Doanh nghiệp Việt chịu tác động gì từ câu chuyện FED tăng lãi suất?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, kết hợp với cú sốc về COVID-19 và chiến sự Nga – Ukraine, đặt ra các thách thức với doanh nghiệp Việt Nam...
- 27-03-2022Anh hạn chế thủy sản Nga, doanh nghiệp Việt có cơ hội gia tăng thị phần?
- 26-03-2022Quy mô tài sản bình quân doanh nghiệp nhà nước cao gấp 10 lần doanh nghiệp FDI, gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước
- 26-03-2022Doanh nghiệp có "đất vàng" tại Vũng Tàu bị phong toả tài khoản vì nợ hơn 800 tỉ đồng
Rủi ro từ nợ nước ngoài
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất lần thứ nhất vào ngày 16/3 vừa qua, đồng thời phát đi tín hiệu về việc sẽ tiến hành thêm các đợt tăng lãi suất vào năm nay và năm sau. Kết hợp với cú sốc về COVID-19 và chiến sự Nga – Ukraine, các thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam là rất đáng chú ý.
Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp, bởi vì đôi khi doanh nghiệp chưa tính hết rủi ro về lãi suất, rủi ro về tỷ giá, đặc biệt là với các cú sốc lần này
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, đối với kinh tế tài chính của Việt Nam sẽ có ít nhất 5 tác động gồm:
Thứ nhất, mặt bằng lãi suất sẽ tăng lên, thực tế, lãi suất HIBOR tại thị trường Luân Đôn năm ngoái đã tăng lên 1 điểm phần trăm, đó là với lãi suất đô la Mỹ, nhiều khoản vay thời gian vừa qua, thì những bên cho vay đã định giá một mức độ lãi suất cao hơn.
Ở Việt Nam, như các chuyên gia đã phân tích, tình trạng Đô la hóa và vay nợ đô la Mỹ không nhiều, nhưng theo bản tin đầu tư công của Bộ Tài chính công bố tháng 11/2021, thì số tiền vay đô la Mỹ của doanh nghiệp là khá bất ngờ, tổng số nợ quốc gia bằng ngoại tệ cả gốc và lãi đến cuối năm ngoái là 112 tỷ đô la Mỹ, đâu đó khoảng 30% GDP của Việt Nam. Trong khi Chính phủ chỉ chiếm có 3%, là khoảng 3,7 tỷ USD, còn lại 97% là doanh nghiệp đi vay. Đây là vấn đề mà chúng ta phải quan tâm.
Thời gian vừa qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng quản lý chặt chẽ vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp, bởi vì đôi khi doanh nghiệp vẫn chưa tính hết rủi ro về lãi suất, rủi ro về tỷ giá, đặc biệt là với các cú sốc lần này.
“Hai năm vừa qua đã rất khó khăn, mà bây giờ đội thêm lãi suất tăng lên, thì không thể chủ quan được và rõ ràng chi phí đó rất lớn. Tổng cả gốc lẫn lãi doanh nghiệp vay là gần 109 tỷ đô la Mỹ và nếu lãi suất chỉ là 1-2-3% thôi, thì số tiền phải trả là rất lớn”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Thứ hai, bài toán năm nay là Việt Nam muốn phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành, nhưng trong Nghị quyết đó nêu rất rõ, chúng ta “phấn đấu” giảm lãi suất từ 0,5 - 1% thì bài toán đó lại trở nên khó khăn hơn nhiều, do mặt bằng lãi suất cả thế giới tăng lên, mà bản thân Việt Nam, lãi suất huy động cũng đã tăng, thì chúng ta không thể giảm lãi suất được. Chưa kể giảm lãi suất lại đẩy lạm phát tăng lên, sẽ đi ngược với quy luật điều hành kinh tế. Vì vậy năm nay, bài toán giảm lãi suất là vô cùng khó, mà giữ được ổn định lãi suất cho vay đã là thành công.
Thứ ba, về tác động với tỷ giá, đúng là chúng ta điều hành tốt hơn rất nhiều, cơ bản là quan hệ cung cầu về ngoại tệ rất ổn và cách thức chính sách điều hành của Nhà nước cũng đã linh hoạt hơn so với trước đây. Tỷ lệ đô la hóa của chúng ta khoảng 7% giảm tương đối mạnh so với thời kỳ trước là 20 - 25%.
Tuy nhiên, đồng đô la Mỹ đã tăng giá thời gian vừa qua và sẽ còn tiếp tục tăng nhẹ thời gian tới, bởi vì từ đầu năm đến giờ, đô la Mỹ đã tăng 3% và năm ngoái tăng 6%, nghĩa là người ta đã tiên lượng định giá trước đối với việc tăng giá đồng Đô la Mỹ, nên từ nay về sau, chưa kể tốc độ tăng lãi suất của FED từ từ, thì đồng đô la Mỹ sẽ có tăng lên nhưng không đáng kể.
“Chính vì vậy, năm nay rất nhiều dự báo cho rằng tỷ giá sẽ tăng ở mức khoảng 1- 2%, còn chúng tôi thì lạc quan hơn,, dự báo ở mức 0,5-1%, kể cả có lên đến 1,5% thì vẫn chấp nhận được, vì như bối cảnh hiện nay đang có rất nhiều biến động”, vị chuyên gia dự báo.
Thứ tư, đối với thị trường chứng khoán, chúng ta thấy rất rõ tiên lượng cũng đã định giá trước, nhưng thị trường chứng khoán cả Mỹ và Việt Nam vừa qua vẫn còn tăng, do kinh tế Mỹ phục hồi tốt, FED cũng có lộ trình rõ ràng, nhà đầu tư không quá lo lắng trong khi lạm phát là một nguy cơ. Nếu không tăng lãi suất thì tất cả giá cả tăng lên sẽ tiêu tan toàn bộ lợi nhuận, cho nên nhà đầu tư có vẻ lạc quan hơn theo hướng này.
Thứ năm, chính là yếu tố về lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý. Chúng ta phải làm tốt công tác truyền thông, vì thời gian vừa qua, các bà đi chợ kêu rất nhiều, đồng thời có nhiều hiện tượng “té nước theo mưa”, giá xăng dầu tăng, lạm phát tăng,... Vì thế, cần phải phối hợp tốt chính sách truyền thông, để làm tốt câu chuyện kỳ vọng lạm phát.
Vì sao thị trường chứng khoán phản ứng "yên bình" trước đợt tăng lãi suất của FED?
Tái kiến thiết lại quản trị doanh nghiệp
Đồng tình với các quan điểm trên, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước bổ sung thêm rằng, đến giờ phút này thì hơn một thập kỷ tiền rẻ vừa qua sẽ không còn nữa. Bài toán về mặt lãi suất vô cùng khó khăn, việc giữ được ổn định đã là tốt còn không cẩn thận sẽ còn tăng, khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn trong vấn đề chi phí tài chính.
Doanh nghiệp nên nghiên cứu tái thiết lại quản trị doanh nghiệp theo xu hướng bài bản hơn, xanh hơn và bền vũng hơn
“Tôi rất tin câu chuyện tỷ giá của Việt Nam sẽ khá ổn định và có tịnh tiến cũng sẽ không nhiều, bởi điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã rất tốt, tỷ giá trung tâm và rổ tiền tệ được vận hành một cách nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối khoảng trên 110.000 tỷ USD, tương đương với số doanh nghiệp nợ nước ngoài, thì cũng là cơ sở vững chắc. Còn cán cân thanh toán cũng được tất cả các công ty, quỹ đầu tư dự báo, trong hai tháng đầu năm nhập siêu chút ít, nhưng chắc chắn sẽ hồi phục và xuất siêu cũng là cơ sở để gia tăng thêm dự trữ ngoại hối, làm cung cầu ổn định và tỷ giá vẫn có thể giữ được tương đối tốt”, ông Phạm Xuân Hoè lạc quan.
Vị chuyên gia cũng bày tỏ thêm, tình hình “té nước theo mưa” như TS. Cấn Văn Lực đề cập đến, hay giá xăng dầu tăng, logistics tăng, các loại giá khác tăng,... nhưng khi nhìn 2 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ năm trước chưa phải cao, mới chỉ chưa đến 2%, đó cũng là cơ sở vững chắc để chúng ta kiểm soát được lạm phát đạt mục tiêu dưới 4% như Quốc hội đề ra.
Đáng chú ý, trong Nghị quyết của Quốc hội vừa rồi đã thể hiện rất rõ về sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, mà với gói 350.000 tỷ đồng thì tiền sẽ là từ ngân sách và tiền đó thu từ nền kinh tế hoặc đi vay từ nền kinh tế, chứ không phải in tiền ra. Do đó, chúng ta cũng cần thông điệp điều này đến người dân, chứ không phải tiền bơm ra một cách ào ạt, bởi vì lạm phát kỳ vọng đóng vai trog rất quan trọng.
Tuy nhiên, cần phân tích một chút về khó khăn của doanh nghiệp với các vấn đề như:
Thứ nhất, khi chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao làm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp suy giảm, chi phí vốn cũng tăng sẽ làm giá thành hàng hóa sản xuất trong nước rất khó cạnh tranh.
Thứ hai, biến động của thị trường quốc tế tác động tới nền kinh tế hội nhập sâu như Việt Nam, thì thị trường chứng khoán cũng sẽ bắt nhịp ngay lập tức. Giả sử DowJones hoặc S&Pđỏ lửa, thì thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ đỏ lửa, điều đó thể hiện sự ăn nhịp với nhau và sự biến động sẽ là thường xuyên.
“Đối với những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phải rất lưu tâm, cái nào là đầu tư dài hạn, cái nào là lướt sóng, còn tôi vẫn nghĩ rằng, nhóm cổ phiếu hàng hóa căn bản, doanh nghiệp quản trị căn bản là cơ hội để đầu tư. Còn lướt sóng thì họ phải chơi theo “trend” hoặc theo phân tích của một số công ty chứng khoán.
Nếu nhóm hàng hóa căn bản và các nhóm doanh nghiệp công nghệ trên thị trường chứng khoán vẫn tốt, với những xu hướng không có gì đáng lo ngại, thì điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn tăng lên, dao động khoảng trên 1.600 điểm chứ không ở mức 1.470 điểm nữa và đó cũng là tín hiệu tốt”, ông Hoè dự báo.
Thứ ba, mặc dù thị trường biến động, nhưng chiến lược bài bản của các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự chưa cao, chưa xây dựng chiến lược sản xuất một cách căn bản; quản trị doanh nghiệp, quản trị chiến lược vẫn còn đáng lo ngại, vì sức cạnh tranh của họ không ổn, họ vẫn làm ăn theo mùa, chứ không tính tới câu chuyện dài hạn.
Thứ tư, trong nguy thì có cơ, rõ ràng xu hướng ai cũng nhìn thấy đó là vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nói đến chuyển dịch năng lượng, chống biến đổi khí hậu, nông nghiệp xanh - sạch, thì sẽ có một xu hướng rất tốt cho Việt Nam có thể nắm bắt được, là cả thế giới sẽ chạy theo là tài chính xanh, bao gồm cả trái phiếu xanh và tín dụng xanh của ngân hàng trong danh mục đầu tư. Đó chính là cái doanh nghiệp có thể tiếp cận, nếu không tranh thủ được cơ hội này sẽ rất khó khăn cho về sau.
“Tại Hội nghị COP26 vừa qua, 450 định chế toàn cầu đã cam kết với nhau là sẽ đầu tư vào chuyển dịch năng lượng, vào những doanh nghiệp quản trị một cách bài bản, giải quyết các vấn đề về môi trường, có trách nhiệm xã hội... Tôi muốn nói với các doanh nghiệp rằng, đã đến lúc chúng ta phải bắt tay vào câu chuyện kiến thiết lại một cách rất căn bản về mặt chiến lược, còn nếu vẫn cứ làm ăn ngắn hạn, đầu tư “chộp giật” thì đó không phải là cái căn cơ của doanh nghiệp”, ông Hoè khuyến nghị.
Diễn đàn doanh nghiệp