MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp trước nguy cơ bị kiểm soát

23-12-2013 - 16:53 PM | Doanh nghiệp

Một chuyên gia phân tích, năm nay DN báo lỗ rất nhiều. Một khi giá trị cổ phiếu giảm thì nhà đầu tư và cổ đông hoang mang.

Cổ phiếu sẽ bị bán tháo, giá giảm trở lại vì chẳng ai muốn giữ một cổ phiếu khi biết sắp bị rơi vào diện kiểm soát và giao dịch hạn chế. Bên cạnh đó, cuối năm cũng là thời điểm trả nợ, nếu DN không trả được nợ thì việc siết nợ có thể xảy ra.

Thua lỗ từ năm 2012, sang năm 2013 Vosco - một trong những DN lớn trong ngành vận tải biển - vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Theo báo cáo tài chính, dù quý III/2013, Vosco đã có lãi trước thuế 29 tỷ đồng, nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm 2013, công ty này vẫn còn lỗ gần 166 tỷ đồng. Như vậy, trong quý cuối năm, Vosco phải đạt lợi nhuận cao gấp nhiều lần quý trước thì mới có thể hòa vốn hoặc lãi trong năm nay. Nhưng rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, việc tăng gấp 5 - 6 lần lợi nhuận chỉ trong ít tháng cuối năm là không thể, trong bối cảnh ngành vận tải chưa cho thấy sự khởi sắc.

Cũng thuộc nhóm ngành vận tải biển, giá trị sổ sách của Vinaship đang giảm dần. Nguyên nhân là vì sau 9 tháng, DN này vẫn lỗ 86 tỷ đồng, bào mòn vốn chủ sở hữu. Có thể thấy thời gian qua, Vinaship đã rất nỗ lực bù lỗ nhưng không có nhiều cơ hội. Như vậy, nếu quý cuối này, Vinaship vẫn tiếp tục thua lỗ, làm ăn bết bát thì DN sẽ phải đối mặt với tình cảnh khó khăn, thậm chí rơi vào diện kiểm soát đặc biệt.

Có thể thấy, tình hình kinh tế khó khăn, tồn kho tăng và đầu ra không được khơi thông khiến mọi hoạt động của DN đang trở nên bết bát, nợ nần chồng chất. Điều này không chỉ gây rủi ro cục bộ tại DN mà nó mang tính dây chuyền, ảnh hưởng đến toàn hệ thống tài chính, đặc biệt là TTCK và hệ thống ngân hàng.

“Không phải chỉ một hai DN đang khó khăn mà số lượng này đã lên đến hàng trăm, hàng ngàn. Đặt giả thuyết, DN tiếp tục công bố lỗ năm 2013 thì thị trường sẽ rối thật sự”, một DN chia sẻ. Đó là lý do vì sao gần đây có rất nhiều DN ngừng hoạt động, thậm chí bỏ trốn vì không có khả năng thanh toán. Do đó, mong muốn của DN hiện nay vẫn là sự cảm thông của ngân hàng.

Đồng quan điểm, một chuyên gia phân tích, năm nay DN báo lỗ rất nhiều. Một khi giá trị cổ phiếu giảm thì nhà đầu tư và cổ đông hoang mang. Cổ phiếu sẽ bị bán tháo, giá giảm trở lại vì chẳng ai muốn giữ một cổ phiếu khi biết sắp bị rơi vào diện kiểm soát và giao dịch hạn chế. Bên cạnh đó, cuối năm cũng là thời điểm trả nợ, nếu DN không trả được nợ thì việc siết nợ có thể xảy ra.

Phía các ngân hàng cũng sẽ không thể nhẹ tay vì các vụ việc vỡ nợ của DN gần đây là hồi chuông cảnh báo đối với ngành Ngân hàng. DN thua lỗ sẽ còn được các nhà băng chú ý. “Sẽ không lạ nếu sắp tới đây, còn nhiều trường hợp DN tuyên bố phá sản hay trốn nợ…”, một chuyên gia nói. Đem khó khăn của DN trao đổi với lãnh đạo ngân hàng, các đơn vị này thừa nhận, thời điểm này ngân hàng không dám trao vốn cho DN có nợ xấu cao.

Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, trao vốn cho các DN có nợ xấu làm tăng rủi ro ngân hàng phải gánh chịu. Bởi trong lúc này, rất khó kiểm soát được dòng tiền của DN và khó loại trừ việc DN lấy tiền vừa vay đi trả nợ cũ. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho ngân hàng. Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng nói rằng, nợ xấu từ các khoản vay cũ vẫn không ngừng phát sinh, khiến ngân hàng “nhát tay” với những khoản tín dụng mới.

Theo ông Tùng, có thể xuất hiện một kịch bản tích cực, đó là khả năng các công ty sẽ có kết quả kinh doanh quý IV/2013 tăng trưởng ngoạn mục để giải tỏa những khúc mắc, khó khăn hiện nay. Nhưng điều này xem ra hơi khó. Nhiều đoán định rằng, tình hình tài chính, hiệu quả kinh doanh của các DN sẽ khó được cải thiện chỉ trong thời gian ngắn còn lại của năm 2013. Như vậy, tình trạng DN ngừng hoạt động, bỏ trốn, hay rơi vào diện kiểm soát có thể còn trầm trọng hơn.

Có thể phải chờ đến hết tháng 1/2014, các DN mới chính thức có báo cáo tài chính quý IV/2013, hơn 4 tháng nữa mới có báo cáo từ các công ty kiểm toán, nhưng tại thời điểm hiện nay, nhiều cổ đông, đối tác, ngân hàng… đã thấy lo lắng cho số phận của DN báo lỗ từ đầu năm đến nay. Nói như một cán bộ tín dụng, trong bối cảnh hiện nay, phải cảnh giác sớm với những DN này trước khi xảy ra những trường hợp xấu nhất là vỡ nợ và bỏ trốn.

Theo KIM

trangntm

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên