Doanh nghiệp mong sớm được tái sản xuất
Sau thời gian dài thực hiện giãn cách để phòng dịch, nhiều doanh nghiệp (DN) bày tỏ mong muốn được tái sản xuất. Muốn như vậy, việc tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 cho công nhân lúc này là vô cùng cần thiết.
- 06-09-2021Nghiên cứu mới của CDC: Số ca nhập viện nhi do Covid-19 cao gấp gần 4 lần ở khu vực có tỷ lệ tiêm thấp nhất so với nơi có tỷ lệ cao nhất
- 05-09-2021'Yếu tố thay đổi cuộc chơi' của Ấn Độ: Vaccine không cần kim tiêm!
- 05-09-2021Cách xác định tỷ lệ % hưởng lương hưu hàng tháng mới nhất
Tự tìm giải pháp
Là một trong những DN thực hiện “3 tại chỗ” trong thời gian đầu tiên, Công ty 3D Hub Global (quận Tân Bình) tìm mọi cách để bảo vệ “vùng xanh” trong nhà máy. Cụ thể, tổ chức bếp ăn ngoài trời để hạn chế tiếp xúc; xét nghiệm công nhân viên hàng tuần; không cho công nhân rời nhà máy kể cả những ngày lễ…
“Sau giãn cách, khi sản xuất trở lại, việc khó khăn nhất là giảm tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa công nhân ở nhà máy trong điều kiện không áp dụng “3 tại chỗ”. Để giải quyết vấn đề này, công ty sẽ siết chặt các biện pháp 5K và xét nghiệm thường xuyên hơn”, bà Lý Thanh Phong, Giám đốc Công ty 3D Hub Global cho biết.
Ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ HTP cho biết, trước tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, DN xác định phải “sống chung với lũ” và không thể phục hồi lại như cũ ngay tức thời. Do vậy, HTP đã và đang cố gắng duy trì, tăng cường đảm bảo an ninh để có thể tự mình vượt khó. Cụ thể, đơn vị này đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện giám sát các hoạt động của cán bộ công nhân viên; mỗi phòng ban đều có những cán bộ đảm bảo việc giám sát chặt chẽ các hoạt động trong DN…
Thống kê từ Liên đoàn Lao động TPHCM cho thấy, đến thời điểm hiện tại TPHCM đã có hơn 497.000 lao động ở hơn 3.400 DN, đơn vị được tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
“Chúng tôi thực hiện rất nhiều biện pháp để duy trì kết nối nhân viên với lãnh đạo. Đồng thời duy trì mức lương cho nhân viên và tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, mời các chuyên gia tâm lý để chia sẻ với cộng đồng công nhân trong các DN của mình bằng cách tư vấn, chia sẻ tâm lý với họ”, ông Đồng chia sẻ.
Ở góc độ DN, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM nhận định: “Nhìn chung, DN rất khó có thể lo cho công nhân ăn ngủ tại chỗ một cách đầy đủ và trong thời gian kéo dài. Mặc dù chúng tôi thực hiện “3 tại chỗ” luân phiên bằng những nhóm khác nhau nhưng một số bộ phận vẫn có F0 phải cho họ nghỉ về điều trị. Sau này, kiểm soát chặt chẽ hơn, chúng tôi lại chia ra: khi quay trở lại công ty, những công nhân nào ở trong vùng đỏ thì sẽ mang thẻ đỏ, công nhân nào ở vùng xanh thì mang thẻ xanh. Vì thế, chúng tôi rất cần được cung cấp hệ thống dữ liệu về các vùng xanh, đỏ, cam, vàng”.
Vắc-xin: Chìa khóa “tái sản xuất”
Ngày 5/9, tại Khu chế xuất Tân Thuận, hơn 3.000 công nhân các Công ty TNHH FAPV, Công ty TNHH Nidec Tosok, Công ty TNHH Inahvina đang thực hiện “3 tại chỗ” được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.
Số công nhân này đảm bảo đã test âm tính COVID-19 trong vòng 72 giờ. Mũi thuốc thứ 2 các công nhân được tiêm là Astrazeneca. Riêng công nhân chưa được tiêm mũi vắc-xin nào cũng được tiêm mũi 1 là thuốc Vero Cell.
Ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - Khu Công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, tiêm đủ 2 mũi vắc-xin giúp công nhân và DN an tâm sản xuất. Số công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ” tại Khu chế xuất Tân Thuận hiện nay là 9.500 công nhân. Trong những ngày sắp tới, Hepza sẽ phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn quận 7 tổ chức tiêm vắc-xin cho tất cả các công nhân này.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba) cho rằng, cần có nhiều điều kiện để các DN tại TPHCM và các tỉnh lân cận sớm bắt nhịp hoạt động trở lại. Một trong những vấn đề quan trọng là tiêm vắc-xin cho người lao động. Theo báo cáo của Huba, có khoảng 84% DN trên địa bàn thành phố đã hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 1 cho người lao động, 16% đang cố gắng tiếp cận nguồn vắc-xin và sớm lên kế hoạch tiêm chủng.
Mới đây, Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA) đề xuất UBND TP về việc “xã hội hóa” tổ chức nhân sự y tế tiêm vắc-xin mũi 2 cho công nhân “3 tại chỗ”.
HBA cho rằng, có hàng ngàn công nhân làm việc ở TPHCM nhưng trọ ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai... nên không thể đi lại giữa hai địa phương để tiêm vắc-xin. Do đó, thành phố cần tạo điều kiện cho DN phối hợp cơ sở y tế, các lực lượng chức năng tổ chức điểm tiêm lưu động cho công nhân, nhất là ở các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh và TPHCM.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cho hay, khoảng 250.000 công nhân đã tiêm mũi thứ nhất qua 9 tuần, trong đó công nhân “3 tại chỗ” khoảng 60.000 người. Số này hiện rất cần bổ sung tiêm mũi 2. “Nếu được tiêm mũi thứ 2, lực lượng công nhân nói chung và công nhân đang thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” nói riêng sẽ an toàn hơn. Mũi tiêm thứ 2 cũng là tuyến phòng ngự vững chắc, góp phần tiếp cận miễn dịch cộng đồng để sớm đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường” - ông Bé chia sẻ.
Tiền phong