging Market funds), 12,8 tỷ USD, tiếp đến là nhóm Châu Á, 11,2 tỷ USD. Nhóm Châu Mỹ Latin có dòng vốn khá rời rạc, inflow outflow đan xen dù lũy kế vẫn có inflow 3 tỷ USD. Nhóm Đông Âu và Châu Phi là nhóm duy nhất có outflow.

Bên cạnh làn sóng giảm lãi suất trên toàn cầu, sự kiện có tính kích hoạt cho xu hướng đảo chiều là đàm phàn thương mại Mỹ - Trung với triển vọng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ngày càng sáng sủa. Ngay cả khi quan hệ Mỹ - Iran bất ngờ căng thẳng vào đầu năm 2020, xu hướng dòng vốn cũng ít suy chuyển. Vào tuần thứ 2 của tháng 01/2020, các quỹ cổ phiếu EM tiếp tục có inflow lớn, 1.9 tỷ USD, trong đó GEM có inflow 1.32 tỷ USD, cao nhất 3 tuần. Nhóm quỹ Đông Âu và Châu Phi (nhóm hưởng lợi từ giá dầu) lại bị rút vốn, kéo dài chuỗi outflow sang 7 tuần liên tiếp.

Điều gì khiến chứng khoán Việt Nam “lạc điệu” với các thị trường mới nổi? - Ảnh 2.

Các diễn biến tích cực của đàm phán thương mại giúp dòng vốn tại Trung Quốc, Hàn Quốc khởi sắc. Trung Quốc có inflow liền 7 tuần, tổng cộng 5 tỷ USD còn Hàn Quốc có 6 tuần với 4.1 tỷ USD. Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite (Trung Quốc) và Kospi (Hàn Quốc) đều tăng mạnh trên 6% trong khoảng thời gian này. Đài Loan cũng hưởng lợi từ quan hệ Mỹ - Trung và có inflow đến giữa tháng 12, tuy vậy thị trường này lại bị rút vốn trong 3 tuần gần nhất. Dù bị rút vốn, chỉ số chứng khoán của Đài Loan vẫn cùng chiếu với xu hướng đi lên của thị trường thế giới.

Một trường hợp khá đặc biệt ở khu vực Châu Á là Thailand. Độc lập với xu hướng dòng vốn ở EM và Châu Á, inflow vào Thailand đã tích cực hơn kể từ tháng 8, sau khi Fitch và Moody nâng triển vọng của Thailand từ "ổn định" lên "tích cực". Tổng inflow được EPFR thống kê từ tháng 8/2019 đến hiện tại là 1,7 tỷ USD, ngược với outflow 1,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Chính phủ dân sự của Thailand được thành lập vào tháng 3/2019 đã giảm thiểu rủi ro bất ổn chính trị, cùng với đó dự trữ ngoại hối đạt 12 tháng nhập khẩu và lạm phát ở mức thấp đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt quay trở lại. Đồng Baht lên giá mạnh ngoài mong muốn của Chính phủ trong khi chỉ số chứng khoán lại đi xuống cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế 2019 và 2020.

SSI Research cho rằng Thailand là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của một câu chuyện quốc gia. Những thay đổi trọng yếu liên quan đến triển vọng, không chỉ gói gọn trong tăng trưởng kinh tế, sẽ tạo được sự khác biệt để thu hút dòng vốn nước ngoài. Việt nam đang ở một vị thế tương đối ngược lại với Thailand. Tăng trưởng kinh tế của Việt nam có phần tích cực hơn trong 2019 và 2020, dự trữ ngoại hối liên tục tăng và lạm phát cũng được soát tốt.

Tuy vậy vào tháng 12/2019 Moody đã giảm triển vọng của Việt nam từ "ổn định" xuống "tiêu cực", nguyên nhân xuất phát từ tiến độ thanh toán cho một số khoản nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. SSI Research đánh giá đây là một bước lùi đáng tiếc khi mà rất nhiều nỗ lực khác đang được tiến hành để nâng tầm quốc gia và thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có phải là cá biệt?

Ngược với xu hướng chung là tích cực với cổ phiếu, NĐTNN tại Việt nam vẫn liên tiếp bán ròng, tạo áp lực lên chỉ số chứng khoán. Trong 2 tháng 11 và 12, NĐTNN đã bán ròng 1,1 nghìn tỷ thông qua khớp lệnh trên HSX, một nguyên nhân quan trọng khiến VNIndex giảm 3,8%.

Giao dịch của NĐTNN trên TTCK Việt nam không cùng chiều với diễn biến dòng vốn. Theo Bloomberg, các quỹ ETF tại Việt Nam có inflow là 270 tỷ đồng trong tháng 12/2019. Con số này vẫn thấp hơn khá nhiều so với số liệu tổng hợp từ EPFR Global là gần 51 triệu USD (tương đương khoảng 1,180 tỷ đồng).

Việc bán ròng của NĐTNN trong tháng 12 tập trung chủ yếu vào 3 cổ phiếu MSN, VIC và VHM với tổng giá trị bán ròng khớp lệnh lên tới 1.3 nghìn tỷ. Nguyên nhân bán ròng rất có thể liên quan đến hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ chủ động sau khi MSN công bố sáp nhập một số mảng kinh doanh của VIC.

Điều gì khiến chứng khoán Việt Nam “lạc điệu” với các thị trường mới nổi? - Ảnh 3.

Thị trường chứng khoán của các EM trên thế giới đều tăng tốt trong tháng 12/2019 trừ Việt Nam. Chỉ số chứng khoán Việt Nam bị chi phối khá lớn bởi nhóm Vingroup (VIC, VHM, VRE) và nhóm ngân hàng, là những nhóm có diễn biến kém tích cực trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó nhiều cổ phiếu tốt đều đã chạm trần sở hữu của NĐTNN nên dòng vốn ngoại khó tiếp cận.

SSI Research đánh giá sự lạc điệu của TTCK Việt nam so với các thị trường mới nổi phần lớn xuất phát từ giao dịch cơ cấu danh mục, không phản ánh xu hướng dòng vốn mới vào Việt nam. Dòng inflow vào Việt nam vẫn tiếp diễn trong những ngày đầu năm 2020. Theo số liệu của EPFR, Việt Nam tiếp tục có 26,8 tỷ VND inflow vào các quỹ đầu tư cổ phiếu trong 2 tuần đầu tháng 1. Số liệu từ Bloomberg cho thấy các quỹ ETF cũng liên tục có inflow, tổng cộng là 129 tỷ đồng (tương đương 5,6 triệu USD). Cùng với Thái Lan, Việt Nam trở thành điểm sáng hút vốn ở khu vực Đông Nam Á.

SSI Research cho rằng do chiến lược phân bổ tài sản có thể thay đổi nhanh nên Việt nam cần tận dụng tối đa cơ hội ở thời điểm này để thu hút thêm dòng vốn nước ngoài, tạo hiệu ứng tích cực lên xu hướng thị trường. Nếu như tiếp tục có những sự kiện như hạ triển vọng tín nhiệm, hay M&A lớn như đã xảy ra trong tháng 12/2019 thì dù đang có inflow, tâm lý thị trường sẽ vẫn yếu và TTCK Việt nam có thể sẽ tiếp tục lạc điệu với TTCK thế giới.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên