MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp đổi tên, cổ phiếu MCG gấp gần 5 lần trong 3 tháng

02-12-2021 - 16:05 PM | Doanh nghiệp

Cổ phiếu MCG có đà tăng mạnh từ vùng 2.000 – 3.000 đồng/cp lên 14.000 đồng/cp trong 3 tháng qua. Doanh nghiệp vừa hoàn tất thủ tục đổi tên thành Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản MCG. Các dự án thủy điện và điện mặt trời của MCG E&R bị trễ hẹn nhiều năm nay trong khi bất động sản không có dự án mới.

Cổ phiếu tăng nóng, cổ đông lớn thoái vốn

Doanh nghiệp đổi tên, cổ phiếu MCG gấp gần 5 lần trong 3 tháng - Ảnh 1.

Nguồn: TradingView

Đi kèm với đó là thanh khoản dần được cải thiện, từ chỉ có vài chục nghìn đơn vị giao dịch mỗi phiên nay đã tăng lên hàng triệu đơn vị. Trong nửa tháng qua, cổ phiếu MCG ghi nhận từ 1 triệu đến 3 triệu đơn vị giao dịch mỗi phiên, riêng phiên ngày 1/12 có hơn 6 triệu đơn vị khớp lệnh, tương đương 11% vốn.

Trong bối cảnh cổ phiếu tăng nóng, cổ đông lớn La Mỹ Phượng vừa bán ra 100.000 cổ phiếu giảm sở hữu từ 4,2 triệu đơn vị xuống 4,1 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu giảm từ 8,1% xuống 7,88%. Cổ đông lớn Phan Hải Hà bán ra 130.000 cổ phiếu giảm sở hữu xuống 2,86 triệu đơn vị (4,96% vốn), không còn cổ đông lớn từ 20/10.

Một cổ đông lớn khác, nhà đầu tư Smit Cheancharadpong (Thái Lan) bán 645.600 đơn vị, giảm sở hữu xuống 1,95% vốn, tương đương 3,74% vốn. Ngày không còn cổ đông lớn là 24/9.

Chuyển động mới nhất tại MCG là HĐQT công ty vừa thực hiện lấy ý kiến và đã được cổ đông thông qua đổi tên từ Công ty cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (Meco) thành Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản MCG (MCG E&R), ngày thay đổi có hiệu lực từ 2/11.

Dự án trễ hẹn nhiều năm, mảng điện suy giảm

MCG tiền thân là xưởng sửa chữa máy kéo được thành lập từ 1956, cổ phần hóa từ 2004 và niêm yết trên thị trường chứng khoán từ 2009. Từ nền tảng chính trong lĩnh vực xây lắp và chế tạo sản phẩm cơ điện, từ năm 2018, doanh nghiệp dần tập trung vào 2 lĩnh vực chính là năng lượng và bất động sản. Việc đổi tên là để phù hợp với định hướng này.

Ở lĩnh vực điện năng, doanh nghiệp đầu tư dự án Thủy điện Nậm Hóa 1 công suất 18 MW và Thủy điện suối Choang công suất 4 MW, được dự kiến đưa vào vận hành khai thác cuối năm nay. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chuẩn bị đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 11.1 công suất 50 MW tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Tổng mức đầu tư khoảng 1.113 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty tiến hành khảo sát dự án điện gió và thủy điện ở tỉnh Cao Bằng.

Với mảng bất động sản, MCG E&R có dự án xây dựng khu nhà ở cao tầng và văn phòng 102 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội. Dự án được mở bán từ 2011 và hoàn thành bàn giao từ 2013. Nhiều năm nay, doanh nghiệp vẫn đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để xin chuyển đổi chức năng tòa nhà văn phòng HH1B sang nhà ở để bán, trình phê duyệt làm chủ đầu tư trường học trên ô đất 3.000 m2 tại dự án 102 Trường Chinh.

Nhìn chung các dự án của MCG E&R đều trễ hẹn nhiều năm. Như dự án Thủy điện Nậm Hóa 1 dự kiến phát điện 2018 và điện mặt trời Hồng Phong 11.1 là năm 2019, trong khi dự án mở rộng tại 102 Trường Chinh từ 2017 đến nay vẫn xin chủ trương đầu tư.

Do vậy, doanh thu các năm qua của doanh nghiệp chủ yếu đến từ kinh doanh hàng hóa và xây lắp, lĩnh vực điện giảm dần tỷ trọng đóng góp từ 26% năm 2018 xuống 8% năm 2020.

9 tháng năm nay, đơn vị ghi nhận doanh thu 98 tỷ đồng, tăng 14,7%; lỗ gộp 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 12 tỷ đồng. Lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 17,3 tỷ đồng, giảm so với mức lãi 2 tỷ cùng kỳ.

Riêng quý III, doanh thu giảm sâu từ 41 tỷ về 6,7 tỷ đồng do chỉ có mảng điện đem lại nguồn thu trong khi mảng xây lắp và bán hàng hóa không có. Lãi gộp 2 tỷ đồng, giảm 21%; sau khi trừ đi chi phí đơn vị lỗ ròng 1,7 tỷ đồng.

Công ty lý giải dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức thi công cũng như nghiệm thu thanh toán. Đồng thời, dự phòng tổn thất đầu tư vào công ty liên kết lớn dẫn đến lợi nhuận sụt giảm, đây là khoản trích lập cho thủy điện Nậm Hóa không có nước nên phát điện cho doanh thu thấp không đủ bù đắp chi phí khấu hao và lãi vay ngân hàng.

Với kết quả kinh doanh không khả quan nhiều năm, MCG ghi nhận lỗ lũy kế 348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 223 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ 575 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đổi tên, cổ phiếu MCG gấp gần 5 lần trong 3 tháng - Ảnh 2.

Đơn vị: tỷ đồng


Doanh nghiệp vay nợ thấp chỉ hơn 16 tỷ đồng nhưng phải trả lớn 230 tỷ đồng, bao gồm 109 tỷ phải trả ngắn hạn và 123 tỷ phải trả dài hạn khác. MCG có quy mô tài sản 873 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Đơn vị không có nhiều tiền, tài sản tập trung vào khoản phải thu 410 tỷ đồng, công ty liên doanh liên kết 185 tỷ đồng, hàng tồn kho 138 tỷ đồng và bất động sản đầu tư 104 tỷ đồng.

Khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết lớn nhất của MCG là Công ty Đầu tư Thủy điện AnPha với 206 tỷ đồng, tỷ lệ lợi ích và biểu quyết 46%. Công ty này là chủ đầu tư dự án thủy điện Nậm Hóa 2 công suất 8 MW đã phát điện nhiều năm nhưng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng nước về hồ giảm sút nghiêm trọng từ đầu 2020.

Theo Ngọc Điểm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên