MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp cũng "khóc" khi dừng cho vay tuần hoàn!

12-10-2016 - 08:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong kinh doanh, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng gặp thuận lợi về thị trường, khách hàng, nhà cung cấp, đối tác hay tình hình kinh tế trong và nước.

Điểm tích cực của việc dừng thực hiện cho vay mới để trả nợ trước hạn và/hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn (rollover) trong Công văn số 6960/NHNN-TTGSNN ngày 16/09/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là bức tranh nợ xấu, nợ quá hạn sẽ sáng rõ hơn. Cho vay đảo nợ và việc che giấu nợ xấu, nợ quá hạn sẽ phần nào bị hạn chế.

Những điều tích cực vừa nêu là xét trên bình diện của cả nền kinh tế nói chung và cho hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng, nhưng đối với những doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thì cũng khó khăn khi đón nhận thông tin này.

Vậy một số doanh nghiệp “khóc ròng” là vì những nguyên nhân nào?

Từ khái niệm về cho vay tuần hoàn

Pháp luật Việt Nam hiện hành không có một định nghĩa chính thức nào về cho vay tuần hoàn, cho nên sau khi các ngân hàng tiếp nhận các quy định trong Công văn 6960 đã có nhiều cách giải thích khác nhau. Thậm chí, có nhiều ngân hàng cho rằng, cho vay tuần hoàn chính là cho vay theo hạn mức tín dụng hay cho vay theo hạn mức thấu chi hay cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng theo Điều 16 trong Quy chế cho vay 1627 vào ngày 31/12/2001. Cho nên, nhiều ngân hàng đã tạm dừng các nghiệp vụ cho vay nói trên để chờ văn bản hướng dẫn cụ thể hơn của NHNN.

Việc tạm dừng cho vay theo các phương thức này đã ảnh hướng rất lớn đến các cam kết cấp tín dụng theo hạn mức mà ngân hàng đã phê duyệt cho doanh nghiệp cũng như việc các ngân hàng đã cấp hạn mức cho khách hàng thì nay phải đàm phán để chuyển đổi phương thức cho vay từ hạn mức qua từng lần sẽ làm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn so với kế hoạch mà họ đã đề ra từ trước.

Cho đến thời điểm này, các ngân hàng vẫn tự giải thích khái niệm về cho vay tuần hoàn theo cách hiểu của riêng ngân hàng mình và dừng những hợp đồng cho vay theo phương thức cấp hạn mức tín dụng có tính chất của cho vay tuần hoàn ẩn chứa việc che giấu nợ xấu và chuyển nợ quá hạn lẫn nhau trong hệ thống ngân hàng.

Do đó, trong thời gian tới, việc giải thích rõ ràng và cụ thể các quy định trong Công văn 6960 là cần thiết nhằm giúp các ngân hàng mạnh dạn trong hoạt động kinh doanh và từ đó tích cực hỗ trợ cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp được tốt hơn.

Doanh nghiệp không được vay theo hình thức tái tài trợ

Tái tài trợ là sản phẩm cho vay trung và dài hạn của ngân hàng để tài trợ lại các khoản vay trung dài hạn đang có của doanh nghiệp hoặc các cá nhân đang vay vốn hợp pháp và có tài sản đảm bảo tại tổ chức tín dụng (TCTD) khác có nhu cầu chuyển toàn bộ dư nợ tại TCTD đó. Hay nói một cách khác, cho vay tái tài trợ tức là việc ngân hàng này đưa ra nhiều chính sách tốt về lãi suất cho vay, khuyến mãi để lôi kéo khách hàng đang có khoản vay từ ngân hàng khác về ngân hàng của mình.

Trong thời gian qua, hầu như ngân hàng nào cũng có sản phẩm cho vay tái tài trợ. Với phương thức cho vay này, thì khách hàng sẽ có được quyền lợi là sẽ được vay với lãi suất thấp hơn và nhận nhiều khuyến mãi hơn khi hợp đồng vay vốn cũ đã kéo dài được vài năm. Nhưng khi hình thức vay món mới để trả nợ món cũ được yêu cầu phải dừng thì khách hàng không được vay theo hình thức tái tài trợ nữa. Cho nên, sau khi NHNN ban hành Công văn 6960 thì khách hàng không được chuyển món nợ vay từ ngân hàng này qua ngân hàng khác để hưởng mức lãi suất tốt hơn, đàm phán lại chu kỳ trả nợ và được hưởng nhiều hình thức khuyến mãi mới hấp dẫn hơn so với tại ngân hàng cũ.

Còn một trường hợp khác mà khách hàng cần tái tài trợ là khi giá trị tài sản đảm bảo lớn, khách hàng muốn vay thêm (ví dụ để mở rộng sản xuất kinh doanh) nhưng ngân hàng cũ không đồng ý. Trong trường hợp này, khách hàng cần một ngân hàng khác cho vay tái tài trợ để chuyển toàn bộ nợ vay và tài sản đảm bảo sang ngân hàng mới này, tất nhiên là sau đó có thể vay thêm dựa trên giá trị tài sản đảm bảo. Như vậy, cho vay tái tài trợ có thể giúp khách hàng giảm chi phí lãi vay, cải thiện dòng tiền trong tương lai. Nhưng khi áp dụng quy định mới thì khách hàng không thể thực hiện theo cách này mà vẫn phải ở lại với ngân hàng cũ với các quy định không thuận lợi.

Cho đến chu kỳ kinh doanh và dòng tiền tạm thời khó khăn

Trong kinh doanh, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng gặp thuận lợi về thị trường, khách hàng, nhà cung cấp, đối tác hay tình hình kinh tế trong và nước. Việc doanh nghiệp tạm thời khó khăn không giống với doanh nghiệp không kinh doanh hiệu quả trong thời gian dài hay không có dòng tiền ổn định và thậm chí doanh nghiệp đó phá sản.

Khó khăn tạm thời của doanh nghiệp có thể do:

Chu kỳ sản xuất kinh doanh có sự thay đổi đã khiến cho doanh nghiệp không tạo ra được dòng tiền như kế hoạch ban đầu để trả nợ cho ngân hàng, ví dụ như sự thay đổi xấu trong quá trình mua vật tư sản xuất, sản xuất sản phẩm, bán hàng hay thu tiền; từ đó làm cho dòng tiền của doanh nghiệp bị thay đổi theo quá trình không thuận lợi đó.

Điều kiện thị trường và chính sách pháp luật của Nhà nước thay đổi cũng làm cho doanh nghiệp khó khăn trong trả nợ ngân hàng trong thời gian ngắn, ví dụ như: nền kinh tế các nước tạm thời khó khăn làm cho việc xuất khẩu của doanh nghiệp không thuận lợi như trước hay khách hàng đã nhận hàng nhưng chậm trễ trong khâu trả tiền; hoặc chính sách pháp luật của Nhà nước thay đổi theo hướng phù hợp với chuẩn mực quốc tế cũng có thể làm cho doanh nghiệp khó thích ứng tức thời khi tiếp nhận các quy đinh pháp luật mới từ đó làm xáo trộn quá trình sản xuất kinh doanh và từ đó ảnh hưởng đến dòng tiền của họ.

Đối tác và khách hàng của doanh nghiệp không giữ đúng cam kết trong việc thanh toán cũng làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời về dòng tiền và từ đó họ sẽ khó trả nợ cho ngân hàng đúng thời hạn, mặc dầu đây là doanh nghiệp đang có kết quả kinh doanh tốt và dòng tiền ổn định.

Rủi ro về điều kiện tự nhiên: đặc biệt là cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp luôn trong tình trạng “được mùa mất giá” hay “được giá thì mất mùa”, doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro ngay trong dòng tiền và kéo theo ngân hàng bị rủi ro.

Từ đó, khi doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền thì ngân hàng cũng khó có khả năng thu hồi vốn và lãi đúng thời hạn trong hợp đồng cấp tín dụng. Việc chậm thanh toán lãi và gốc cho ngân hàng không phải do doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kém hiệu quả mà là do các yếu tố khách quan tác động đến doanh nghiệp như đã phân tích ở trên. Do đó, trong trường hợp này nếu ngân hàng không hỗ trợ kịp thời và quyết tâm thu hồi nợ theo đúng quy định trong công văn 6960 thì doanh nghiệp sẽ rất khó có khả năng hồi phục quá trình sản xuất kinh doanh và từ đó doanh nghiệp dễ dẫn đến nguy cơ phá sản và ngân hàng cũng phát sinh nợ xấu.

TS. Bùi Quang Tín

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên