MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp chưa tận dụng hết lợi thế “1 mình 1 chợ” khi tham gia CPTPP

Sau gần 4 năm thực thi, tỷ lệ tận dụng những ưu đãi xuất xứ thực hiện trong CPTPP còn chưa cao, đặc biệt ở một số nhóm ngành hàng trọng điểm.

Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Tham gia CPTPP, các DN Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực thi, tỷ lệ tận dụng những ưu đãi xuất xứ của CPTPP còn chưa cao, đặc biệt ở một số nhóm ngành hàng trọng điểm. Điều này khiến DN Việt Nam chưa tận dụng hết tiềm năng lợi thế trong thời kỳ “1 mình 1 chợ” khi thực thi CPTPP.

Quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” làm khó dệt may

Bàn về nguyên nhân này tại tọa đàm “Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP”, do Tạp chí Công Thương thực hiện ngày 1/12, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) cho biết, trong số mà 7 nước đã ký CPTPP, Việt Nam hầu như đã có hiệp định song phương hoặc đa phương. Ví dụ như trong Hiệp định song phương giữa Việt Nam - Nhật Bản, điều kiện để hưởng thuế suất còn 0% giữa Việt Nam với Nhật Bản còn dễ hơn so với CPTPP.

“Quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” được quy định trong CPTPP đang khiến các DN dệt may gặp khó khăn, nhất là khi ngành dệt Việt Nam chưa có thể cung cấp được những nguyên liệu đầy đủ theo xuất xứ để được hưởng ưu đãi. Trong khi hiện nay, hầu hết DN dệt may đều phải sử dụng 43% - 45% nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc nên tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP chưa được cao”, ông Dương nêu.

Doanh nghiệp chưa tận dụng hết lợi thế “1 mình 1 chợ” khi tham gia CPTPP - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) chia sẻ thực tế của DN trong quá trình tham gia CPTPP.

Công nhận thực tế nhiều DN trong nước vẫn sử dụng ưu đãi từ các hiệp định song phương có sẵn nên chưa mặn mà với sử dụng C/O ưu đãi, bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, dệt may vẫn là nhóm hàng hiện nay tỷ lệ sử dụng C/O trong CPTPP thấp và gần như không tăng trong 3 năm vừa qua. Mặt hàng gỗ nội thất tỷ lệ tận dụng ưu đãi cũng còn rất thấp.

“Thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) trong CPTPP đối với một số mặt hàng chỉ chênh từ 1% - 2%, nên không đủ động lực cho các DN có thể đi xin C/O để tận dụng thuế ưu đãi này. Đối với hàng dệt may, do có quy tắc 3 công đoạn mang tính đặc thù được quy định trong CPTPP được coi là quy định khó nhất trong các FTA từ xưa đến nay, chính vì thế tỷ lệ tận dụng ưu đãi đối với hàng dệt may trong CPTPP còn đang khá thấp”, bà Hương nói.

Ngoài ra theo bà Hương, số lượng DN vừa và nhỏ của Việt Nam rất lớn, điều này khiến cơ hội để tiếp cận với thông tin, cơ hội được tiếp cận với cơ hội thị trường còn hạn chế, nên khả năng tận dụng ưu đãi sẽ không cao so với các DN lớn hơn.

Doanh nghiệp chưa tận dụng hết lợi thế “1 mình 1 chợ” khi tham gia CPTPP - Ảnh 2.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương).

Để tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP thời gian tới, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, các DN cần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu đối với những mặt hàng có tỷ lệ tận dụng ưu đãi tốt như rau quả, gạo, thủy sản… Bên cạnh đó, DN cần tập trung xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế từ FTA cũng như tận dụng lợi thế trong chuỗi giá trị.

“Bộ Công Thương đang có đề xuất slogan kiểu “kết nối để vươn xa hơn”. Thực tế thấy rằng, trong từng ngành hàng đều có hệ sinh thái từ cơ quan nhà nước, địa phương, DN cho đến những nhà cung cấp, các đối tác trong và ngoài nước nên cần phải kết nối được với nhau. Khi kết nối được các chủ thể trong hệ sinh thái, những vấn đề vướng mắc khi tận dụng ưu đãi từ CPTPP cũng như nhiều vấn đề khác sẽ có tiến triển tích cực trong thời gian tới”, ông Khanh nêu vấn đề.

Cho rằng các DN dệt may cần tăng khả năng để sử dụng được quy định của các FTA, ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ, hiện nay trong Cụm công nghiệp dệt may tại Phố Nối (Hưng Yên), Tập đoàn Dệt may có khu nhuộm, khu sợi đang dự kiến sẽ liên kết với 1 tập đoàn nước ngoài để thành lập liên doanh sản xuất nguyên liệu. “Đây là cách để thích ứng với quy tắc về nguyên liệu trong ngành dệt may. Ngoài ra, DN cũng tăng cường kết nối với các thị trường khác để cố gắng tận dụng công nghệ của họ, từ đó nhanh chóng cập nhật công nghệ mới cho DN mình”, ông Dương cho biết.

Doanh nghiệp chưa tận dụng hết lợi thế “1 mình 1 chợ” khi tham gia CPTPP - Ảnh 3.

Bà Đỗ Thu Hương đưa ra các giải pháp giúp DN tận dụng tốt hơn lợi thế của CPTPP.

Giải pháp tận dụng tối đa ưu đãi trong Hiệp định CPTPP nói riêng và các FTA nói chung, theo bà Đỗ Thị Thu Hương, các DN cần chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan từ các hiệp định mang lại. Đặc biệt, các DN cần quan tâm hơn đến những quy định về quy tắc xuất xứ để đáp ứng và hưởng ưu đãi thuế quan, trên cơ sở đó để xây dựng những cái chiến lược cũng như là kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

“Trước hết Bộ Công Thương mong muốn các DN tìm kiếm những kết nối với các nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước và trong khu vực có khả năng đáp ứng được quy tắc xuất xứ đối với nguồn nguyên vật liệu. Trong tiến trình này, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, ngành hàng và có trao đổi hai chiều để tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi”, bà Hương khẳng định.

Để tận dụng hết những ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nói chung và CPTPP nói riêng, đòi hỏi sự vào cuộc tổng lực của cả các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cũng như từ phía các DN, hiệp hội ngành hàng. Trong đó, vai trò chủ động và sẵn sàng vào cuộc của các DN vẫn luôn được đề cao hơn bao giờ hết để có thể khai thác tối đa lợi thế cũng như cơ hội ưu đãi từ CPTPP./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

Trở lên trên