MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN bảo hiểm không còn “làm màu”

11-09-2024 - 07:29 AM | Doanh nghiệp

DN bảo hiểm không còn “làm màu”

Trong chia sẻ gần đây, đại diện Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam nhấn mạnh 2024 có thể xem là năm chuyển mình của DNBH nhân thọ. Hầu hết các bên đều xúc tiến thay đổi chính mình sau sự cố ảnh hưởng đến niềm tin giai đoạn 2022-2023.

Năm 2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá có những tín hiệu phục hồi khả quan, dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5%. Khi nền kinh tế chung tăng trưởng ổn định, các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác cũng được kỳ vọng sẽ có sự phát triển tích cực, bao gồm các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).

Thực tế, ngành bảo hiểm đã chứng kiến đà tăng mạnh mẽ giai đoạn 2020 – 2022, trước khi gặp khủng hoảng niềm tin trong năm 2023. Hiện nay, những thách thức khách quan đến từ thiên thai, biến động kinh tế và sự bất ổn tài chính một mặt làm tăng nhu cầu về bảo hiểm, ngược lại cũng tăng rủi ro cho các công ty bảo hiểm, khiến họ phải đối diện với nhiều khiếu nại bồi thường hơn.

Riêng Việt Nam, hầu hết các bên đều đánh giá khả quan về thị trường trong cả năm 2024 và tương lai. Dù rằng, giai đoạn hiện tại là thời điểm các DNBH phải nỗ lực “làm mới” mình để lấy lại niềm tin nơi khách hàng, cũng như tồn tại được trong môi trường khá cạnh tranh.

Trong chia sẻ gần đây, đại diện Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam nhấn mạnh 2024 có thể xem là năm chuyển mình của DNBH nhân thọ. Hầu hết các bên đều xúc tiến thay đổi chính mình sau sự cố ảnh hưởng đến niềm tin giai đoạn 2022-2023, bao gồm thay đổi về sản phẩm, quy trình nghiệp vụ, cải thiện hợp đồng minh bạch hơn và dễ hiểu hơn cho khách hàng… làm sao đảm bảo tư vấn đủ cho khách hàng.

Chưa kể, Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân, thì xấp xỉ chỉ 10% dân số có hợp đồng bảo hiểm (đã bao gồm cả người có hơn 1-2 hợp đồng bảo hiểm). So với khu vực, đơn cử bên Singapore đến 70-80% dân số đã có hợp đồng bảo hiểm, thì cho thấy tiềm năng thị trường bảo hiểm Việt Nam rất lớn.

Việt Nam còn có tốc độ gia tăng giới trung lưu nhanh, nên việc chi cho bảo hiểm ngày càng tăng. Và cơn khủng hoảng 2022-2023, người ta cũng rà soát, coi lại bảo hiểm rất nhiều… từ đó gia tăng hiểu biết về bảo hiểm nhân thọ và cũng quyết định mua nhiều hơn trước.

Còn theo kết quả khảo sát chuyên gia, DNBH của Vietnam Report, 45,5% DNBH kỳ vọng sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm 2024. Dự báo, tổng tài sản của ngành ước tính đạt 1.004.421 tỷ đồng trong năm nay, tăng trưởng ấn tượng 9,97% so với năm 2023.

Dưới góc nhìn người trong cuộc, đại diện Prudential Việt Nam bày tỏ sự lạc quan của ngành. “Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm nhân thọ diễn ra nhiều biến động, sự ra đời đúng lúc của Luật Kinh doanh bảo hiểm mới được xem như ‘thời điểm vàng’ để toàn ngành bảo hiểm nhìn nhận đánh giá và cải tiến tốt hơn, hướng tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm nhiều hơn ”, phía Prudential Việt Nam nhận định.

Dù rằng, thách thức hiện nay của DN là phải đầu tư, rà soát lại hệ thống trong đó hướng tới khách hàng nhiều hơn. Nửa đầu năm, Prudential đã hợp tác chiến lược với Tập đoàn FPT, không chỉ chuyển đổi số hệ thống mà còn nhằm nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Theo đại diện, đã có 17 Giám đốc văn phòng tổng đại lý tham gia trong khóa học đầu tiên về tư duy doanh nghiệp, kỹ năng Quản trị chiến lược và kỹ năng Lãnh đạo… kỳ vọng giúp DN trụ vững trước những biến động của thị trường kinh doanh.

Đồng quan điểm, bà Tina Nguyễn - Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam – cũng bày tỏ: "Chưa bao giờ thị trường chuyển đổi nhanh như thế. Nếu việc chuyển đổi số, chuyển đổi digital… ngày xưa các bên sẽ làm từ từ, thì hiện nay các DN phải làm nhanh chứ không sẽ không tồn tại được”. Manulife Việt Nam trong vòng 12 tháng qua cũng đã hoàn thành rất nhiều dự án. Bao gồm: dự án giúp cho các tư vấn viên biết rõ là khách hàng khi ký hợp đồng bảo hiểm; quy trình xác thực thông tin và giám sát phát hành hợp đồng bảo hiểm M-Pro; công cụ tính toán quyền lợi bảo hiểm dành cho khách hàng; ứng dụng M-PA cho đội ngũ đại lý; nâng cấp bộ hợp đồng mới; nâng cấp dịch vụ tổng đài; rút ngắn thời gian giải quyết quyền lợi trung bình xuống 1,6 ngày…

Với Bảo Việt, Tập đoàn cũng dự báo tình hình kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong nửa cuối năm, và thị trường bảo hiểm cũng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn, tạo ra “cú huých” về chất lượng sản phẩm và khôi phục lại niềm tin thị trường. Hiện, Tập đoàn đang bước đầu thực hiện cổ phần hóa 2 công ty con là Bảo hiểm Bảo Việt (hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ) và Bảo Việt Nhân thọ (hoạt động trong lĩnh vực nhân thọ). Ngoài ra, trong năm nay, Tập đoàn cũng sẽ tăng vốn cho Bảo Việt Nhân thọ thêm gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn phát hành riêng lẻ năm 2019 để đảm bảo cán cân thanh toán, song số vốn tăng thêm này chỉ đủ trong giai đoạn 2024-2025.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:
Trở lên trên