MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp dệt may đề xuất bỏ quy định “luồng xanh”

Doanh nghiệp đề xuất bỏ quy định cấp mã QR-Code về “luồng xanh” trên phạm vi cả nước. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế quy định thống nhất từng loại giấy xét nghiệm.

Hiện nay, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/TTg và Chỉ thị 16/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, với cách làm chưa thống nhất giữa các địa phương đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao trong vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất và hàng hóa đi tiêu thụ.

Doanh nghiệp dệt may đề xuất bỏ quy định “luồng xanh” - Ảnh 1.

Cảnh tượng xe tải vận chuyển nguyên liệu hàng hoá tắc dài hàng km xuất hiện ở nhiều địa phương trong những ngày qua.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang đứng trước vô vàn khó khăn. Tình trạng thiếu hụt container cho cả hai chiều nhập khẩu và xuất khẩu. Cùng với đó, việc lưu thông hàng hóa trong nội địa hiện nay rất vất vả. Do chưa thống nhất giữa các địa phương, nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển nguyên vật liệu nhập khẩu từ cảng về May 10, rồi phân phối vận chuyển đi các xí nghiệp thành viên ở các tỉnh và hàng hóa thành phẩm chuyển từ các tỉnh về May 10 ở Hà Nội để xuất khẩu, đi qua tỉnh nào thì gặp chốt ở tỉnh đó.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải đang “đòi" tăng giá cước lên 20%, trong khi May 10 vẫn phải chi trả những chi phí khác như xét nghiệm cho lái xe…

"Một lần test PCR chỉ được 72 giờ, trong khi đó xe lưu thông hàng hóa cũng phải mất khoảng 2-3 ngày. Tức là lái xe sẽ phải test COVID-19 ở cả chiều đi và chiều về, rất tốn kém, chưa kể thời gian chờ đợi để test và lấy kết quả khá lâu. Do đó, mọi chi phí tăng lên và thời gian vận chuyển lâu hơn”, ông Việt cho hay.

Câu chuyện tương tự với Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang hiện đang đẩy nhanh tiến độ để kịp trả đơn hàng cho đối tác. Thế nhưng đến nay, công ty này đã phải xin gia hạn giao hàng đến một tháng vì phải tạm dừng hoạt động gần 3 tuần để phòng chống dịch COVID-19.

Dù vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang cho biết, nguy cơ tiếp tục trả đơn hàng chậm, thậm chí hủy đơn hàng vẫn có thể xảy ra.

Lý do là vừa qua, ngày 24/7, công ty cần 8 xe container để chở hàng xuất và nhập khẩu đi về giữa Bắc Giang – Hải Phòng nhưng phía đối tác vận tải chỉ thu xếp được 5 xe do khó khăn về thủ tục khi qua các chốt kiểm dịch tại tỉnh Hải Dương.

Doanh nghiệp dệt may đề xuất bỏ quy định “luồng xanh” - Ảnh 2.

Doanh nghiệp dệt may đề xuất bỏ quy định chỉ hàng hoá thiết yếu mới được lưu thông.

Bởi thực tế này, trong công văn mới đây gửi VPCP, Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã đề cập những khó khăn, vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp trong ngành khi việc thực hiện quy định chống dịch không thống nhất giữa các địa phương.

Theo đó, VITAS cho biết việc thực hiện mỗi nơi một kiểm làm cho doanh nghiệp, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí và gây ách tắc, nhất là trong khâu vận chuyển hàng hoá.

Cụ thể, việc phân “luồng xanh” nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng do mạng bị “nghẽn” hoặc “hacker” tấn công lại gây ách tắc.

Cùng với đó, vấn đề giấy xét nghiệm giữa các điạ phương không thống nhất dùng giấy xét nghiệm test nhanh hay test nhanh kháng nguyên hay xét nghiệm PCR và thời gian có giá trị là bao lâu. Quy định thế nào là hàng hoá thiết yếu cũng được “mỗi nơi hiểu một kiểu” và tạo ra ách tắc.

Do đó, VITAS đề xuất bỏ quy định cấp mã QR-Code về “luồng xanh” trên phạm vi cả nước. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế quy định thống nhất từng loại giấy xét nghiệm và thời gian hiệu lực của mỗi loại, khi lái xe lưu thông qua các tỉnh thì dùng loại nào để các địa phương thống nhất thực hiện.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất bỏ quy định chỉ hàng hoá thiết yếu mới được lưu thông, thay vào đó là cho phép lưu thông hàng hoá như trong điều kiện bình thường nếu đảm bảo phòng chống dịch, trừ những hàng hoá cấm kinh doanh hoặc những hàng hoá hạn chế kinh doanh theo quy định ví dụ như ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương ngày 27/7 mới đây.

Bởi theo VITAS, nếu thực hiện mục tiêu kép mà hàng hoá xuất khẩu, nguyên phụ liệu nhập khẩu không được phép lưu thông thì không biết thực hiện mục tiêu này thế nào.

Theo Thy Hằng

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên