MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Fecon: Đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 24%, phát hành 100 tỷ trái phiếu cho VCBS

24-04-2015 - 09:18 AM | Doanh nghiệp

Đồng thời công ty cũng đang thương thảo với một vài NĐT chiến lược khác để phát hành hết số lượng trái phiếu chuyển đổi đã được ĐHCĐ thường niên 2014 phê duyệt.

Ngày 24/04/2015, CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon (mã: FCN) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2015.

Kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 24%, cổ tức 10% bằng tiền mặt

Theo báo cáo của HĐQT, năm 2014, doanh thu hợp nhất của công ty đạt 1.354 tỷ đồng – hoàn thành 90,3% kế hoạch nhưng đã tăng trưởng 12,5% so với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 135 tỷ đồng – bằng 91% kế hoạch và tăng 16,3% .

Theo đánh giá tình hình chung năm 2015, tăng trưởng toàn cầu về cơ bản đang trên đường phục hồi. Nă 2015, trọng tâm của ngành xây dựng nhiều khả năng sẽ chuyển dần sang mảng xây dựng hạ tầng với nhiều dự án cầu đường, nhà máy điện, đường sắt và tàu điện ngầm đô thị…

Trên cơ sở đó, HĐQT đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 1.800 tỷ đồng – tăng 33% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 168 tỷ - tăng 24,4% và cổ tức dự kiến là 10% bằng tiền mặt.

Chuẩn bị phát hành 100 tỷ trái phiếu chuyển đổi cho VCBS

Trong năm qua, FCN đã tiến hành nhiều đợt phát hành cổ phiếu.

- Phát hành gần 2 triệu cổ phiếu ESOP với giá phát hành 10.000 đồng/cp cho 316 cán bộ, thu được gần 20 tỷ đồng.

- Phát hành gần 4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 10.000 đồng/cp, tăng vốn điều lệ thêm gần 40 tỷ đồng.

- Công ty cũng đã có kế hoạch phát hành 6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá không thấp hơn 25.000 đồng/cp nhưng đã hủy bỏ do không tìm được nhà đầu tư thích hợp.

- Phát hành 500.000 trái phiếu chuyển đổi với mệnh giá 1 triệu đồng để huy động 500 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/03/2015, FCN đã phát hành được 195.585 trái phiếu tương đương 195,6 tỷ đồng cho tổ chức Japan South East Asia Growth Fund L.P với lãi suất 6%/năm và giá chuyển đổi 19.500 đồng/cp.  Giá trị trái phiếu chưa phát hành là 304,4 tỷ đồng.

HĐQT của Fecon cho biết đã thống nhất xong và chuẩn bị các khâu cuối để phát hành 100 tỷ trái phiêu chuyển đổi cho nhà đầu tư thứ 2 là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS). Đồng thời công ty cũng đang thương thảo với một vài NĐT chiến lược khác để phát hành hết số lượng trái phiếu chuyển đổi đã được ĐHCĐ thường niên 2014 phê duyệt.

Số vốn huy động được từ các đợt phát hành trên là 215,5 tỷ đồng đã đầu tư máy móc gần 116 tỷ, đầu tư chiến lược 2,6 tỷ vào TEDI, góp 60 tỷ vốn thành lập CTCP Công trình ngầm FECON, góp 125,2 tỷ vốn vào CTCP Đầu tư Hạ tầng FCC.

-----------

Phần thảo luận tại đại hội

FCN đang đầu tư vào 10 công ty, đề nghị HĐQT báo cáo sơ bộ về hiệu quả hoạt động của 10 công ty này, đặc biệt là CTCP đầu tư hạ tầng FCC, Khoáng sản Fecon và TEDI?

Năm vừa rồi FCN đặt chiến lược 2020 thành DN hạ tầng hàng đầu nên chuẩn bị nguồn lực mạnh mẽ nên đã đầu tư vào các công ty nói trên nhằm mục tiêu tạo ra năng lực thực sự cho nhóm công ty. Đối với TEDI, đã đấu giá thành công trên 20% với giá khá cao nhưng đến thời điểm này thấy rất tốt khi công ty này chiếm 50% thị phần thiết kế các công trình giao thông. Ngoài lợi từ Cổ phiếu, có thể dễ dàng đưa các công trình mà FCN thi công vào thiết kế tại TEDI. Năm vừa rồi LNG của TEDI là 45 tỷ. Đó là 1 sự đầu tư đúng hướng.

FCC là công ty đầu tư hạ tầng nhằm vào các dự án BOT sắp tới, gần nhất là DA Phủ Lý, đến nay đã thực hiên 30%/ VĐT 2000 tỷ. Hoàn toàn huy động nguồn lực từ bên ngoài vào chứ không lấy từ Fecon ra. Đây là đơn vị tiềm năng có thể tạo doanh thu tốt.

Khoáng sản Fecon có 2 nhiệm vụ chính là sản xuất cọc 2 nhà máy tại Hà Nam, Nghi Sơn và cung cấp khoáng sản cho các DA xung quanh khu vực này. Trong năm tới, doanh số lấy về từ công trình này là tương đối cao.

Kế hoạch doanh thu 2015 của công ty là 1.800 tỷ nhưng chi tiết các DA để đạt được mức doanh thu này như thế nào?

2014 đã không đạt kế hoạch doanh thu do Samsung Hồ Chí Minh và Thái Bình 1 bị hoãn chuyển sang 2015. Đến thời điểm này, doanh số của các DA này đạt khoảng 300 tỷ và LN khoảng 30 tỷ. Năm 2015, FCN sẽ tập trung mạnh vào các công trình công nghiệp hiện tại như Nhiệt điện Thái bình 1, Long Phú 1, Samsung Thái Nguyên, Samsung Hồ Chí Minh, 1 số DA BĐS làm cùng Coteccons…

Phát hành 100 tỷ trái phiếu chuyển đổi cho VCBS giá bao nhiêu?

Giá chuyển đổi 19.700 đồng/cp. Thông qua 1 giai đoạn đàm phán cam go cuối cùng phải chấp nhận. Một số NĐT khác rất tiềm năng như East Spring của Singapore nhưng điều kiện bảo lãnh ngặt nghèo quá, khiến cho chúng tôi mất một thời gian.

Bên cạnh đó đang đàm phán với 1, 2 NĐT khác để bán nốt.

Sự khác biệt trong báo cáo trước và sau kiểm toán?

Việc này đã được Fecon giải trình và công bố thông tin.

Triển vọng của DA BOT Phủ Lý?

Đây là một trong những DA BOT cuối cùng trên Quốc lộ 1, được đánh giá là tiềm năng nhất bây giờ, tuy nhỏ nhưng các ngân hàng “tranh nhau” cấp vốn. Tôi phải từ chối nhiều NH tốt và nhận NH cấp vốn là Vietinbank, đã giải ngân 250 tỷ. Với quyết tâm hoàn thành vào tháng 6/2016 – trước 6 tháng so với kế hoạch, chúng tôi đã đẩy nhanh tiến độ và xin thu phí sớm khiến DA càng hấp dẫn hơn.

Khoản phải thu khá cao (900 tỷ), xin hỏi chất lượng các khoản phải thu này?

Phải thừa nhận như vậy. Vào cuối năm, khối lượng công việc rất nhiều và để quyết toán, xuất được hóa đơn phải mất một thời gian. Đầu năm chúng tôi đã quyết liệt đòi được 500 tỷ khiến khoản phải thu giảm xuống khá nhiều. Đó là đặc thù của ngành xây dựng. Trong đó cũng có 1 số DA chậm từ 2 năm trước như Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú, Formosa… với khoản phải thu cỡ 300 tỷ. Gần đây đã giải quyết được tương đối. Phải thu NĐ Long Phú cỡ 135 tỷ thì gần đây mới xin được quyết toán của Bộ Xây dựng, khi DA này thay đổi tổng thầu (trước là PTSC, giờ là đối tác của Nga), mất 2 năm để thay đổi tổng thầu nên các dự toán với DA phải dừng, giờ mới bắt đầu lại. DA THái Bình 2 có khoản công nợ với CTCP Xây lắp dầu khí cỡ 200 tỷ, đang làm việc.

Chi phí lãi tính thêm cả trái phiếu chuyển đổi có thể bị đội lên nhiều so với năm 2014?

Chi phí tài chính so với các năm trước đã thấp hơn do sử dụng nguồn vốn mới. Vòng quay vốn cũng khá chậm, nhất là với đối tác lớn Samsung, nhiều khi thi công rồi mới có hợp đồng, hóa đơn thanh toán. Không tránh khỏi các DA phải huy động vốn từ ngân hàng nên không thể tránh khỏi các chi phí tài chính phát sinh.

Khả năng chuyển đổi của các khoản trái phiếu chuyển đổi vào tháng 10 năm nay khoảng bao nhiêu? Có chuyển không?

Thời điểm này chưa trả lời được vì liên quan đến thị trường và lựa chọn NĐT để chuyển đổi

Khoản đầu tư vào Cienco 1 có khả năng thanh lý có lãi hay không?

Sẽ tận dụng năng lực của công ty này để đi vào các DA đầu tư, đấu thầu thi công. Hiện đã cùng Cienco 1 thực hiện DA Cao cấp Đà nẵng Quảng Ngãi, sắp tới có thể tham gia thi công cầu Bạch Đằng (Hải Phòng). Đây là đối tác khá quan trọng, Cienco 1 Nhà nước đã thoái 100% và cổ đông lớn nhất là Yên Khánh có mối quan hệ tốt với FCN. Đến thời điểm phù hợp sẽ chuyển nhượng cổ phần tại Cienco 1 với giá có lãi.

Các khó khăn thách thức cho việc phát triển FCN?

Bên cạnh các cơ hội trong giai đoạn mới như tạo động lực cho phát triển cơ sở hạ tầng nhưng thách thức đi kèm là sự hội nhập, các đối thủ cạnh tranh đến từ quốc tế rất nhiều. Hàng trăm nhà thầu trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu đã sang đây. Chính vì vậy chúng tôi đã đề ra chiến lược đào tạo đội ngũ có khả năng hòa nhập tốt, tăng cung ứng để giảm giá thành. Một loạt các biện pháp đã được xây dựng để phát triển đến năm 2020, đặc biệt quan tâm đến nhân lực, công nghệ, quản trị và mạng lưới kinh doanh, mạng lưới tài chính. Cách đi của chúng ta là trên cơ sở tích hợp nguồn lực.

Ở Việt Nam, đối thủ chính của Fecon là DN nào?

Chúng ta đang thực hiện 4 Dịch vụ chính: khảo sát thí nghiệm, cọc, xử lý nền và công trình ngầm. Mỗi mảng có 1 đối thủ. Khảo sát thí nghiệm có Liên hiệp khảo sát địa chất. Phần cọc có Minh Đức (miền Bắc) cạnh tranh bằng giá, FCN cạnh tranh bằng chất lượng nhưng nhiều khi vì sự cạnh tranh này mà margin giảm nhiều, phía Nam có Phan Vũ. Vừa rồi phải share công việc tại NĐ Phúc Tân 4 và Samsung HCM, sắp tới có lẽ phải share tiếp 1 số DA. Công trình ngầm có Sông Đà, Tập đoànTrường Sơn nhưng do trước đây các Tập đoàn này là Nhà nước nên sự phối hợp với các đơn vị nước ngoài không được tốt lắm, Fecon được ưu tiên hơn.

Công ty hạ tầng Fecon khác biệt gì với Fecon FCC?

FCC là DN cho DA Phủ Lý còn Cty Hạ tầng Fecon sinh ra để trở thành nhà thầu thi công hạ tầng, có thể ban đầu sẽ đầu tư DA hạ tầng thay mặt cho Fecon. Dự kiến sẽ đầu tư vào Fecon hạ tầng (51%) để từ Fecon hạ tầng đầu tư các DA khác

Bảo Ngọc

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên