MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ PVR: Không trả cổ tức cho đến 2018, thanh toán khoản phải trả cho OGC bằng công ty Bình An

14-05-2015 - 10:22 AM | Doanh nghiệp

Năm 2015, công ty vẫn đặt kế hoạch doanh thu 60 tỷ đồng trong đó, doanh thu bất động sản là 38 tỷ, doanh thu xây lắp là 20 tỷ, doanh thu tài chính và doanh thu khác là 2 tỷ.

Ngày 14/05/2015, CTCP Dịch vụ cao cấp Dầu khí (mã: PVR) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2015.

Không trả cổ tức từ nay đến 2017

Theo báo cáo của HĐQT, do tình hình kinh tế khó khăn, đặc biệt là đối với thị trường bất động sản nên tình hình sản xuất kinh doanh của công ty không đạt kế hoạch. Tổng doanh thu năm 2014 chỉ được 4,88 tỷ đồng trong khi kế hoạch là 86 tỷ. Đây thậm chí là kế hoạch đã được điều chỉnh – tăng lên so với kế hoạch cũ. Lợi nhuận trước thuế đạt 0,66 tỷ trong khi kế hoạch là 1,1 tỷ.

PVR cho biết, trong năm công ty không thu xếp được nguồn vốn vay Ngân hàng để triển khai DA CT10 – 11 Văn Phú, mặc dù sau khi đàm phán với các tổ chức tín dụng, PVR đã đạt được thỏa thuận vay 326 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đại Dương, tuy nhiên do các nguyên nhân khách quan nên chưa thực hiện được khoản vay này. Công ty cũng chưa thực hiện được việc thu tiền góp vốn của khách hàng tại DA CT10-11 Văn Phú.

PVR đã không thực hiện chuyển nhượng được phần vốn tại dự án Việt Hưng để ghi nhận doanh thu, lợi nhuận mặc dù đã đạt được các thỏa thuận với đối tác.

Dù vậy, năm 2015, công ty vẫn đặt kế hoạch doanh thu 60 tỷ đồng trong đó, doanh thu bất động sản là 38 tỷ, doanh thu xây lắp là 20 tỷ, doanh thu tài chính và doanh thu khác là 2 tỷ. Lợi nhuận trước thuế được đặt kế hoạch là 1 tỷ.

PVR trình cổ đông không trả cổ tức trong các năm 2015, 2016, 2017 và đảm bảo trả cổ tức tỷ lệ 10% vào năm 2018.

CT10-11 Văn Phú và CT15 Việt Hưng sẽ đem về 2.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2016 - 2017

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT cho biết, hiện tại theo quy định mới về vấn đề hạch toán doanh thu và lợi nhuận đối với các dự án bất động sản sẽ chỉ được thực hiện khi đã bàn giao công trình cho khác hàng, do đó với các dự án đang triển khai PVR chưa đủ điều kiện để hạch toán.

Tiến độ công trình hiện tại gồm:

-    Dự án CT10-11 Văn Phú đã giải ngân trong năm 2014 khoảng 8,89 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến ngày 31/12/2014 là 618,4 tỷ đồng.

-    Dự án Tổ hợp căn hộ và dịch vụ công cộng CT15 Việt Hưng đã giải ngân 2,41 tỷ trong năm 2014, lũy kế đã đạt được 65,54 tỷ đồng.

-    Dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên (giai đoạn 1) đã dừng thực hiện từ năm 2012, đến thời điểm hiện tại PVR đã giải ngân cho dự án 15,53 tỷ đồng.

-    Dự án số 9 Trần Thành Tông hiện đã hoàn tất chuyển nhượng 51% cho Công ty Bình An, hiện PVR còn sở hữu 19,5% và đã thực hiện một phần nghĩa vụ góp vốn.

Trong thời gian tới, PVR sẽ chú trọng thực hiện 2 dự án chính là Dự án CT10-11 Văn Phú và Dự án CT15 Việt Hưng. Dự kiến đến thời điểm năm 2016 – 2017 doanh thu ghi nhận từ những dự án này sẽ đem về 2.000 tỷ đồng.

Xử lý khoản phải trả cho OGC như thế nào?

Công ty cũng trình bày các phương án tái cơ cấu và xử lý công nợ năm 2015. Đối với các khoản phải trả Tập đoàn Đại Dương (mã: OGC) trị giá gần 146 tỷ, công ty sẽ đàm phán đối trừ và thanh toán bằng tài sản (cổ phần). Cụ thể, với 40 tỷ mà OGC đặt cọc mua khối đế, PVR sẽ trả bằng giá trị đầu tư tại Công ty Bình An. Đối với 106 tỷ phải trả CTCP Đầu tư phát triển Bình An (nghĩa vụ trả nợ thay), PVR sẽ chuyển nghĩa vụ thanh toán cho OGC khi đặt cọc 5 tầng khối đế bằng giá trị đầu tư tại Công ty Bình An.

Bầu bổ sung bà Vũ Thị Hương – đại diện 30% vốn cổ phần vào HĐQT

Tại ĐHCĐ lần này, HĐQT trình việc miễn nhiệm thành viên HĐQT với bà Dương Thị Cẩm Thủy, bà Nguyễn Thị Thu Hà và bầu bổ sung bà Vũ Thị Hương, ông Nguyễn Khoa Điền; miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát công ty là ông Nguyễn Khánh Hoàng và bầu bổ sung ông Hồ Đắc Hiếu.

Bà Vũ Thị Hương hiện đang là Tổng giám đốc của CTCP Đầu tư MHD – cổ đông lớn đang nắm giữ 24,05% vốn cổ phần của PVR. Bà Hương nhận chức Tổng giám đốc của MHD từ tháng 8/2014 đến nay. Riêng cá nhân bà Hương cũng đang sở hữu 2,9 triệu cổ phiếu PVR tương đương tỷ lệ nắm giữ 5,59%.

Ông Nguyễn Khoa Điền hiện đang là giám đốc của Công ty TNHH VNT – cổ đông lớn sở hữu 15,71% vốn cổ phần PVR.

Ý kiến cổ đông:

Tại đại hội, nhiều cổ đông đã đứng lên bày tỏ nỗi băn khoăn về kế hoạch và phương hướng hoạt động kinh doanh từ nay đên 2018. Cụ thể, đối với KQKD 2014, cổ đông trăn trở khi kế hoạch 89 tỷ mà con số đạt được chưa đến 5 tỷ.

“May mà Lợi nhuận vẫn có và công ty thoát khỏi tình trạng hủy niêm yết.”

Những nỗi lo lắng về áp lực nợ phải trả ngắn hạn, mất cân đối tiền mặt cũng được cổ đông bày tỏ và theo đó, cổ đông đề nghị Ban lãnh đạo “cố gắng sắp xếp lại các khoản đầu tư tài chính để chủ động nguồn vốn nội tại, chủ động các DA nội tại của mình”. Việc xúc tiến các DA tiềm năng là điều nên làm nhưng phải cân nhắc vì thủ tục pháp lý và cơ hội có ổn mới nên giữ, “nếu thấy rằng đã tham gia cắm cờ nhưng không hiệu quả thì nên rút.”

Đáng chú ý, có một cổ đông 83 tuổi đã kể lại câu chuyện về “con đường đầu tư” cổ phiếu PVR của mình, cũng như nhóm cổ đông là nhân viên cũ của công ty trước đây. Ngày đó, theo ý kiến từ công đoàn Tập đoàn Dầu Khí, cổ đông này đã bỏ ra 16 triệu đồng để mua cổ phiếu  - đó là một khoản tiền lớn đối với người lao động. Tuy nhiên, việc giá cổ phiếu xuống dốc và khoản đầu tư bị “kẹt” trong nhiều năm đã khiến họ bị thiệt hại đáng kể.

Cổ đông cho biết, hàng năm họ đều từ Hải Dương lên Hà Nội để tham gia ĐHCĐ nhưng không giải quyết được những thiệt hại này. Cổ đông đặt câu hỏi: “Chúng tôi có thể xin rút lại phần vốn đã mua cổ phiếu được không? Dù không có lãi cũng xin rút”.

Thay mặt PVR, ông Tuấn Anh cho biết, công ty sẽ ghi lại hết tên tuổi, số điện thoại và mã cổ đông để giải quyết các nhu cầu này của cổ đông.  Mọi năm, vấn đề này không được giải quyết nhưng năm nay sẽ giao nhiệm vụ quyết liệt để có thể hoàn trả khoản đầu tư đối với những cổ đông có nhu cầu. Tuy nhiên ông Tuấn Anh chưa nêu rõ công ty có thể sử dụng nguồn tiền nào để giải quyết nhu cầu “rút vốn” của các cổ đông này?

Bảo Ngọc

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên