MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì khiến Thái Lan lo khách Trung Quốc ‘chạy’ sang Việt Nam?

Thái Lan siết chặt hơn quy định cấp visa cho khách Trung Quốc. Chính động thái mới khiến ngành du lịch nước này lo sợ du khách ‘chạy’ sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Thái Lan siết thị thực với du khách Trung Quốc

Từ ngày 8/5 tới đây, Văn phòng Lãnh sự Thái Lan tại Trung Quốc yêu cầu người xin cấp thị thực nhập cảnh sẽ phải nộp đơn từng cá nhân ngay cả khi đi du lịch theo đoàn.

Bên cạnh đó, số lượng nộp đơn cho mỗi công ty du lịch cũng bị hạn chế. Theo đó, một số công ty du lịch chỉ có thể xin thị thực cho khách hàng vào 3 ngày cố định hàng tuần và chỉ được nhận 30 đơn xin thị thực mỗi lần nộp thay vì không có giới hạn như trước.

Ngoài ra, các đại lý du lịch cũng được yêu cầu xuất trình giấy tờ có chứng thực cho phép xin thị thực nước ngoài và thẻ do Chính phủ Trung Quốc cấp. Thẻ này cần được gia hạn trong vòng 1 hoặc 2 năm.

Tuy nhiên, hầu hết thẻ như vậy đã hết hạn trong thời gian xảy ra đại dịch và họ không thể gia hạn thẻ vì quy trình chậm.

Điều gì khiến Thái Lan lo khách Trung Quốc ‘chạy’ sang Việt Nam? - Ảnh 1.

Hơn 750.000 du khách Trung Quốc đã đến Thái Lan trong năm nay sau khi Bắc Kinh loại bỏ các quy định và hạn chế về COVID-19 (Ảnh: Bangkok Post).

Trên tờ Bangkok Post, ông Sisdivachr Cheewarattanaporn - Chủ tịch Hiệp hội các công ty du lịch Thái Lan - cho biết, doanh nghiệp muốn có câu trả lời rõ ràng về thủ tục cấp thị thực mới vì những quy định này có thể cản trở hoạt động du lịch theo đoàn.

Ông Sisdivachr nói, nhiều nhóm khách đoàn cảm thấy lo lắng với quy định mới. Điều này có thể khiến du khách thay đổi kế hoạch đến Việt Nam, Hong Kong hoặc Macau (Trung Quốc) nếu chính quyền Thái Lan không khẩn trương xử lý vấn đề về chính sách thị thực, vị này lo ngại.

Ông này cũng nhận định đây sẽ là một trở ngại trong việc đảm bảo mục tiêu đón 5 triệu du khách Trung Quốc trong năm nay của Chính phủ.

Việt Nam hút khách Trung Quốc ra sao?

Trong xu thế cạnh tranh, thu hút khách du lịch, cả Việt Nam và Thái Lan đều có chính sách tạo thuận lợi về visa cho công dân một số nước. Tuy nhiên, du lịch Thái Lan vốn được đánh giá là chiếm nhiều ưu thế trong “cuộc đua” này.

Nhìn lại năm 2022, Việt Nam từng là một những quốc gia đi đầu trong khu vực Đông Nam Á sớm mở cửa du lịch trở lại nhờ triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, con số đạt được lại thấp hơn mục tiêu đặt ra. Nhìn sang Thái Lan - quốc gia có mức độ cạnh tranh cao với Việt Nam về du lịch lại sớm vượt mục tiêu đặt ra - thu hút được 11,8 triệu lượt khách, mang về 14 tỷ USD.

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu đón hơn 8 triệu lượt khách quốc tế. Với việc Trung Quốc cho phép Việt Nam đón khách đoàn, nhiều chuyên gia nhận định mục tiêu hút khách quốc tế năm 2023 sẽ khả thi hơn.

Dù có động thái mới về siết chặt visa, song ngành du lịch Thái Lan vẫn rất nhiều lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua hút du khách. Tờ Bangkok Post từng cho biết, Thái Lan là điểm đến được du khách Trung Quốc tìm kiếm nhiều nhất khi sử dụng Airbnb - một nền tảng chia sẻ chỗ ở. Bangkok, Phuket, Chiang Mai và Pattaya đứng đầu danh sách tìm kiếm của du khách Trung Quốc.

Năm 2019, Thái Lan là điểm đến quốc tế được du khách Trung Quốc ghé thăm nhiều nhất , đón khoảng 11 triệu khách du lịch - hơn 1/4 lượng khách nước ngoài của đất nước. Cùng thời điểm, Việt Nam đón được hơn 5,6 triệu lượt khách Trung Quốc.

Để hút khách Trung Quốc, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng Việt Nam cần tìm được lợi thế, khắc phục những bất cập hiện tại khi nhìn sang các thị trường đầy sức cạnh tranh khác, trong đó có Thái Lan.

Tổng cục Du lịch cho biết, ước tính tháng 4 lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam đạt gần 120.000 lượt, tăng gần 62% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam đạt hơn 250.000 lượt. Trong hơn 2,67 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, chủ yếu đến từ Hàn Quốc với hơn 1 triệu lượt.

Riêng Lào Cai, khi Trung Quốc thí điểm mở cửa lại hoạt động du lịch cho khách đoàn vào Việt Nam từ 15/3, lượng khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai và đến tham quan du lịch khu vực biên giới của tỉnh gia tăng đáng kể (từ 350 - 500 khách du lịch trong ngày).

Tính đến giữa tháng 4, số lượng người nước ngoài đăng ký lưu trú trực tuyến trên 82.000 lượt khách, trong đó có gần 6.000 lượt khách Trung Quốc.

Để tạo thuận lợi hơn trong việc hút du khách từ nước láng giềng, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai đã đề xuất chính quyền liên quan đến việc thông báo cụ thể về các mức phí, lệ phí trong hoạt động đưa đón khách Trung Quốc đến Việt Nam tham quan; thủ tục sổ thông hành xuất nhập cảnh với đối tượng là trẻ em đi cùng đoàn khách; thủ tục xuất nhập cảnh cho khách Việt Nam và nước ngoài cần tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng…

Đối với những vướng mắc liên quan đến đón khách Trung Quốc, quan điểm của chính quyền là tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đón khách Trung Quốc trên cơ sở tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

Trao đổi với Tiền phong, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - cho biết, Trung Quốc họ mở cửa du lịch không nghĩa là chúng ta có thể đón khách ngay và ồ ạt ngay được. Cần phải có sản phẩm tốt để quảng bá, để xúc tiến du lịch, hút khách.

Theo ông Siêu, khách Trung Quốc có xu hướng đi trong nước nhiều hơn, tỷ lệ đi nước ngoài chưa cao, xu hướng thắt chặt chi tiêu rõ rệt. Mức độ cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực trong việc đón khách Trung Quốc cũng rất lớn.

"Nhìn chung việc này cần một quá trình. Ngay tháng này, khách quốc tế cả triệu lượt nhưng chủ yếu vẫn là khách Nhật, Hàn… còn Trung Quốc chưa nhiều", ông Siêu cho hay.

Theo Hải Bình

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên