MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp nhà nước và 'bóng ma' nợ nần

Các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang nắm giữ số tài sản lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản của các DNNN tăng 3% so với năm 2016 nhưng tổng gánh nặng nợ phải trả của khối DN này cũng lên tới hơn 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm đến 56,5% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty. Việc sử dụng vốn của các DNNN không hiệu quả, theo các chuyên gia, do thiếu cơ chế giám sát hiệu quả.

TS. Lê Đăng Doanh
TS. Lê Đăng Doanh
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
76 bài viết
  • Giá vàng trong nước tăng cao bất thường so với thế giới mang lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. Trong lúc này, cơ quan chức năng quản lý việc kinh doanh vàng như Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc kiểm tra, lành mạnh thị trường kinh doanh vàng trong nước
  • Có vốn nhưng không giải ngân được, bị "ngâm" quá lâu thì sẽ không đáp ứng được mục tiêu cấp bách của chương trình phục hồi và phát triển trong 2 năm 2022-2023

Những 'chúa chổm' nợ hơn 1,5 triệu tỷ đồng

Báo cáo mới nhất về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp năm 2017 vừa được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Chính phủ gửi tới Quốc hội cho thấy, tổng tài sản của 526 doanh nghiệp Nhà nước đến hết năm tài chính 2017 tăng 3%, đạt hơn 3 triệu tỷ đồng. Trong đó các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có tổng tài sản gần 2,8 triệu tỷ đồng; còn lại trên 239.000 tỷ đồng thuộc về số công ty TNHH MTV.

Theo báo cáo, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty hơn 1,53 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với 2016 và chiếm hơn một nửa tổng tài sản của các đơn vị. Tại nhiều doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 3 lần. Đơn cử, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân có hệ số nợ lên tới 45,56 lần; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là 8,07 lần; Tổng công ty Xăng dầu quân đội 7,88 lần; Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) 3,3 lần...

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, một số tập đoàn, tổng công ty có số nợ vay từ các ngân hàng lớn. Cụ thể: PVN nợ hơn 146.580 tỷ đồng; EVN hơn 132.000 tỷ đồng; TKV gần 48.700 tỷ; Viettel gần 43.500 tỷ; Vinachem gần 28.420 tỷ đồng. Ngoài vay từ các ngân hàng trong nước, các DNNN cũng vay từ các tổ chức tài chính nước ngoài gần 616.000 tỷ đồng.

Cùng với nợ phải trả lớn, các DNNN cũng có những khoản nợ phải thu tăng 13% so với 2016, khoảng 409.000 tỷ đồng. Trong đó, PVN là tập đoàn có khoản nợ khó đòi lớn nhất, 6.956 tỷ đồng. Kế đến là Tập đoàn Cao su Việt Nam (1.557 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông quân đội (1.406 tỷ đồng); Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (655 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (458 tỷ đồng); Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (437 tỷ đồng); Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (303 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (298 tỷ đồng); Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (208 tỷ đồng);...

Báo cáo gửi Quốc hội cũng cho thấy, tình hình “sức khoẻ” của nhiều đơn vị đang kinh doanh thua lỗ rất xấu. Riêng lỗ luỹ kế của 10 tập đoàn, tổng công ty lên tới hơn 12.074 tỷ đồng. Theo báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, doanh nghiệp này có mức lỗ lũy kế 1.967,8 tỷ đồng. Tập đoàn Viễn thông quân đội 5.589 tỷ đồng; Tổng Công ty Cà phê Việt Nam 44,67 tỷ đồng; Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (14,98 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (14,61 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Duyên Hải (11,994 tỷ đồng).

Riêng phần lỗ phát sinh theo báo cáo của 3 đơn vị là Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (287,61 tỷ đồng) do trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tại các đơn vị thua lỗ  tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và Công ty CP DAP số 1 - Vinachem, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem. Lỗ phát sinh tại Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực Miền Nam lên tới 119,18 tỷ đồng. Lỗ phát sinh tại Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Duyên Hải cũng đạt 14,67 tỷ đồng.

“Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Chưa kể, một số dự án còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn”, báo cáo Chính phủ nhận xét.

DNNN thua lỗ: Khó xử lý triệt để vì lợi ích nhóm

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, tình trạng các DNNN và các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả...đã diễn ra lâu nay nhưng không được giải quyết triệt để. Nguyên nhân đến từ hai phía, cả phía DNNN và các cơ quan quản lý nhà nước.

“Ở đây, rõ ràng có lợi ích nhóm. Khi chưa vượt qua được lợi ích nhóm đó thì chưa thể giải quyết triệt để vấn đề. Người ta sẽ không muốn đụng chạm đến lợi ích đang có, còn nếu làm tung tóe, bung bét ra sẽ có ông A, bà B phải chịu trách nhiệm chứ không chỉ mình doanh nghiệp”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Theo ông Doanh, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước phải quyết tâm cao độ, chỉ rõ trách nhiệm cũng như có các biện pháp đủ mạnh để giải quyết dứt điểm tồn tại. “Chẳng hạn, phải quy rõ trách nhiệm cá nhân, công khai tại sao đề án này anh A ký đến nay vẫn thua lỗ, trách nhiệm của anh ra sao? Quốc hội phải có thái độ rõ ràng, gay gắt mới có thể chuyển biến được tình hình”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, quản lý rủi ro tại các DNNN chưa được quan tâm, thậm chí bị “bỏ quên”. Trong khi đó theo bà Lan, ở khối doanh nghiệp tư nhân, quản lý rủi ro là yếu tố tiên quyết. "Sở dĩ như vậy bởi doanh nghiệp nhà nước làm việc theo tư duy lời thì ăn, lỗ thì Nhà nước chịu, nên rủi ro không phải là vấn đề lớn với họ"- bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo bà Lan, tình trạng hoạt động chưa hiệu quả của các DNNNN còn có lý do là phạm vi giám sát của cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu chưa rõ. Chưa kể, một số bộ, UBND cấp tỉnh là cơ quan đại diện vốn chủ trong DN, quản lý hàng trăm ngàn tỷ đồng nhưng chưa có cơ chế đánh giá và công bố công khai hiệu quả, trách nhiệm quản lý của chính các cơ quan đại diện này.

Lỗi do cơ chế giám sát?

Chuyện các DNNN làm ăn thua lỗ, sử dụng vốn của Nhà nước không hiệu quả đã được các bộ ngành, Chính phủ báo cáo tại hầu hết các cuộc họp của Quốc hội. Tuy nhiên, sau nhiều năm, tình trạng sử dụng hàng nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước không hiệu quả tại nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn không được xử lý dứt điểm. Số người phải chịu trách nhiệm vì những quyết định sai lầm khiến hàng chục nghìn tỷ đồng tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bốc hơi sau mỗi phi vụ đầu tư dự án nghìn tỷ đến nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Tại hội thảo "Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức cách đây ít lâu, một số chuyên gia cho rằng, vốn nhà nước bốc hơi nhiều do cơ chế giám sát không hiệu quả.

Theo ông Phạm Đức Chung - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (CIEM), hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả. Đây là những kẽ hở và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại nhiều DNNN.

Thực tế cho thấy, đầu tư ngoài ngành của hàng loạt các DNNN đã lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đã đầu tư. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực để xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả nhưng phục hồi chậm.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng trong đó có lý do là phạm vi giám sát của cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu chưa rõ"- ông Phạm Đức Chung đánh giá.

Theo ước tính của ngành Tài chính, chỉ trong năm 2017, mức hụt thu ngân sách do DNNN làm ăn thua lỗ lên tới khoảng 12.000- 14.000 tỷ đồng. Còn nếu tính cả phần thất thoát, không thu hồi được từ các dự án đầu tư nghìn tỷ đắp chiếu, thiệt hại của Nhà nước còn lớn hơn nhiều.


Theo Tuấn Nguyễn - Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên