MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp được gì khi áp dụng công nghệ xanh?

08-11-2023 - 07:47 AM | Tài chính - ngân hàng

Doanh nghiệp được gì khi áp dụng công nghệ xanh?

Trong thời đại ngày nay, công nghệ thông tin (CNTT) đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động vận hành và phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thống kê cho thấy vận hành các ứng dụng CNTT cũng tạo một lượng khí thải không nhỏ ra môi trường, chiếm khoảng 3% tổng lượng khí thải CO2 và được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030.

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hệ thống Toàn cầu (PIK), dữ liệu lớn (big data) và điện toán đám mây (cloud computing) sẽ tiêu thụ khoảng 13% tổng năng lượng điện toàn cầu vào năm 2030, gấp ba lần so với năm 2018. Điều này cũng gián tiếp gây ra sự gia tăng khí thải carbon và nhiệt độ toàn cầu. Thống kê của Statista chỉ ra rằng dữ liệu lớn và điện toán đám mây chiếm khoảng 2% tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, theo một báo cáo của PwC, AI có thể góp phần giảm 4% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 nhờ việc tối ưu hóa các quy trình sản xuất, vận tải và năng lượng (2). Tuy nhiên, AI cũng tiêu thụ nhiều năng lượng để huấn luyện các mô hình và thuật toán phức tạp. Một nghiên cứu của Đại học Massachusetts đã chỉ ra rằng huấn luyện một mô hình AI có thể tương đương với lượng khí thải carbon của 5 xe ô tô trong suốt vòng đời của chúng.

Thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, máy tính bảng,… cũng gây ra ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất, sử dụng và loại bỏ. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vào năm 2019, đã có khoảng 53,6 triệu tấn rác điện tử được sinh ra trên toàn thế giới, trong đó chỉ có 17,4% được thu gom và tái chế. Theo báo cáo tiến trình về môi trường năm 2023 của Apple, lượng khí thải từ hoạt động sản xuất các sản phẩm điện tử chiếm khoảng 66% tổng lượng khí thải của họ.

Có thể thấy, ứng dụng Công nghệ thông tin xanh (Green IT) là xu thế tất yếu của doanh nghiệp trước thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu. Một số ví dụ về ứng dụng Công nghệ xanh bao gồm:

Thiết kế, sản xuất và tái chế các thiết bị điện tử một cách tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, giảm lượng khí thải nhà kính và rác thải rắn; Sử dụng các công nghệ mới như chip năng lượng thấp, hệ thống đa xử lý tối ưu hóa cho trí tuệ nhân tạo, cấu trúc phân tán và đa dạng hóa để cải thiện hiệu suất và tiết kiệm điện năng; Chuyển đổi từ các trung tâm dữ liệu truyền thống sang các trung tâm dữ liệu đám mây hoặc lai, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng các giải pháp làm mát hiệu quả.

Lợi ích của việc ứng dụng Công nghệ xanh đối với doanh nghiệp

Thứ nhất, ứng dụng Công nghệ xanh giúp giảm lượng khí thải CO2 đồng thời giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp. Khi hạn chế sử dụng máy chủ riêng lẻ và tối ưu việc sử dụng đám mây, lượng khí thải sẽ giảm bớt và chi phí sẽ được tối ưu hơn. Chuyển đổi từ các trung tâm dữ liệu truyền thống sang các trung tâm dữ liệu đám mây hoặc kết hợp giúp doanh nghiệp để tối ưu hóa các quy trình làm mát và tiết kiệm năng lượng đáng kể. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên đầu tư cho các thiết bị và phần mềm có hiệu suất cao để giảm lượng điện năng tiêu thụ và chi phí bảo trì.

Thứ hai, thúc đẩy việc triển khai Công nghệ xanh giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc ứng phó với các quy định pháp lý của chính phủ về chuyển đổi xanh. Thỏa thuận xanh châu Âu của Liên minh châu Âu (EU) đã được ban hành với các quy định về Mua sắm công xanh (GPP), trong đó tiêu chí Công nghệ xanh sẽ áp dụng cho cả các gói đấu thầu công và tư. Thỏa thuận xanh châu Âu cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và ASEAN vì nó thể hiện cam kết và quyết tâm của EU trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải. Những doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc mở rộng hợp tác và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Thay đổi và định hình lại toàn bộ chuỗi giá trị CNTT với việc ứng dụng công nghệ thông tin xanh đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hoá các mục tiêu chuyển đổi xanh và trung hoà carbon vào năm 2050 của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được gì khi áp dụng công nghệ xanh? - Ảnh 1.

Thứ ba, những doanh nghiệp đi đầu trong việc ứng dụng Công nghệ xanh sẽ đáp ứng kỳ vọng và tăng sự hài lòng của khách hàng. Thị trường và hành vi tiêu dùng liên quan đến tính bền vững và bảo vệ môi trường đã thay đổi. 73% Gen Z sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm bền vững so với Millennials (68%), 88 % người tiêu dùng mong muốn sử dụng những thương hiệu tuân thủ chặt chẽ các giá trị xanh trong cuộc sống hàng ngày (3). Vì vậy, thúc đẩy Công nghệ xanh giúp doanh nghiệp gia tăng sự hài lòng và gắn kết đối với các thế hệ người tiêu dùng trong bối cảnh tiêu dùng xanh đang trở thành xu thế.

Thứ tư, thể hiện trách nhiệm đối với môi trường đem lại lợi thế cho doanh nghiệp trong việc thu hút nhân tài và nâng cao sự gắn kết đối với nhân viên. Ứng dụng và thúc đẩy Công nghệ xanh tạo ra một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo và cải tiến trong việc áp dụng các công nghệ xanh và bền vững. Một doanh nghiệp đạt được các mục tiêu ESG hiệu quả sẽ thu hút và giữ chân các nhân tài của mình tốt hơn, đặc biệt là thế hệ Gen Z.

Công nghệ xanh là một xu thế tất yếu cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Bằng cách ứng dụng Công nghệ xanh, doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động công nghệ thông tin lên môi trường, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự hài lòng của khách hàng, thu hút nhân tài và góp phần hiện thực hoá các mục tiêu chuyển đổi xanh và trung hoà carbon của chính phủ. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có một lộ trình chuyển đổi rõ ràng cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực và quyết tâm mạnh mẽ từ phía ban lãnh đạo.

Nguồn: Tổng hợp

Tổng hợp bởi nhóm tác giả DTSVN - Giải pháp chuyển đổi số ngành Tài chính - Ngân hàng.

Theo Minh Phương (ghi)

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên