Doanh nghiệp 'khát' nhân lực chất lượng cao
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp có dấu hiệu tăng. Tuy nhiên vấn đề nhân lực, nhân lực tay nghề cao đang là vấn đề đau đầu của nhiều doanh nghiệp.
- 14-10-2023Kinh tế Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để tạo cú bật mới
- 14-10-2023TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và tiếp nhận vốn xây cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
- 14-10-2023Bến Tre hoàn thành 2 công trình thủy lợi có quy mô lớn trước khi mặn xâm nhập
Ông Lê Quý Thành - Giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang cho biết, khi đầu tư dây chuyền sản xuất mới gồm các máy miết tạo hình kim loại tấm sử dụng công nghệ CNC, cùng một số máy gia công chính xác CNC và công nghệ hàn robot..., TOMECO An Khang không tìm đâu ra lao động đứng máy, nên phải tuyển các kỹ sư có chuyên môn phù hợp, dù việc đào tạo kỹ sư không nhằm trực tiếp vận hành những máy móc như vậy.
Cũng theo ông Thành, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có tính chuỗi, hệ thống và chuyên nghiệp cao, do đó, nhân lực của ngành phải có nhiều kiến thức, am hiểu để đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu của chuỗi. Ngoài ra, nhân sự phải bảo đảm đủ năng lực vận hành hệ thống số để đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp (DN).
Ông Phùng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Manutronic Việt Nam cũng cho biết, ngành điện tử cũng cần nhiều nhân lực chất lượng cao vì đó là yếu tố sống còn DN nếu muốn tham gia vào chuỗi. Trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn, vừa tạo ra cơ hội và có cả thách thức, trong đó là sự đáp ứng được những yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao từ phía đối tác. Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giá trị cốt lõi có thể quyết định sự thành công, nắm bắt được cơ hội.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương) Cao Văn Bình, số lượng lao động có tay nghề cao trong các ngành công nghiệp, CNHT hiện nay rất hạn chế so với nhu cầu. Việc đào tạo kỹ sư chế tạo ở các trường đại học thường ít hơn các ngành khác; nhiều DN trong nước chưa gắn kế hoạch phát triển nguồn nhân lực với các trường đại học, cao đẳng...
“Việc thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề cao khiến nhiều DN tốn không ít nguồn lực, chi phí đào tạo lại sau khi tuyển dụng nhằm phù hợp với mục tiêu sản xuất, kinh doanh của mình” - ông Bình nói.
Chính vì vậy, để giải quyết bài toán chất lượng nhân lực cho lĩnh vực CNHT cần tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo với DN. Cần xây dựng cơ chế, ưu đãi khuyến khích, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và DN, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và tăng cường sự tham gia của DN trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Cùng với đó, cần quy hoạch lại tổng thể để phân bố và xác định quy mô không gian phát triển công nghiệp theo địa phương, vùng miền, qua đó tái cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đồng thời, trong bức tranh tổng thể cũng cần thêm các chính sách tạo điều kiện cho DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
Đại diện Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp cho rằng, cần có sự phối hợp chia sẻ thông tin từ phía các DN với các cơ sở đào tạo về nhu cầu tuyển dụng trong quá trình phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, mức độ tiền lương hoặc kinh phí chi trả của DN do chưa hấp dẫn cũng dẫn đến hạn chế trong tuyển dụng được lao động chất lượng cao. Do vậy, các DN cũng cần có các cơ chế, giải pháp để làm sao thu hút được nhiều hơn nguồn nhân lực chất lượng cao này phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của mình.
Đại đoàn kết