MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công cụ thuế chưa giúp than thoát khó

19-09-2013 - 11:55 AM | Doanh nghiệp

Thuế xuất khẩu than liên tục thay đổi, dù có lúc giúp xuất khẩu than hồi phục nhưng về lâu dài không có lợi.

Trên TTCK Việt Nam, than có lẽ là một trong những lĩnh vực nhiều DN làm ăn bết bát nhất trong năm nay. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2013, một nửa trong số 8 DN niêm yết thuộc ngành này có kết quả kinh doanh thua lỗ. Cụ thể, CTCP Than Cao Sơn (TCS) lỗ 66,7 tỷ đồng; CTCP Than Đèo Nai (TDN) lỗ 56,5 tỷ đồng; CTCP Than Cọc Sáu (TC6) lỗ 54,1 tỷ đồng và CTCP Than Mông Dương (MDC) lỗ 11,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số cổ phiếu ngành than còn không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Theo công bố mới đây của sàn HNX, có 3 cổ phiếu ngành than thuộc diện này là TKV, TDN và TC6.

Theo báo cáo tài chính, có nhiều nguyên nhân khiến cho các DN ngành than rơi vào cảnh thua lỗ như chi phí hoạt động bán hàng, quản lý DN tăng; chi phí lãi vay, chi phí tài chính tăng… Báo cáo tài chính quý II, TC6 có doanh thu đạt 1.161 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị vốn hàng hóa cao cùng nhiều chí phí khác tăng khiến công ty lỗ 56 tỷ đồng. Tương tự, TDN có tổng nguồn vốn gần 230 tỷ đồng nhưng số nợ ngắn hạn lớn gấp 3 lần. Lũy kế 6 tháng, công ty báo lỗ 56,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước công ty vẫn có lãi. MDC lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2012 vẫn đạt lợi nhuận 14,5 tỷ đồng.

Nhưng khó khăn lớn nhất là tình hình tiêu thụ khó khăn, tồn kho lớn. Tính đến hết tháng 6/2013, hàng tồn kho của TDN có trị giá 347,6 tỷ đồng, tăng 66,36% so với cuối năm 2012; tồn kho của TCS là 277,4 tỷ đồng, tăng 222% so với cuối năm 2012.

Trong bối cảnh ấy, việc Bộ Tài chính ban thành Thông tư điều chỉnh thuế xuất khẩu than tăng từ 10% lên 13% bắt đầu áp dụng từ 7/7/2013 như “gáo nước lạnh” đối với DN. Chỉ sau đó 2 tháng, sản lượng than xuất khẩu của Vinacomin đã sụt giảm khoảng 2 triệu tấn. Vì vậy, Thông tư số 124/2013/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng than với việc giảm mức thuế xuất khẩu từ 13% xuống còn 10%, áp dụng từ 1/9/2013 được cho là giải pháp cải thiện đầu ra giúp ngành than giảm bớt khó khăn.

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào xuất khẩu than lại một lần nữa lộ diện. Theo một số ý kiến, trữ lượng than đá đã sắp cạn kiệt và là nguồn tài nguyên không thể tái tạo. Nếu giảm thuế để tăng lượng than xuất khẩu sẽ dẫn đến cạn kiệt tài nguyên càng nhanh. Việc giảm thuế chỉ là giải pháp cải thiện đầu ra, nâng sản lượng xuất khẩu của ngành than chứ chưa thể giúp các DN ngành than hồi phục bền vững.

Nhưng hơn thế, bài toán tồn kho cũng khó giải bằng thuế khi thực chứng từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinacomin trong năm 2013 cho thấy, giá bán than của DN giảm 7-10% thấp hơn so với giá thành kế hoạch nhưng vẫn không có khách hàng. Kết quả là giá trị tồn kho của ngành than trong 8 tháng vẫn tiếp tục tăng mạnh. Dù chưa có thông tin cụ thể về lỗ, lãi tính đến thời điểm này nhưng bối cảnh nói chung của ngành than hiện nay vẫn chưa thực sự tích cực.

Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng phân tích, các DN ngành than thời gian qua bị lỗ do nhiều nguyên nhân như giá giảm, hàng tồn kho tăng cao, khiến tình hình tài chính của các DN ngành than khá căng thẳng. Tỷ lệ nợ phải trả của một số DN trong ngành cũng tăng cao càng làm DN khốn khó. Công nghệ lạc hậu, quản lý bất cập dẫn đến than kém chất lượng, tiêu thụ càng khó khăn, thất thoát lớn.

Theo Minh Nguyễn


thunm

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên