MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều làm nên cú đột phá của Viettel trong năm thứ 5 tại Myanmar

09-06-2023 - 09:23 AM | Doanh nghiệp

Trở thành nhà cung cấp số 1 về viễn thông và dịch vụ số tại Myanmar, Mytel (công ty con của Viettel Global) vẫn không ngần ngại đặt ra thách thức mới cho mình.

Khi Tập đoàn Viettel bắt đầu kinh doanh ở Myanmar, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng (nguyên Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel) có nói một câu nổi tiếng: “Viễn thông Myanmar là cô gái tuy không còn trẻ nhưng vẫn đẹp”. Lúc ấy, Mytel là nhà mạng gia nhập thị trường muộn nhất.

Sau 5 năm, “cô gái đẹp” đã chứng kiến Mytel vươn lên trở thành nhà mạng dẫn đầu với thị phần 34% và cũng là nhà cung cấp dịch vụ cố định băng rộng số 1 với thị phần hơn 50%. SuperApp MyID là super app local số 1 tại Myanmar với 24 triệu người dùng. Ví điện tử MytelPay ra mắt hơn 3 năm đã đứng thứ 2 thị trường với 3 triệu người dùng phát sinh giao dịch hàng tháng.

“Những thành công đó đã khẳng định chiến lược và tầm nhìn đúng đắn của Viettel khi đầu tư vào Myanmar” – ông Nguyễn Tiến Dũng, CEO Mytel khẳng định trong cuộc phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập.

Điều làm nên cú đột phá của Viettel trong năm thứ 5 tại Myanmar - Ảnh 1.

Năm 2023, Mytel đặt ra những mục tiêu rất tham vọng với kế hoạch thuê bao và doanh thu cao. Đến nay, kế hoạch này đạt được bao nhiêu %?

Sau 5 năm kinh doanh, thị trường tương đối đi vào ổn định. Rất khó để tăng trưởng nóng như 1 - 2 năm đầu, tuy nhiên tinh thần của Viettel cũng như Mytel luôn là trong khó khăn có cơ hội. Tại thời điểm này, do biến động của chính trị và môi trường kinh doanh, chúng tôi nhận thấy các nhà mạng đối thủ có dấu hiệu chững lại, thậm chí 1 số nhà mạng tìm cách rút khỏi thị trường. Đây chính là cơ hội và Mytel đã đặt ra những mục tiêu tăng trưởng rất thách thức.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, về chỉ tiêu thuê bao, Mytel đã hoàn thành 98% kế hoạch cả năm 2023 nhờ kết quả quý 1 rất đột phá. Về doanh thu, chúng tôi hoàn thành 60% kế hoạch cả năm, vượt chỉ tiêu 5 tháng đầu năm. Chúng tôi tự tin rằng mục tiêu năm 2023 sẽ hoàn thành tốt.

Điều làm nên cú đột phá của Viettel trong năm thứ 5 tại Myanmar - Ảnh 2.

Tại sao trong tình hình khó khăn, Mytel có thể đạt con số về thuê bao ấn tượng như vậy?

Chúng tôi có những cách làm mới.

Thứ nhất, thay đổi chỉ tiêu và phương pháp điều hành đến tuyến tỉnh. Các nhà mạng nói chung khi triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh thường chỉ giao chỉ tiêu xuống đến đơn vị tỉnh, tức là giao cho tỉnh A, tỉnh B tháng này thêm mới bao nhiêu thuê bao. Hàng tháng Công ty sẽ phân tích, chỉ ra cho chi nhánh trạm nào có kết quả kinh doanh chưa tốt, chưa hiệu quả để yêu cầu chi nhánh đẩy mạnh phát triển bán hàng.

Nhưng từ cuối năm 2022, Mytel đã triển khai phương pháp điều hành mới là điều hành phát triển thuê bao đến tận trạm phát sóng với chỉ tiêu cụ thể hơn: hàng tháng tối thiểu 80% số trạm ở tỉnh phải có thêm mới 5 đến 10 thuê bao mới, không tính “vo tròn” số lượng thuê bao mới của cả tỉnh như trước.

Với cách điều hành rất chi tiết như vậy, từ cấp quản lý tỉnh cho đến nhân viên bán hàng trực tiếp bên dưới quận huyện phường xã đều phải làm rất chi tiết. Nếu như trước đây họ chỉ tập trung bán hàng ở nơi dễ, bỏ qua những chỗ khó khăn thì bây giờ phải đảm bảo độ phủ của kênh, độ phủ của hàng hóa ở khắp các khu vực.

Điều hành theo cách này sau 3 tháng, kết quả đạt được rất tốt. Cả bộ máy thấm nhuần văn hóa làm việc mới. Mục tiêu 80% các trạm phải có thuê bao mới nhưng thực tế thì 94% trạm đều có thuê bao tăng mới hàng tháng.

Điều làm nên cú đột phá của Viettel trong năm thứ 5 tại Myanmar - Ảnh 3.

Chợ dân sinh tràn ngập sắc cam Mytel tại Myanmar.

Thứ hai, thay đổi chiến lược khách hàng tập trung. Hồi đầu năm 2022, nhằm hạn chế sim rác, cơ quan quản lý của Myanmar ra chính sách tăng thuế trên 1 sim mới bán ra lên đến gần 10 USD/sim. Trước đây chỉ chưa đến 4 cent/sim.

Thích nghi với chính sách mới, thay vì bán đại trà số lượng lớn như trước, chúng tôi đưa ra gói cước mới, tập trung vào tập khách hàng có thu nhập tốt, khách hàng sinh sống ở thành phố, dân công sở văn phòng, hộ kinh doanh cá thể… là những người có khả năng chi trả cao. Đến hiện tại, chúng tôi đã có hơn 1 triệu khách dùng gói cước này với mức tiêu dùng bình quân cao gấp 3 lần so với toàn mạng.

Điều làm nên cú đột phá của Viettel trong năm thứ 5 tại Myanmar - Ảnh 4.

Một sản phẩm nổi bật của Mytel là hệ sinh thái số MyID được triển khai từ tháng 10/2019, hiện đã có 24 triệu người dùng, chiếm gần một nửa dân số Myanmar. Cùng thời điểm này năm ngoái, MyID mới có 15 triệu người dùng, làm thế nào mà trong vòng 1 năm đã tăng nhanh như vậy?

Nói chính xác là 24 triệu người đăng ký, 10 triệu người dùng hàng tháng và 5 triệu người dùng hàng ngày. Đây là con số “khủng khiếp” kể cả so với các app của Việt Nam.

Kết quả này đạt được là nhờ 2 yếu tố: Chiến lược và cách triển khai.

Về chiến lược, do Mytel là một nhà mạng nên khi bắt đầu triển khai MyID, bước 1, chúng tôi xây dựng tính năng lõi với mục tiêu chuyển đổi thuê bao di động Mytel sang sử dụng app MyID. Sau khi đã có một tập người dùng đủ lớn từ nhóm này, chúng tôi nghiên cứu hành vi để tìm cách thu hút tập khách hàng bên ngoài.

Thị hiếu của người Myanmar là rất thích chơi game trúng thưởng, “đói” data. Do đó, MyID được tập trung xây dựng thành một cổng game hub cho người dùng với rất nhiều game tương tác có yếu tố trúng thưởng, ví dụ 500MB hay 1GB Data, phút gọi miễn phí hoặc cơ hội trúng tiền ví điện tử hay điện thoại iPhone, ti vi thậm chí là ô tô.

Đến hiện tại, hàng tháng chúng tôi có tầm 3,5 - 4 triệu người chơi game trên MyID đem lại doanh thu rất tốt. Bên cạnh đó là nhiều chương trình marketing khác để thu hút người dùng.

Điều làm nên cú đột phá của Viettel trong năm thứ 5 tại Myanmar - Ảnh 5.

Ngay từ khi bắt đầu làm MyID, chúng tôi xác định là dù mình giỏi đến mấy cũng không thể cạnh tranh trực tiếp được với ông lớn quốc tế như Facebook hay Tiktok. Xác định sản phẩm là super app nội địa cho người dân Myanmar, chúng tôi đã cá thể hóa các tính năng giải trí số và nội dung phù hợp với văn hóa, sở thích người Myanmar. Và chiến lược cho MyID không phải là app dành riêng cho thuê bao Mytel, mà là app cho toàn bộ người dân có điện thoại di động, không phân biệt nhà mạng.

Chiến lược tốt là điều kiện cần nhưng cách triển khai thực tế mới là điều quan trọng. Chiến lược được tham khảo từ các bài học trên thế giới, người ta hoàn toàn có thể đặt ra chiến lược giống nhau nhưng sẽ có người thành công, có người thất bại vì khác nhau ở cách triển khai.

Với MyID hay MytelPay, chúng tôi triển khai các dự án này theo mô hình giống như các startup với đội dự án riêng có Giám đốc sản phẩm, hoạt động theo quy trình Agile (phát triển phần mềm linh hoạt, giúp thích ứng và phản hồi nhanh với sự thay đổi). Trước khi ra mắt một tính năng nào đó, chúng tôi đều phân tích số liệu, hành vi người dùng để quyết định nên điều chỉnh ra sao, nên ra tính năng mới như thế nào.

Sau khi ra mắt, ngay tuần đầu tiên, chúng tôi phải phân tích số liệu xem người dùng ưa chuộng tính năng nào, không dùng tính năng nào… rồi bộ phận chăm sóc khách hàng liên hệ với người dùng thường xuyên lấy ý kiến đóng góp. Từ đó chúng tôi biết được xu hướng của người dùng để điều chỉnh.

Nói tóm lại, linh hoạt, chi tiết, triệt để là cách triển khai giúp chúng tôi thành công với MyID.

Điều làm nên cú đột phá của Viettel trong năm thứ 5 tại Myanmar - Ảnh 6.

Tại thời điểm kỷ niệm 5 năm thành lập, nhìn lại thì những gì các ông đã làm được có đạt kỳ vọng đặt ra khi mới kinh doanh tại Myanmar hay không?

Chúng tôi đã vượt rồi. Kế hoạch kinh doanh trong 5 năm đầu tiên của đội dự án là 13 triệu thuê bao, đảm bảo đạt được thế kiềng 3 chân ở thị trường này. Nhưng hiện tại Mytel đã đạt 13,5 triệu thuê bao, và sẽ nhanh chóng đạt 14 triệu trong vài tháng tới. Cố định băng rộng đạt thị phần hơn 50%cũng là con số vượt kỳ vọng. MyID, MytelPay cũng vậy. Đặc biệt trong tình hình 2 năm qua gặp phải những khó khăn từ dịch bệnh Covid 19 và tình hình chính trị phức tạp nhưng thành tích của Mytel vẫn vượt những kỳ vọng đã đặt ra ban đầu.

Điều làm nên cú đột phá của Viettel trong năm thứ 5 tại Myanmar - Ảnh 7.

Đặt trong điều kiện kinh doanh bình thường, đây đã là những con số đáng nể. Đặt trong bối cảnh biến động chính trị với khó khăn gấp nhiều lần, nó lại càng là thành tựu lớn. Cảm giác của ông khi đạt được kết quả này?

Đầu tiên, cá nhân tôi và tập thể Mytel rất tự hào vì nỗ lực của mình đã đạt được kết quả. Điều tự hào đó giúp chúng tôi có thêm sức mạnh, quyết tâm, động lực để chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn này, hướng đến mục tiêu mới.

Chúng tôi phải cảm ơn nhiều người. Thứ nhất là cảm ơn các lãnh đạo đi trước, vì tôi không phải là người làm ở Mytel từ lúc mới khai trương dịch vụ, mới làm 4 năm thôi. Các anh đi trước đã để lại cho mình một di sản tuyệt vời, đó là bộ máy nhân sự, là văn hóa, là cách làm người lính của Viettel. Bộ máy rất năng động, cách làm rất chi tiết triệt để, văn hóa đoàn kết quyết liệt. Nhờ di sản đó mà Mytel mới có bộ máy đủ mạnh, đủ chuyên nghiệp để đạt được kết quả như trên dù 2 năm qua rất khó khăn.

Thứ hai, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của Tập đoàn, của các Tổng công ty ở trong nước và các đối tác của Mytel. Nếu chỉ có cá nhân tôi hay cá nhân nào ở Mytel thì không bao giờ đạt được những kết quả này.

Điều làm nên cú đột phá của Viettel trong năm thứ 5 tại Myanmar - Ảnh 8.

Từ con số 0 trở thành nhà mạng có 14 triệu khách hàng và là nhà mạng dẫn đầu cung cấp dịch vụ Internet băng rộng (cả di động và cố định) tại Myanmar, đúc kết lại, ông cho rằng Mytel sở hữu những sức mạnh nào để đạt được vị thế này?

Tôi có một vài đúc kết như sau.

Thứ nhất, chiến lược đúng. Trước khi định đầu tư hạ tầng để kinh doanh dịch vụ viễn thông ở Myanmar thì Viettel đã rất cân nhắc để quyết định chỉ đầu tư công nghệ 2G và 4G, không đầu tư 3G. Nhờ thế chi phí đầu tư vào Mytel ở thời điểm đó thấp hơn nhiều so với các nhà mạng đầu tư cả 2G, 3G và 4G. Chi phí vận hành khai thác hàng tháng cũng tốt hơn. Quyết định thời điểm đó là đi trước nhiều nước.

Thứ hai, chiến lược đầu tư hạ tầng bài bản, khác biệt. Khi Mytel xây dựng hạ tầng từ nhà trạm, data center hay cáp quang đều đầu tư xây dựng rất kỹ, rất bài bản với chất lượng tốt nhất. Vì vậy mà chất lượng dịch vụ của Mytel hơn hẳn đối thủ.

Đơn cử, tháng 5 vừa rồi có một cơn bão rất lớn ập vào tỉnh Rakhine, cơn bão có tốc độ 200km/giờ, lớn nhất trong vòng 15 năm qua tại Myanmar. Tàn phá toàn bộ tỉnh, nhà trạm và cột của các nhà mạng khác bị đổ, duy nhất Mytel thì không bị ảnh hướng đến cột và trạm.

Hay chiến lược với Super app, ví điện tử mà tôi vừa chia sẻ, đầu tiên chiến lược phải đúng. Và sau đó việc triển khai rất quan trọng. Khi nhìn tổng thể, phong cách triển khai của Viettel đã giúp Mytel thành công. Dù di động viễn thông hay dịch vụ số thì cách triển khai nhanh, quyết liệt, triệt để đã giúp Mytel luôn đi trước đối thủ.

Các nhà cung cấp, đối tác lớn trên thế giới đang hợp tác với cả 4 nhà mạng ở Myanmar, khi gặp chúng tôi vẫn nói rằng Mytel là đối tác ra quyết định nhanh nhất. Ra quyết định là triển khai thực hiện rất nhanh.

Và cuối cùng là sự đoàn kết, sáng tạo của tập thể CBCNV Mytel gồm cả người Việt và người Myanmar. Mặc dù ban tổng giám đốc, HĐQT của Mytel có cả người Việt và người Myanmar nhưng cách Mytel bàn, thống nhất và ra quyết định đều rất nhanh. Sự đoàn kết đồng lòng là lợi thế rất lớn của Mytel.

Cảm ơn ông!


Theo Trần Long

Tiền phong

Trở lên trên