Doanh nghiệp khó xoay sở với giá xăng dầu, nguyên phụ liệu
Biến động tăng của giá nhiên liệu, nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu khó khăn và khan hiếm đang khiến nhiều ngành hàng sản xuất, chế tạo chế biến gặp nhiều khó khăn.
- 03-06-2022Bên lề Quốc hội: Ngân sách sẽ thất thu hơn nếu không giảm thuế để "ghìm" giá xăng dầu
- 03-06-2022Chuyên gia hiến kế kìm giá xăng dầu: "Có thể lấy phần vượt thu từ dầu mỏ đưa vào quỹ bình ổn"
- 03-06-2022Xăng dầu Malaysia khó xuất khẩu rẻ vì chính sách trợ giá chỉ dành riêng cho người bản địa
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 5 tháng đầu năm tương đối thuận lợi, song đứng trước thực tế biến động tăng của giá nhiên liệu, nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu khó khăn và khan hiếm đang khiến nhiều ngành hàng sản xuất, chế tạo chế biến gặp nhiều khó khăn.
Ở khía cạnh giá nguyên liệu, trong 2 tháng qua nói riêng và tính chung từ đầu năm 2022, giá xăng dầu liên tục tăng mạnh đã và đang tác động đến các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp (DN), trong đó có chi phí vận chuyển từ xưởng sản xuất, nguyên liệu, chi phí chạy dầu của nhiều máy móc thiết bị... Giá xăng dầu đang tạo thêm áp lực đè nặng lên DN.
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho hay, giá xăng dầu liên tiếp tăng khiến các nhà cung cấp đã thông báo tăng giá nguyên vật liệu trong thời gian tới từ 15-20% tùy chủng loại sản phẩm. Trong khi đó, DN rất khó có thể tăng giá các sản phẩm ra thị trường ở mức tương ứng. Ngoài ra, nếu tăng giá DN cũng sẽ đối mặt với việc mất khách hàng.
Theo ông Kết, mặc dù DN đã chủ động trong điều tiết dòng tiền, dự trữ lượng hàng sản xuất tồn kho nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi quy mô DN nhỏ, nguồn tài chính hạn chế. Trước mắt, DN đang từng bước cải tiến về công nghệ, giảm chi phí sản xuất để thích nghi với bối cảnh giá, chi phí hiện nay.
“Với giá dầu tăng mạnh như hiện nay khiến chi phí DN nhìn chung bị đội lên khoảng 20-25% bao gồm cước vận chuyển, chi phí nguyên phụ liệu sản xuất. DN chưa thể tăng giá sản phẩm ngay, nhưng thời gian tới, chắc chắn sẽ phải tính toán để đưa vào cơ cấu giá thành sản xuất. DN rất mong nhà nước, các Bộ, ngành có những giải pháp để ổn định hoặc giảm giá nguyên liệu xuống như giảm thuế, bởi với xu hướng tăng giá và những biến động thế giới hiện nay, DN sẽ tiếp tục phải chịu áp lực lớn hơn nữa về cấu thành giá”, ông Kết mong muốn.
Khó khăn khi phụ thuộc 1 thị trường
Nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp nhiều loại nguyên phụ liệu cho sản xuất và chế biến trong nước. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp tại nước này và với chính sách “Zero Covid” đã và đang khiến cho việc nhập khẩu nguyên phụ liệu của nhiều ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày.
Tổng Giám đốc May 10 – ông Thân Đức Việt chia sẻ, May 10 nhập khẩu 50% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc nên DN đang rất lo câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng khi không biết chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc sẽ áp dụng đến khi nào. Nguyên phụ liệu vải của May 10 có thời gian sản xuất từ các nhà cung ứng là 35-50 ngày. Giữa tháng 4, đầu tháng 5, các nhà cung ứng tại Trung Quốc bắt đầu bị phong tỏa, đến nay vẫn đang phong tỏa khiến DN bị ảnh hưởng.
“Nếu Trung Quốc áp dụng thời gian ngắn, DN có thể giải quyết được bài toán nguyên vật liệu đầu vào nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục áp dụng thời gian dài thì kể cả những đơn hàng DN đã ký kết đến tháng 8/2022 cũng có thể bị ảnh hưởng về tiến độ giao hàng”, ông Việt chia sẻ.
Tương tự dệt may, da giày cũng là ngành đang chịu nhiều áp lực về nguồn cung nguyên phụ liệu khi ngành này nhập khẩu tới 70% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, việc Trung Quốc phong tỏa trên diện rộng khiến nguồn cung ứng bị gián đoạn. Cùng với đó chi phí vận chuyển, logistics rất cao nên DN khó đáp ứng kịp thời các đơn hàng.
Đa dạng thị trường nguyên phụ liệu
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định, thực trạng phụ thuộc nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn.
Do đó về lâu dài, Việt Nam phải có giải pháp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng, khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu.
“Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ để DN tiếp cận trực tiếp, dễ dàng hơn. Đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng lực, trình độ cải tiến, quản lý và quan trọng nhất là hỗ trợ các DN tham gia vào chuỗi cung ứng”, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ Công Thương cần phát huy hiệu quả vai trò của các Tham tán thương mại nước ngoài nhằm tăng cường tìm kiếm thị trường cung ứng nguyên liệu, kết hợp hỗ trợ DN tiếp cận nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt. Điều này vừa giúp tăng nội lực cạnh tranh cho DN lại vừa có thể giảm thiểu những rủi ro phụ thuộc 1 thị trường cung ứng hoặc đứt gãy nguồn cung, gây gián đoạn sản xuất.
Khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ các ngành hàng, DN xuất khẩu trong kết nối cung-cầu nguyên phụ liệu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, đã chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất, xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép,... Đồng thời nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử.../.
VOV