Doanh nghiệp đầu tiên đưa gạch Việt Nam lên bản đồ giảm phát thải của Liên Hợp Quốc
Chủ tịch HĐQT Công ty Gạch Khang Minh Đặng Việt Lê luôn có niềm tin sâu sắc vào luật nhân quả và kiên định với mô hình Win – Win – Win, trong đó doanh nghiệp, khách hàng và môi trường cùng hưởng lợi.
- 09-10-2018HEINEKEN Việt Nam được vinh danh môi trường làm việc tốt nhất châu Á
- 26-09-2018Những lý do khiến Wipro Unza là môi trường làm việc đáng mơ ước bậc nhất châu Á
- 21-09-2018Domesco vào top “Doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất châu Á 2018”
- 13-09-2018Công nghệ "xe xanh" giải bài toán ô nhiễm môi trường vừa "cập bến" Việt Nam có gì đặc biệt?
Mỗi năm giảm 29.500 tấn khí thải CO2
Trong căn phòng họp nhỏ với chưa tới 10 bằng khen và cúp vàng, ông Đặng Việt Lê, nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Gạch Khang Minh, nhớ rõ từng thời điểm được trao những chứng nhận. Với ông, đây không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực của doanh nghiệp, mà còn là minh chứng sống động cho từng thời kỳ Khang Minh vượt qua khó khăn.
Chia sẻ về những lợi ích của gạch bê tông không nung với môi trường, ông Đặng Việt Lê nhớ đến Chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính (CERs) mà Liên Hợp Quốc đã trao cho Khang Minh từ năm 2012, chỉ sau 2 năm công ty bắt đầu sản xuất. Là một trong số ít doanh nghiệp tại Việt Nam được nhận chứng chỉ này, ông Lê tỏ ra rất tự hào.
"Ở Việt Nam, chứng chỉ giảm phát thải CO2 chỉ được trao cho 3 ngành nghề bao gồm thủy điện, trồng rừng và sản xuất gạch không nung. Khang Minh là đơn vị sản xuất gạch không nung đầu tiên của Việt Nam nhận được chứng chỉ này. Vị trí địa lý của doanh nghiệp được Liên Hợp Quốc định vị trên bản đồ thế giới với tọa độ chi tiết. Thông tin về Gạch Khang Minh cũng có sẵn trên trang web của Liên Hợp Quốc", ông Lê chia sẻ.
Theo đánh giá của tổ chức thẩm định được ủy quyền của Liên Hợp Quốc, với sản lượng sản xuất và bán hàng của Khang Minh hàng năm sẽ trực tiếp làm giảm 29.500 tấn khí thải CO2 ra môi trường.
Thành công nhờ đặt cược vào vật liệu "xanh" và noi gương tỷ phú Hòa Phát
Tốt nghiệp trường Kinh tế nhưng chọn con đường sản xuất vật liệu xây dựng, ông Lê chia sẻ: "Ngay từ khi khởi nghiệp, tôi đã rất ngưỡng mộ anh Long Hòa Phát (ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT HPG). Anh Long cũng tốt nghiệp trường Kinh tế và thành công bằng doanh nghiệp sản xuất, từ sản xuất đồ nội thất cho đến ống thép, thép xây dựng. Thành công của anh ấy là nguồn cảm hứng và động lực cho tôi. Trong hoạt động doanh nghiệp, tư duy tổ chức là điều quan trọng nhất, còn sản xuất ra sản phẩm gì thì không nhất thiết người chủ phải được đào tạo căn bản về sản phẩm hay ngành nghề đó".
Với ông Đặng Việt Lê, nhận thức và tư duy ấy đã được xây dựng ngay từ những ngày còn trên giảng đường khoa Marketing (khóa thứ 4 đào tạo về Marketing) của Đại Kinh tế Quốc dân. Kiến thức và kinh nghiệm thực tế giúp ông Lê hiểu rõ và luôn theo đuổi nguyên tắc "doanh nghiệp phải sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần". Bây giờ, không những doanh nghiệp phải bán cái thị trường cần mà còn phải đảm bảo được các giá trị xã hội khác, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường.
Quyết định làm gạch không nung được ông Đặng Việt Lê đưa ra trong bối cảnh gạch đất sét nung truyền thống gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường, trực tiếp làm hao mòn quỹ đất nông nghiệp. Quá trình sản xuất gạch đất nung sử dụng than đá thải ra lượng lớn khí CO2. Tuy nhiên, khi bước chân vào lĩnh vực gạch không nung, hiểu rằng mình đi lên từ con số 0 trong lĩnh vực vật liệu, ông Lê đặt trụ sở công ty ngay sát Viện Nghiên cứu Vật liệu xây dựng để "càng gần các chuyên gia càng tốt".
Trong khi đó, "gạch không nung được cấu thành từ mạt đá – vật liệu tận thu từ quá trình khai thác đá xây dựng; tro bay – phụ phẩm sinh ra từ các nhà máy nhiệt điện đốt than. Hơn 90% nguyên liệu sản xuất gạch không nung của Khang Minh là phụ phẩm công nghiệp, góp phần bảo vệ đất nông nghiệp và bảo vệ môi trường", ông Lê nói.
Nhằm khắc phục nhược điểm dễ thấm nước của gạch không nung truyền thống, Khang Minh sử dụng tro bay, với ưu điểm mịn và dễ lấp đầy các khe hở của vật liệu, để ngăn nước thấm qua. Sáng kiến này giúp doanh nghiệp tận dụng và xanh hóa 50.000 tấn tro bay, phế liệu của ngành nhiệt điện, mỗi năm.
Thiết kế 3 thành vách, 4 thành vách của gạch Khang Minh cũng giúp nó trở nên nhẹ, mỏng và chịu lực tốt hơn. Những viên gạch bê tông nhẹ, phù hợp với thể trạng chung của người Việt Nam, giúp công nhân dễ dàng thao tác trong quá trình xây dựng.
"Thời điểm tôi và cộng sự lên kế hoạch sản xuất gạch không nung trùng với thời điểm Chính phủ ký Quyết định 567 về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Việc đó như một cơ duyên và là một cơ hội lớn cho tôi", ông Lê chia sẻ.
Việc Chính phủ chỉ đạo phát triển gạch không nung đã mang đến cho Khang Minh nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung khác những cơ hội lớn. Đó cũng là động lực để những người như ông Đặng Việt Lê vững tin vào con đường phát triển, gắn liền lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng, xã hội của mình.
Hiện tại, gạch Khang Minh đang được các nhà thầu lớn và uy tín hàng đầu tại Việt Nam như Coteccons, Hòa Bình, Delta… sử dụng cho các công trình cao ốc. Lotte Center Hanoi, D’Palais De Louis của Tân Hoàng Minh hay nhiều dự án của tập đoàn Geleximco, EuroWindow… cũng sử dụng loại sản phẩm gạch này.
Niềm tin vào luật nhân quả và mô hình Win – Win - Win
Ông Lê khá hài lòng khi sản xuất gạch không nung vì nó giúp ông thực hiện những triết lý kinh doanh mà mình theo đuổi. Xây dựng doanh nghiệp với mô hình Win-Win-Win, ông Lê tin rằng người kinh doanh, người sử dụng và môi trường đều hưởng lợi từ sản phẩm này.
Đặt niềm tin sâu sắc vào luật nhân quả, ông Đặng Việt Lê tâm niệm rằng, suy nghĩ tốt đẹp sẽ định hướng cho hành động tốt đẹp. Hành động tốt đẹp mang đến những kết quả tốt. Đó cũng chính là những giá trị mà công ty theo đuổi đồng thời cũng là trọng tâm xuyên suốt hoạt động quản trị và điều hành của Khang Minh.
"Tôi đặt tên công ty là Khang Minh bởi chữ "Khang" nghĩa là mạnh mẽ, chữ "Minh" nghĩa là trí tuệ. Tôi mong muốn công ty phát triển bền vững dựa vào nền tảng từ trí tuệ, khoa học với cốt lõi là sản phẩm chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng và đảm bảo các lợi ích tốt đẹp cho xã hội", ông Lê cho biết thêm.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Kinh doanh tử tế
Xem tất cả >>- Quyết tâm chống "ô nhiễm trắng", doanh nhân Việt sáng tạo vải tái chế mới, mở thương hiệu thời trang hạng sang trên đất Mỹ
- LEGO – “Vệ sĩ” của trẻ em trên toàn thế giới
- Con gái Dr.Thanh: Câu chuyện truyền cảm hứng nhất của cha tôi là bán xe máy mua xe đạp!
- Sẵn sàng uống nước từ bồn cầu sau khi xử lý, đây là cách Bill Gates và quỹ từ thiện 50 tỷ USD của vợ chồng ông làm thay đổi thế giới
- Thành lập công ty để “trả nợ rừng”