Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng xanh
Sáng 17/3, tại Hà Nội, đã diễn ra phiên họp cấp kỹ thuật của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF).
- 17-03-2023Toàn cảnh thị xã đông dân nhất Việt Nam sắp lên thành phố
- 17-03-2023Công ty Đại Dương tự ý chiếm hơn 9ha đất, thu lợi hơn 1,1 tỉ đồng
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhưng có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Bằng chứng là chúng ta đã sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh. Năm 2012, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu trên, sự bắt tay, hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Đây cũng là nội dung chính trong phiên kỹ thuật của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 (VBF) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức ngày 17/3.
Chủ đề bao trùm của diễn đàn năm nay là "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh". Tại sự kiện, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đã chia sẻ các mô hình kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào khung pháp lý, nhằm phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Báo QĐND
Với lĩnh vực nông nghiệp, tại COP26, Việt Nam cam kết bảo đảm tăng trưởng sản xuất và bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, tham gia chuỗi giá trị và chuỗi lương thực toàn cầu. Những cam kết đó phải được thể hiện bằng hành động cụ thể của người nông dân, các nhà sản xuất trực tiếp tham gia vào ngành.
Ông David John Whitehead - Chủ tịch Tập đoàn Mavin, Trưởng nhóm Doanh nghiệp Nông nghiệp VBF cho biết: "Việc chuyển đổi sang các mô hình canh tác quy mô lớn cần được thúc đẩy tích cực hơn, nhằm cải thiện việc quản lý chất lượng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm, cải thiện truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Năm 2023, Việt Nam cũng cần thúc đẩy hoạt động của các hợp tác xã, phát triển chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và quảng bá du lịch nông nghiệp. Tất cả sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài được đổi mới sáng tạo khi tham gia ngành nông nghiệp tại Việt Nam".
Trong lĩnh vực năng lượng, năm 2021, Việt Nam xếp thứ 65 trong số 115 quốc gia về mức độ sẵn sàng chuyển dịch năng lượng, với số điểm 54 - mức trung bình toàn cầu. Điều này cho thấy Việt Nam còn dư địa để đẩy mạnh quá trình này. Trong tờ trình về Quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương đã tính toán cơ cấu nguồn điện để chuyển dịch mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo.
Các doanh nghiệp kiến nghị, cần xây dựng cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời , điện gió chuyển tiếp hợp lý, trên cơ sở tính toán khoa học, hài hòa giữa các bên.
Với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh", hội nghị hôm nay là phiên khởi động và cũng là tiền đề cho Phiên cấp cao - Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 19/3.
VTV