MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổ tiền làm ô tô, cắn răng chịu lỗ mơ giấc mơ đẹp

Nhiều DN ô tô đang đầu tư tăng công suất lên gấp 2-3 lần so với hiện tại. Nguồn cung lớn, các mẫu xe mới ra đời, thị trường ô tô sẽ rất sôi động và hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều ông lớn ô tô vẫn cắn răng chịu lỗ.

Đổ tiền vào làm ô tô

Công ty Ford Việt Nam mới đây quyết định đầu tư thêm 82 triệu USD nâng công suất nhà máy ô tô tại Hải Dương từ 14.000 xe/năm lên 40.000 xe/năm. Dự kiến quý 2/2020 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và quý 2/2022 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của dự án. Ford Việt Nam cho biết, mỗi năm hãng sẽ đưa vào sản xuất lắp ráp một mẫu xe mới tại đây, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ngoài Ford Việt Nam, một loạt DN khác cũng đang trong quá trình đầu tư nhà máy mới hoặc nâng công suất nhà máy hiện có. Tháng 9/2019, Công ty Mitsubishi Việt Nam đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy ô tô thứ hai tại tỉnh Long An, công suất 50.000 xe/năm, với số vốn đầu tư 250 triệu USD.

Tập đoàn Thành Công đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô Hyundai mới tại tỉnh Ninh Bình, công suất giai đoạn 1 là 100.000 xe/năm. Toyota Việt Nam đang trong quá trình đầu tư nâng công suất tại nhà máy ở tỉnh Vĩnh Phúc lên 90.000 xe/năm, hoàn thành vào năm 2023.

Đổ tiền làm ô tô, cắn răng chịu lỗ mơ giấc mơ đẹp - Ảnh 1.

Các hãng xe trong nước đua nhau nâng công suất ô tô


Bên cạnh đó, các DN cũng đang đẩy mạnh đầu tư sản xuất linh kiện. Công ty Ô tô Trường Hải đã xây dựng chiến lược nội địa hóa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, Trường Hải có 12 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng, không chỉ cung cấp cho các DN trong nước mà còn xuất khẩu.Còn Công ty Trường Hải vừa đầu tư nâng công suất nhà máy ô tô Kia từ 20.000 xe/năm lên 50.000 xe/năm, tại tỉnh Quảng Nam. Trước đó, vào đầu năm 2018, Trường Hải đã đưa vào hoạt động nhà máy ô tô Mazda giai đoạn 1, công suất 50.000 xe/năm. Giữa năm 2019, Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng với công suất 250.000 xe/năm.

VinFast, TC Mortor, Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam,... cũng đẩy mạnh sản xuất linh kiện trong nước, để phục vụ cho lắp ráp xe và xuất khẩu. Các DN đều hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên.

Ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Kỹ sư Ô tô Việt Nam, cho rằng, dù hội nhập sâu rộng và thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0% nhưng nhiều DN vẫn quyết tâm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, khẳng định tiềm năng thị trường ô tô Việt Nam rất lớn.

Hiện tại nhiều DN ô tô có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2019 của Trường Hải cho thấy, doanh thu của công ty đạt 23.425 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế, tuy giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn đạt 1.703 tỷ đồng, với số lượng nhân viên lên tới 7.080 người.

Toyota Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt doanh số bán 37.064 xe, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 520 triệu USD và đạt lợi nhuận sau thuế hàng ngàn tỷ đồng. Số lượng nhân viên của công ty là 1.900 người.

Còn thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho thấy, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Ford Việt Nam hoạt động ổn định và hiệu quả. Hàng năm, lợi nhuận sau thuế đạt trên 1.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 700 lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 4.000 tỷ đồng.

Vẫn chịu lỗ, tiềm ẩn rủi ro

Các DN cho hay đầu tư mở rộng sản xuất là do nhu cầu tăng, trong khi quy mô hiện tại đã tới hạn và thị trường ô tô Việt Nam rất tiềm năng. Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt quy mô 750.000-800.000 xe, năm 2035 đạt từ 1,7-1,85 triệu xe. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, những khách hàng tiềm năng của dòng xe cá nhân.

Tuy vậy, đầu tư sản xuất ô tô cũng đang gặp phải những khó khăn lớn. Dự báo, năm 2019 kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt 3,4 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với 2018, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước. Ô tô nhập khẩu tăng trưởng mạnh, trong khi ô tô sản xuất trong nước tăng trưởng giảm. Chi phí sản xuất cao nên xe nội địa khó cạnh tranh với xe nhập khẩu về giá.

Chẳng hạn, Toyota Việt Nam quay lại lắp ráp mẫu Fortuner rất chật vật, giá bán vẫn cao hơn so với xe nhập khẩu, doanh số không như mong đợi. Còn VinFast lỗ hàng trăm triệu đồng với mỗi xe bán ra, như mẫu sedan Lux A2.0 phiên bản tiêu chuẩn, có giá vốn 980,6 triệu đồng. Khi bán ra, phải “gánh” thêm 412,1 triệu đồng tiền thuế, nâng tổng giá thành của lên 1,392 tỷ đồng. Nhưng Vinfast đang bán lẻ giá 1,099 tỷ đồng, chịu lỗ gần 300 triệu đồng/chiếc.

Các DN cho biết với xe nhập được hưởng ưu đãi thuế 0% tràn vào ngày càng nhiều thì đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô trong nước rất rủi ro. Chính phủ đã cam kết thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô với những chính sách đột phá, nhưng tới nay vẫn chưa thấy. “Chúng tôi hy vọng từ 2020 những chính sách này sẽ được ban hành, có như vậy nhà đầu tư mới yên tâm và ngành công nghiệp ô tô có thể phát triển hơn nữa”, Ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, kỳ vọng.


Theo Trần Thủy

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên