Doanh nghiệp TP HCM được vay ưu đãi tới 200 tỉ đồng để xây dựng nhà máy thông minh
Việc chuyển đổi từ mô hình nhà máy truyền thống sang thông minh sẽ giúp doanh nghiệp tăng sản lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
Ngày 28-8, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) phối hợp cùng các đơn vị khác tổ chức hội thảo "Giải pháp cho nhà máy thông minh".
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết thành phố luôn khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang mô hình nhà máy thông minh. Điều này góp phần cho ngành công nghiệp của thành phố xanh sạch, đạt hiệu quả cao.
Để thúc đẩy quá trình này, thành phố đã có chính sách hỗ trợ đối với những dự án đầu tư vào các ngành như công nghệ cao, thương mại và phục vụ sản xuất nông nghiệp, y tế - giáo dục, hạ tầng kinh tế.... với hạn mức vay ưu đãi tối đa 200 tỉ đồng/dự án.
Mức lãi suất được hỗ trợ tối đa không vượt quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại cộng thêm phí quản lý 2% một năm.
Thời gian hỗ trợ lãi suất đối với các dự án không quá 7 năm kể từ ngày dự án được UBND TP phê duyệt hỗ trợ.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - điện TP HCM, cho biết chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nhà máy và vận hành của doanh nghiệp đang rất cấp thiết.
Điều này giúp cho doanh nghiệp tăng sản lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của đối tác, khách hàng hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Ông Jang Yoon Ho, Giám đốc bộ phận hỗ trợ đối tác Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, cho biết chi phí cho quá trình chuyển đổi nhà máy thông minh không cao nếu so với lợi ích lâu dài mà nó đem lại.
Hiện nay, Samsung đang điều hành và triển khai thêm nhiều nhà máy thông minh tại Việt Nam; đồng thời đang hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt thực hiện quá trình chuyển đổi này để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung.
Theo ông Jang Yoon Ho, để tham gia vào dự án xây dựng nhà máy thông minh của Samsung, điểm tiên quyết là doanh nghiệp cần tối ưu hóa quy trình vận hành - sản xuất, bảo đảm dữ liệu phải được thu thập theo thời gian thực...
"Công ty Thăng Long, đơn vị chuyên sản xuất túi đóng gói tai nghe, sạc đã tham gia dự án này của Samsung từ năm 2023. Đến năm 2024, mục tiêu chuyển đổi của công ty ở mức 3.0 và Samsung đang hỗ trợ mở rộng tính thông minh toàn nhà máy.
Hiện ở các khâu và thiết bị sản xuất gần như đã tự động hóa và kết quả mang lại rất cao, thể hiện qua chất lượng công đoạn, tiết kiệm chi phí... Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó, chủ trương của người đứng đầu cực kỳ quan trọng" - ông Jang Yoon Ho nói.
Người lao động