Doanh nghiệp phân bón đệ đơn yêu cầu bảo vệ sản xuất trong nước
Ngày 13/4, Cục Quản lí cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã có văn bản xác nhận hồ sơ của doanh nghiệp đầy đủ và hợp lệ theo các quy định của pháp luật tự vệ của Việt Nam.
- 06-04-2017Tạm giữ 5 tấn phân bón không rõ nguồn gốc
- 21-03-2017Cần lập lại thị trường phân bón
- 01-03-2017Kiến nghị Thủ tướng điều tra diện rộng nạn phân bón giả
Đầu tháng 4, Cục Quản lí cạnh tranh đã tiếp nhận hồ sơ của một số doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu có mã HS: 3105.10.10, 3105.10.20, 3105.10.90, 3105.20.00, 3105.30.00, 3105.40.00, 3105.51.00, 3105.59.00, 3105.90.00.
Theo đó, hàng hóa bị điều tra là tất cả các loại phân bón vô cơ phức hợp hoặc hỗn hợp với thành phần chính là đạm (Nitơ) và lân (P2O5) trong đó lượng nitơ chiếm ít nhất 7% và lượng P2O5 chiếm ít nhất 30%.
Việc bổ sung hoặc trộn thêm các nguyên tố khác như magie (Mg), canxi (Ca), lưu huỳnh (S), kali (K)... hoặc các nguyên tố vi lượng khác không làm thay đổi về bản chất đặc điểm lý và hóa học cũng như mục đích và đối tượng sử dụng của sản phẩm. Việc bổ sung các chất vi lượng là để phù hợp với từng loại đất và từng nhóm cây trồng.
Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu bị điều tra không phân biệt về màu sắc.
Được biết, Cục Quản lí cạnh tranh đã có văn bản xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo các quy định của pháp luật tự vệ của Việt Nam.
Để phục vụ quá trình xem xét và đánh giá vụ việc để đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Cục Quản lí cạnh tranh đề nghị các doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm phân bón được mô tả như trên cung cấp các thông tin sau: Thông tin về doanh nghiệp; công suất thiết kế và lượng sản xuất các sản phẩm phân bón trong các năm 2014, 2015 và 2016; ý kiến của công ty về vụ việc (đồng ý, phản đối, không có ý kiến); bất kỳ tài liệu/chứng cứ nào khác mà công ty cho rằng liên quan đến vụ việc.
Thời hạn để doanh nghiệp cung cấp các thông tin nêu trên là trước 17h ngày 24/4/2017.
Trước đó, hồi tháng 10/2016, Cục Quản lí cạnh tranh cũng có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ Công Thương về khả năng áp dụng phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân ure và phân DAP nhập khẩu. Cơ quan này đã đưa ra những phân tích cụ thể đối với mặt hàng phân ure và phân DAP dựa trên số liệu từ Tổng cục Hải quan, thông tin từ phía doanh nghiệp cung cấp.
Theo cơ quan này, không có căn cứ để xác định nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng là do hàng nhập khẩu. Bản thân các doanh nghiệp sản xuất phân ure cũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn là do bất họp lý trong chính sách thuế GTGT và việc phải mua than với giá cao hơn giá thị trường thế giới.
Còn với mặt hàng phân DAP, theo các số liệu phân tích sơ bộ có thể thấy ngoài khó khăn chung do chính sách thuế GTGT thì sự gia tăng đột biến về lượng và giá trị của hàng nhập khẩu cũng là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Vì thế, ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại nghiêm trọng và sơ bộ có thể xác định nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng là do hàng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, trong nước hiện tại chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất phân DAP nên nếu không có biện pháp khắc phục khó khăn cho 2 doanh nghiệp này thì sản xuất phân DAP sẽ khó tồn tại trước cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Từ đó, có khả năng hàng Trung Quốc sẽ thống lĩnh thị trường và đẩy giá phân bón lên cao khiến các ngành sản xuất nông sản không tự chủ được về giá.
Tuy nhiên, với đề xuất điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (nếu có) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân và giá hàng nông sản nên cần thận trọng trong việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ đối với sản phẩm phân DAP.
Theo phân tích của Cục Quản lí cạnh tranh, hiện phân ure và phân DAP đang được sử dụng để bón cho cây trồng, giúp cho cây sinh trưởng. Việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ dẫn đến gia tăng chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất nông nghiệp.
Hải quan