Doanh nghiệp Thái được đào tạo thâu tóm thị trường Việt
Bộ Thương mại Thái Lan sẽ giúp DNNVV mở rộng xuất khẩu đầu tư sang Lào, Campuchia, VN.
- 18-02-2016Đừng bi kịch hóa chuyện thâu tóm doanh nghiệp Việt của người Thái!
- 01-08-2015Xuất hiện làn sóng chạy đua “bành trướng” quy mô tại Việt Nam của doanh nghiệp Thái?
Tổng giám đốc Cục Xúc tiến thương mại quốc tế Thái Lan (DITP) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, bà Malee Choklumlerd, cho biết, một bản ghi nhớ giữa các công ty lớn như Berli Jucker (BJC), tập đoàn SCG và Srithai Superware với Chính phủ nước này sẽ được ký kết.
Trong đó, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ cùng với các công ty hàng đầu của Thái Lan tham gia đào tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài.
Trước mắt, các thị trường mục tiêu được ưu tiên nhắm đến để doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bắt đầu xuất khẩu và đầu tư là các nước láng giềng, đặc biệt là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp lớn sẽ giúp DN bằng cách cung cấp thông tin và những đầu mối liên lạc, “mai mối” doanh nghiệp tại mỗi thị trường mà DN Thái Lan muốn đến.
Việc hợp tác giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ là một chương trình hợp tác công - tư với sự tham gia của nhiều tổ chức như Phòng Thương mại, Ban Thương mại, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan, các ngân hàng thương mại cùng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cụ thể, BJC sẽ hỗ trợ DN khai thác thị trường Việt Nam, SCG sẽ hỗ trợ DN tìm cơ hội cung cấp vật liệu xây dựng cho Campuchia vào quí 3/2016. Còn Bangkok Bank đóng vai trò nhà tư vấn và giúp DN có được vốn.
Ngoài ra, DITP cũng tổ chức sự kiện mang tên “Top Thai Brands” tại các nước CLMV để quảng bá các thương hiệu của Thái Lan.
Bà Malee Choklumlerd cho biết mô hình trên sẽ tạo lợi ích cả hai bên. Bởi vì, các doanh nghiệp lớn sẽ có thêm nguồn cung cấp hàng hóa, còn các DN sẽ có cơ hội mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài.
Cùng với đó, 5 giải pháp hỗ trợ sẽ được chính phủ nước này triển khai. Trong đó chủ yếu hỗ trợ về vốn vay cho DN với lãi suất 4%/năm và thời hạn vay lên đến bảy năm. Bộ Thương mại Thái Lan là cơ quan đầu mối thực hiện dự án này.
Hàng Thái tràn ngập thị trường Việt
Nhìn vào các kênh phân phối sản phẩm từ siêu thị, cửa hàng trực tuyến đến các chợ lớn nhỏ tại thị trường Việt Nam càng cho thấy sức mạnh áp đảo của các sản phẩm hàng hóa Thái Lan.
Từ đồ gia dụng, thời trang, điện tử hay thực phẩm đã qua chế biến... người tiêu dùng đều dễ dàng tìm thấy trên bất kỳ hàng, gian hàng nào tại các siêu thị, chợ, cửa hàng lớn nhỏ.
Ví dụ ở BigC dù chỉ chiếm có 5% hàng nhập khẩu, nhưng các mặt hàng Thái Lan chủ yếu nhập về là hàng gia dụng, nhựa, bánh kẹo. Tương tự, tại siêu thị Maximark TP.HCM, các sản phẩm Thái Lan cũng chủ yếu chuối, mít khô, bánh kẹo...
Ông Vũ Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm mua sắm Thailand (đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TPHCM), nhận định nhu cầu sử dụng hàng Thái của người dân tăng vọt. Số lượng hàng hóa mà cửa hàng của ông nhập về tăng gấp đôi so với cách đây 2-3 năm. Nhiều nhất là mặt hàng giày dép, mỗi tháng công ty nhập về theo đường chính ngạch hơn 5.000 đôi để phân phối sỉ và lẻ khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Tương tự, bà Lê Thị Mỹ, phụ trách xuất nhập khẩu thị trường Thái Lan của Công ty SSJ (chuyên nhập hàng Thái Lan) cho hay, hiện mỗi tháng SSJ nhập về theo đường chính ngạch 30-40 tấn hàng, cao gấp 10 lần so với thời điểm năm 2014. Mặt hàng được công ty nhập về nhiều nhất là phụ tùng xe và quần áo, tiếp đó là hàng mỹ phẩm.
Để đáp ứng nhu cầu dùng hàng Thái ngày càng tăng, đã dần xuất hiện nhiều cửa hàng trực tuyến chuyên bán hàng Thái với giá rẻ. Bên cạnh đó là sự phát triển của dịch vụ mua giúp hàng Thái Lan để chuyển về Việt Nam dành cho các chủ cửa hàng vốn không có thời gian đi lại. Khách hàng chỉ cần lựa chọn sản phẩm trên trang web của công ty ở Thái Lan, gửi yêu cầu qua e-mail. Công ty sẽ mua, đóng gói và chuyển hàng về Việt Nam bằng cả đường hàng không và đường bộ, sau đó sẽ giao tận nhà.
Song song với xu hướng đẩy mạnh hàng hóa vào thị trường Việt Nam, các ông chủ Thái Lan cũng đang tăng cường thâu tóm thị trường Việt Nam bằng cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Nhiều thương vụ mua bán lại hoặc có cổ phần đáng kể tại rất nhiều doanh nghiệp lớn như C.P Việt Nam, Red Bull, Prime Group, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh và những cái tên mới nhất như Metro Việt Nam hay hệ thống điện máy Nguyễn Kim... được đẩy mạnh nhanh chóng.
Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa trong nước vốn đã lép vế lại càng khó có chỗ đứng trong hệ thống phân phối của họ.
Đất Việt