MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng đầu tư vào thị trường bán dẫn Việt Nam

Doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng đầu tư vào thị trường bán dẫn Việt Nam

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ) đã tổ chức hội thảo đầu tư kinh doanh trực tuyến Việt Nam - Hàn Quốc. Tại đây, các nhà đầu tư Hàn Quốc bày tỏ ý định sang Việt Nam để khảo sát, xem xét đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện đang băn khoăn về vấn đề nhập cảnh, cũng như cách ly phòng dịch. Tại đây, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh, thế giới không có nhiều doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn. Đây là lĩnh vực được ưu ái đặc biệt.

Doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng đầu tư vào thị trường bán dẫn Việt Nam - Ảnh 1.

Về vấn đề quy định phòng chống Covid-19 và nhập cảnh, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho hay: "Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ xin cơ chế đặc biệt liên quan đến cách ly và nhập cảnh". Thời gian qua, Việt Nam đã đón một đoàn công tác từ Tập đoàn Samsung và một đoàn các doanh nghiệp Áo được nhập cảnh theo diện được hỗ trợ thăm khảo sát thị trường Việt Nam.

Ông Đỗ Nhất Hoàng phát biểu: "Chúng tôi rất hoan nghênh các dự án của Hàn Quốc, đặc biệt các dự án có hàm lượng công nghệ cao. Hai nước đã ký FTA và theo đó, định hướng thu hút đầu tư theo hướng chọn bỏ, nghĩa là ngoài những lĩnh vực bị cấm ra thì nhà đầu tư Hàn Quốc được đầu tư như bình thường".

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thông tin, năm 2020, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn đạt gần 4 tỷ USD, đứng thứ 2 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Lũy kế đến hết quý 1/2021, Hàn Quốc có hơn 9.000 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 71,5 tỷ USD, đứng thứ nhất cả về tổng vốn đầu tư đăng ký và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, thời gian qua Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Điển hình, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, cùng các nghị định và thông tư hướng dẫn được ban hành đã góp phần hình thành khung khổ pháp lý mới cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Việt Nam cũng đang thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm đất đai, năng lượng, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao; dự án có ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; dự án có tác động lan tỏa tích cực tới các doanh nghiệp trong nước, kết nối các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết: "Đây cũng chính là những thế mạnh doanh nghiệp Hàn Quốc. Sự hợp tác đầu tư này có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau và cùng phát triển". Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tần suất các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm thị trường Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, công nghệ cao và phát triển xanh.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên