MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[ĐHCĐ] Thủy sản Hùng Vương chi 15 triệu USD mua 51% cổ phần Cty thủy sản của Nga

29-01-2016 - 10:11 AM | Doanh nghiệp

Năm 2015, HVG đạt lợi nhuận trước thuế 151 tỷ đồng, doanh thu thuần hơn 12.300 tỷ. Công ty trình cổ đông điều chỉnh giảm tỷ lệ chi trả cổ tức từ 30% xuống 20% và trình kế hoạch cổ tức 2016 cũng là 20%.

Sáng nay 29/1/2016, Công ty Cổ phần Hùng Vương (Hose: HVG) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên để báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 và kế hoạch hoạt động năm 2016, phương án phân phối lợi nhuận năm 2015 và kế hoạch chia cổ tức, kế hoạch tăng vốn năm 2016. Công ty cũng trình cổ đông kế hoạch mua 51% công ty thủy sản Russia Fish Joint Stock Company - công ty chuyên kinh doanh, phân phối, bán lẻ thủy sản ở Nga - với giá trị 15 triệu USD.

Chi 15 triệu USD mua 51% cổ phần công ty thủy sản của Nga

Báo cáo với cổ đông, ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HVG cho biết, công ty Russia Fish là công ty phân phối cá đứng đầu thị trường Nga với hơn 5% thị phần, NK và phân phối nhiều mặt hàng nhất tại Nga với hơn 60% loại cá từ 18 thị trường trên thế giới. Công ty có hệ thống kinh doanh lớn với 19 chi nhánh và 13 văn phòng đại diện giao dịch trên toàn nước Nga. Tiêu thụ 108 ngàn tấn cá các loại trong năm 2015, ước đạt 15,9 tỉ Ruble, tương ứng 200 triệu USD. Lợi nhuận sau thuế 2015 ước đạt 1,2 tỉ Ruble, tương ứng hơn 15 triệu USD.

Hoàn thành kế hoạch xuất khẩu tôm, cá tra, thức ăn chăn nuôi năm 2015

Năm 2015 vừa qua Hùng Vương đã hoàn thành kế hoạch về các chỉ tiêu về xuất khẩu cá tra, tôm và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính đến tháng 9/2015, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước đạt 1,078 tỷ USD, giảm 9,2% so cùng kỳ năm 2014; trong đó, doanh thu xuất khẩu của Tập đoàn Hùng Vương đạt 112 triệu USD, đóng góp 10,4% tổng kim ngạch. Về cơ cấu, Châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất của Hùng Vương, chiếm 33,9%; Châu Á vươn lên từ vịtrí thứ 4 đến vị trị thứ 2, chiếm 19,6% kim ngạch xuất khẩu.

Theo VASEP, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm luôn ở xu thế giảm cả lượng và giá trị, nhất là với những thị trường trọng điểm. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước đạt 573,9 triệu USD trong quý I, quý II và III lần lượt là 716,2 và 840,8 triệu USD. Hai công ty xuất khẩu tôm của Hùng Vương là Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) và Công ty CP XK Tắc Vân (TFC) vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, đóng góp 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của toàn ngành.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam có doanh số hàng năm lên tới 6 tỷ USD và nhu cầu luôn tăng 13- 15%/năm. Dự kiến đến năm 2020, thị trường cần 25- 26 triệu tấn thức ăn chăn nuôi. 9 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng bán ra của nhóm công ty thức ăn trong Tập đoàn Hùng Vương đạt 534 ngàn tấn, trong đó 36% là tiêu thụ nội bộ của nhóm công ty nuôi trồng thủy sản, 64% là bán ra bên ngoài.

Theo lãnh đạo HVG, hiệp định thương mại tự do (FTA) là một Hiệp ước thương mại giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Theo đó, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình việc cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do.

HVG nhận định các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi về nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu, về dòng vốn đầu tư, về nguồn lực lao động. Tuy nhiên, không phải tất cả đều được hưởng lợi. Thị trường toàn cầu là một sân chơi chung với những luật chơi khắc nghiệt mà một khi đã bước chân vào thì buộc phải tuân thủ. Cơ hội chỉ mở ra với những doanh nghiệp có tiềm lực thực sự, có sự chuẩn bị và đầu tư bài bản. Doanh nghiệp nào không đủ mạnh, hoạt động không hiệu quả sẽ gặp khó khăn, thậm chí là bị đánh bại ngay cả trên sân nhà.

Nắm bắt rõ xu hướng phát triển và hội nhập này, trong hơn 10 năm hoạt động, Hùng Vương không ngừng đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu để hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín của mình. Đến nay, Hùng Vương đã trở thành một công ty xuất khẩu thủy sản đầu ngành, bỏ xa các doanh nghiệp khác về lợi thế cạnh tranh. Trong cơn bão khủng hoảng kinh tế vẫn giữ vững tốc độ phát triển, khi cơ hội đến, Hùng Vương sẽ đón đầu để "cất cánh" tiên phong.

Tiềm năng lớn mảng thức ăn chăn nuôi

Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs vừa dự báo nền kinh tế Việt Nam, hiện đứng thứ 55 trên thế giới, sẽ vươn lên vị trí 17 vào năm 2025 với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng từ 186 tỷ USD (mức hiện tại) lên mức 450 tỷ USD. Ngành chăn nuôi hiện chiếm 27%, trong đóng góp của ngành nông nghiệp vào tổng thu nhập quốc nội. Đây cũng là ngành giữ vai trò then chốt trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Việt Nam là một quốc gia đông dân với quy mô dân số đạt 90,7 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 13 trên thế giới. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2014 mức tiêu thụ thịt ở Việt Nam là 34,2 ki lô gam thịt xẻ/người, xếp vị trí thứ 4 trong khu vực ASEAN.

Tất cả những thông tin trên cho thấy, tiềm năng khai thác thị trường nội địa đối với lĩnh vực chăn nuôi là rất lớn. Việt Thắng là công ty sản xuất thứcăn chăn nuôi trong Tập đoàn Hùng Vương. Tổng sản xuất và bán ra của Việt Thắng chiếm trên 40% thị phần trong tổng số gần 50 doanh nghiệp sản xuất thức ăn. Việt Thắng có ưu thế về chất lượng và giá cả cung ứng ra thị trường với công nghệ sản xuất hiện đại từ Châu Âu và Mỹ, sở hữu kho hàng lớn có thể dự trữ được hơn 120.000 tấn nguyên liệu. Nếu biết tận dụng và khai thác đúng, Việt Thắng sẽ là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thức ăn.

Đặt kế hoạch lợi nhuận 500 tỷ đồng, doanh thu 24.000 tỷ đồng cho năm 2016

Để phù hợp với những kế hoạch đầu tư mới, Hùng Vương đang dần thay đổi cơ cấu vốn theo hướng chuyển từ ngắn hạn sang trung và dài hạn.

Trong năm 2014 và 2015, Hùng Vương đã phát hành thành công 1.300 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi có thời hạn 3 năm cho 3 tổ chức là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (700 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (300 tỷ đồng), và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (300 tỷ đồng).

Hùng Vương cũng đặt kế hoạch kim ngạch xuất khẩu năm 2016 khoảng 500-600 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu từ cá tra là 200-250 triệu, từ tôm là 300- 350 triệu USD. Sản lượng thức ăn chăn nuôi dự kiến 1,5 triệu tấn trong năm 2016 và đến 2018 sẽ đạt 2,5 triệu tấn với tổng đàn heo bố mẹ là 100.000 con. Doanh thu năm 2016 ước đạt 24.000 tỉ đồng, lợi nhuận 500 tỉ đồng.

Thay đổi phương án trả cổ tức năm 2015

Ông Hà Việt Thắng – Phó Chủ tịch HĐQT HVG trình bày tờ trình về kết quả kinh doanh năm 2015 (tính từ 31/12/2014 đến 30/9/2015): doanh thu thuần là 12.337 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 151,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 119,5 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu là 750 đồng.

HĐQT HVG cũng xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi phương án cổ tức cho năm tài chính 2015. Theo Điều 5 tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của Công ty CP Hùng Vương, phương án cổ tức năm 2015 được quyết định là trả 30% bằng tiền và cổ phiếu theo tỷ lệ được ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT Công ty quyết định; nhưng tỷ lệ cổ tức bằng tiền tối thiểu là 10%.

Với lý do hiện tại Công ty HVG đang thực hiện nhiều dự án đầu tư dài hạn nhằm mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh nhằm đón đầu cơ hội khi nền kinh tế tăng cường hội nhập trong các năm tới. Việc này đã tạo sức ép khá lớn lên nguồn vốn hoạt động của Công ty, đẩy tỷ lệ nợ của Công ty lên cao trong năm tài chính 2015. Do đó việc trả cổ tức bằng tiền ở thời điểm và điều kiện hiện tại của Công ty CP Hùng Vương là không hợp lý. Nên Hội đồng quản trị Công ty xin trình ĐHĐCĐ thường niên việc thay đổi phương án cổ tức cho năm tài chính 2015 như sau: tỷ lệ thực hiện: 20%; Hình thức chi trả: 20% bằng cổ phiếu (thực hiện trong tháng 1 năm 2016); 0% bằng tiền.

HĐQT cũng trình chuyển 140 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư và phát triển về lại Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng (BCTC Công ty mẹ). Lý do là để khắc phục tình trạng giá trị âm của Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại Báo cáo tài chính Công ty mẹ thời điểm 30/09/2015.

Sau khi điều chuyển, 2 Quỹ sẽ có giá trị như sau: Quỹ đầu tư và phát triển: 3.688.254.234 đồng; Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối: 38.741.474.455 đồng.

Phương án cổ tức năm 2016: Tỷ lệ thực hiện 20% bằng tiền hoặc bằng cổ phiếu, hoặc kết hợp cả tiền và cổ phiếu theo tỷ lệ được ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT Công ty quyết định.


Cổ đông đại diện quỹ Việt Nam Holding chất vấn lãnh đạo HVG

Cổ đông đại diện quỹ Việt Nam Holding chất vấn lãnh đạo HVG

Cổ đông hỏi, chủ tọa trả lời

Hơn 10h sáng, đại hội cổ đông của HVG bước vào phần hỏi đáp.

Đại diện Quỹ Việt Nam Holding: Tại sao công ty phải tăng công suất nhà máy chế biến thức ăn, kho lạnh? Tại sao phải mua 51% cổ phần của công ty Nga?

Ông Dương Ngọc Minh: Đầu tư mở rộng nhà máy chế biến thức ăn là do nhu cầu đang rất cần. Tuy số liệu cho thấy năm 2015 xuất khẩu thủy giảm 14% về kim ngạch nhưng nguyên nhân là do giá giảm còn sản lượng sản xuất tăng. Đây chính là cơ hội cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay nhu cầu kho lạnh ở Việt Nam là rất lớn, ước tính đang thiếu 500.000 m2 kho lạnh. HVG đầu tư vào kho lạnh thì trong vòng 3 năm sẽ lấy lại vốn đầu tư. Riêng tiền chi phí bốc xếp đủ để trả tiền điện chi phí khấu hao. Đầu tư kho lạnh mỗi ngày lãi 40.000 USD, mỗi tháng lãi trung bình 1 triệu USD.

Thị trường Nga khó khăn từ năm 2014 đến nay. Trước đây kinh tế Nga tốt thì chi tiêu của người dân dành cho các thức ăn giá cao nhưng hiện nay người dân tiết kiệm hơn là cơ hội cho các sản phẩm thức ăn giá rẻ như cá tra, basa của Việt Nam. Nga là nước đánh bắt và cung cấp nguyên liệu Alaska pollak lớn nhất thế giới nên việc hợp tác với đối tác Nga là rất cần thiết

Một số đối tác cũng đang yêu cầu HVG tăng sản lượng chế biến cá Alaska pollak nên tôi khẳng định việc đầu tư mua cổ phần công ty Russia Fish là đúng đắn.

Các ngân hàng rất có lòng tin với dự án đầu tư của HVG. Như dự án kho lạnh có 3 ngân hàng sẵn sàng cho vay.

Bên cạnh đó, do thị trường sắt thép đang đi xuống nên chi phí đầu tư cũng rẻ hơn. Cùng với đó, TPP sắp được kí kết và năm 2016 không đầu tư thì khi thị trường tốt lên sẽ không kịp.

 

Cổ đông hỏi: Vì sao năm 2015 lợi nhuận HVG giảm?

Ông Dương Ngọc Minh: Lợi nhuận giảm là do thị trường toàn thế giới đều đi xuống chứ không riêng Việt Nam, ví dụ xuất khẩu tôm của Ấn Độ giảm đến 40%.

Dù lợi nhuận năm vừa qua có giảm nhưng theo tôi, HVG đang phát triển đúng đắn, có định hướng và có chiều sâu, việc thực hiện liên kết 3 nhà trong sản xuất cá tra cũng giúp chúng tôi luôn chủ động được nguồn nguyên liệu ở bất kì thời điểm nào. Khi đầu tư vào các dự án mới, chúng tôi cũng đã xem xét cẩn thận các yếu tố hiệu quả và chọn đúng điểm rơi. Dự báo từ năm 2016 thị trường sẽ tốt lên và đây là cơ hội cho HVG.

Cổ đông hỏi: HVG sẽ giải quyết vấn đề tỉ giá VND – Rubble trong việc đầu tư vào thị trường Nga như thế nào? Công ty có chiến lược gì để thâm nhập vào các chuỗi siêu thị?

Ông Dương Ngọc Minh: Vấn đề tỉ giá VND – Ruble đã được ngân hàng BIDV hỗ trợ giải quyết, HVG có thể đổi Ruble lấy VND ngay trong ngày.

HVG đã hợp tác với Coop Mart và chính quyền địa phương để đưa sản phẩm vào chợ và siêu thị.

Kết thúc chương trình, đại hội đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2015 điều chỉnh; thông qua việc ủy quyền cho HĐQT mua công ty phân phối thủy sản của Nga và các kế hoạch về kinh doanh, lợi nhuận năm 2016.

 

Quang Duy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên